THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND THỊ XÃ BỈM SƠN
   

Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh triển khai chiến lược văn hóa đối ngoại

Ngày tạo:  11/08/2023 16:35:12
Ngày 08 tháng 8 năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, giai đoạn 2023-2026 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

    Tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá. Sau 06 năm triển khai, Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã góp phần nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về vai trò quan trọng và sự cần thiết của văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn, với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người dân thân thiện, yêu chuộng hòa bình và mến khách thông qua các sự kiện đối ngoại lớn tổ chức tại Việt Nam, các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các quốc gia, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Các hoạt động văn hóa đối ngoại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, với hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo và nhận được sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các đối tác trong và ngoài nước.

      Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại, các cơ quan, địa phương còn gặp phải một số khó khăn như kinh phí còn hạn chế, chưa hình thành được cơ chế điều phối hiệu quả, tại một số địa phương, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu chủ động kêu gọi, huy động nguồn lực của xã hội để tổ chức tốt các hoạt động văn hóa đối ngoại.

      Trong những năm tới, tình hình khu vực và thế giới sẽ có nhiều thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cao hơn, phức tạp hơn. Hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

     Sau hơn 30 năm đổi mới , Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

     Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam, nhằm phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam, đưa văn hóa thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tăng cường giao lưu, sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai những nhiệm vụ cụ thể tại Chỉ thị số 25/CT-TTg theo đúng nhiệm vụ được giao.

     Trên cơ sở Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam; Thực hiện Công văn số 1298/BVHTTDL-HTQT ngày 06/4/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tiếp tục triển khai Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam, ngày 08 tháng 8 năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, giai đoạn 2023-2026 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

    Ủy ban nhân dân tỉnh đã xác định rõ việc thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo yêu cầu Tổ chức triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại phải đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Lồng ghép các hoạt động văn hóa đối ngoại với các hoạt động nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh; gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa đối ngoại với chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại, góp phần tăng cường đoàn kết, quan hệ hữu nghị, hợp tác với bạn bè quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

    Để thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xác định rõ các mục tiêu mà kế hoạch cần đạt được: 

  Đối với mục tiêu chung: 

  - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng, các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. 

  - Đổi mới sáng tạo trong công tác đối ngoại, xác định hiệu quả đối ngoại không chỉ là nguồn lực mà còn là sức mạnh mềm, động lực cho phát triển tỉnh Thanh Hóa. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, yêu nước, văn hóa và cách mạng, có nền văn minh Đông Sơn - nơi giao thoa giữa các luồng văn hóa với khu vực và quốc tế. 

  - Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa, con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh, hướng tới chân - thiện - mỹ thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. 

  - Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phát huy các giá trị, tinh hoa văn hóa đương đại phù hợp với tính chân - thiện - mỹ của nhân loại. 

  - Chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa, đưa Thanh Hóa trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu hợp tác, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước.

  Đối với mục tiêu cụ thể 

  Công tác quảng bá hình ảnh quốc gia: Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh; quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam; xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương. Hội nhập một cách chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; tích cực vai trò thành viên trong việc định hình và phát huy bản sắc của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, nâng cao chất lượng lao động và chất lượng thụ hưởng. Phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa Thanh Hóa với thế giới. Tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, Festival; Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa - du lịch với các tổ chức của nước ngoài và trên thế giới, đặc biệt là các tỉnh, Thành phố đã thiết lập quan hệ với tỉnh Thanh Hóa nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả.  Sáng tạo, đổi mới trong việc tổ chức các chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các sự kiện văn hóa nhân dịp các sự kiện quan trọng như kỷ niệm năm chẵn, năm tròn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày Quốc khánh,... góp phần đưa quan hệ đi vào chiều sâu, bền vững, tăng cường hữu nghị, tin cậy giữa Việt Nam với các nước, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế, trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể của Thanh Hóa. Thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển văn hóa, nghệ thuật, góp phần thực hiện chính sách xã hội hóa. Tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại theo hình thức xã hội hóa với sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

  Hoạt động giao lưu văn hóa:  Tích cực triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại cấp quốc gia và các địa phương với tỉnh Thanh Hóa thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, các hoạt động giao lưu, giao thương thường xuyên. Mục tiêu của công tác giao lưu văn hóa là sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ tỉnh Thanh Hóa với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế tỉnh Thanh Hóa thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Xứ Thanh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế của tỉnh Thanh Hóa.

  Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại: Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hóa nhằm đưa tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, góp phần bổ sung tinh hoa văn hóa nhân loại; đồng thời tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo tinh hoa văn hóa, tri thức, kinh nghiệm hay, khoa học tiên tiến thế giới vào Việt Nam, từ đó kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để hoàn thiện và phong phú hơn kho tàng văn hóa, tri thức của Việt Nam. Phản bác kịp thời, hiệu quả các luận điệu sai trái, xuyên tạc, tuyên truyền không đúng sự thật về các lãnh tụ, danh nhân, lịch sử, văn hóa, đường lối chính sách, đất nước, con người Việt Nam. Đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng của những sản phẩm văn hóa không lành mạnh từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.

  Để thực hiện các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo triển khai cụ thể các nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch, các nhiệm vụ cụ thể gồm: 

  Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng, các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế: Tích cực tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kết luận số 82-KL/TU ngày 30/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2025; các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về văn hóa đối ngoại với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối ngoại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

  Tăng cường triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, song hành với công tác thông tin đối ngoại, gắn kết trong tổng thể chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ Tổ quốc: Triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh trên cơ sở gắn kết chặt chẽ các hoạt động văn hóa đối ngoại với chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại phục vụ mục tiêu phát triển và hội nhập; mở rộng các hoạt động văn hóa đối ngoại của tỉnh với các nước khác trong khu vực ASEAN, đặc biệt là với các tỉnh giáp với tỉnh Thanh Hóa như tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Đồng thời, gắn kết các hoạt động văn hóa đối ngoại với vận động thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch quốc tế, tăng cường trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao của tỉnh. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, xây dựng biểu tượng văn hóa và một số sản phẩm văn hóa của tỉnh mang thương hiệu quốc gia. Phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng internet, mạng xã hội để phục vụ công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại; thúc đẩy phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh triển khai hoạt động văn hóa đối ngoại; 

  Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, các di tích lịch sử, văn hoá tiêu biểu nhất là các di sản văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt, si sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để trở thành những sản 6 phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng vừa phục vụ giáo dục truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà.

  Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, phục dựng lễ hội truyền thống, phong tục tập quán độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác lập hồ sơ khoa học di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trình cấp có thẩm quyền xếp hạng theo quy định; nghiên cứu lập hồ sơ khoa học một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tập trung, nghiên cứu lập hồ sơ hoặc phối hợp với các địa phương liên quan lập hồ sơ khoa học một số di sản văn hóa vật thể, phi vật thể để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; Tăng cường công tác bảo tồn, truyền dạy kỹ năng của các dân tộc; xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương.

  Tăng cường quảng bá giới thiệu văn hóa, con người Thanh Hóa trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và các địa phương… trên các kênh truyền hình trung ương; các báo của thế giới và Việt Nam… đồng thời nâng cao chất lượng các ấn phẩm, sách báo, tạp chí giới thiệu về văn hóa, du lịch của tỉnh Thanh Hóa bằng nhiều ngôn ngữ để quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế; đổi mới các hình thức tuyên truyền, quảng bá về vẻ đẹp đất và người xứ Thanh, như: đẩy mạnh các hình thức truyền thông đa phương tiện, tuyên truyền trên Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ  thống đài truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và các địa phương; tăng cường trao đổi đoàn phóng viên, báo chí; nâng cao chất lượng các ấn phẩm, sách, báo về văn hóa, du lịch; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng số, mạng xã hội...; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng số, mạng xã hội.

  Tiếp tục đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại gắn kết chặt chẽ với cộng đồng người Việt Nam nói chung, cộng đồng người Thanh Hóa nói riêng ở nước ngoài, góp phần gìn giữ, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, sắc thái văn hóa xứ Thanh, thu hút nguồn lực chất lượng cao ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước, của quê hương.

  Tăng cường các hoạt động văn hóa đối ngoại cấp quốc gia và địa phương tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào; tiếp tục xây dựng và phát triển Điểm sáng văn hóa biên giới; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng biên giới, góp phần làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau của người dân khu vực biên giới.

  Xây dựng các chương trình, kế hoạch và nội dung xúc tiến quảng bá văn hóa, du lịch theo hướng chuyên nghiệp và có trọng điểm với những dấu ấn riêng, độc đáo của tỉnh Thanh Hóa; Tăng cường tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư trong các hội chợ, triển lãm về thương mại, văn hóa du lịch trong nước và quốc tế, tập trung cho các thị trường nước ngoài có tiềm năng như các nước, nhất là với các tỉnh thuộc nước CHDCND Lào giáp với tỉnh Thanh Hóa.

  Chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa với các đối tác nước ngoài: Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa với các địa phương nước ngoài, đặc biệt là các địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống như: tỉnh Hủa Phăn (Lào); hợp tác với thành phố Seongnam (Hàn Quốc), hợp tác với tỉnh Mittelsachsen (CHLB Đức), hợp tác với nhà nước Cô-oét, hợp tác với các đối tác Nhật Bản... và các đối tác, địa phương nước ngoài tiềm năng. Tăng cường kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài có thế mạnh tương đồng và bổ sung trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; củng cố, phát triển quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, đối tác nước ngoài tiềm năng; thường xuyên trao đổi thư tín đối ngoại nhân dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị trọng đại,… của các nước, các đối tác. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước”.

    Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Thanh Hóa trong việc tham gia phát triển văn hóa, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Thanh Hóa. Tăng cường kết nối để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường rà soát, đấu tranh, đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực do mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa; đấu tranh phản bác kịp thời những luận điệu sai trái, xuyên tạc trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

    Xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ công tác văn hóa đối ngoại trong thời kỳ mới: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững. Rà soát, ban hành chính sách, cơ chế khuyến khích, đãi ngộ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhằm phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn hoá, nghệ thuật, truyền dạy di sản trong cộng đồng, đồng thời phát triển sâu rộng hoạt động văn hoá, nghệ thuật quần chúng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối, siết chặt kỷ cương, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ quản lý văn hóa hiệu quả; phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý về văn hóa cho các địa phương.

    Với những nhiệm vụ cụ thể phải triển khai, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn theo chức năng và nhiệm vụ, chủ động tổ chức thực hiện Kế hoạch này trong phạm vi thẩm quyền; chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh đầy đủ và việu quả qua đó đảm bảo việc triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Thanh Hóa đến bạn bè quốc tế; Tăng cường các hoạt động giao lưu biên giới, qua đó mở rộng hợp tác với các địa phương thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa góp phần tăng cường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của văn hóa đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước, của tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức hữu nghị và Nhân dân trong công tác văn hóa đối ngoại góp phần phát triển tỉnh Thanh Hóa giàu mạnh./.


Vân Dương

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.