THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN ĐÔNG SƠN
   

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  14/03/2024 15:27:24
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng và an ninh. Chính vì vậy quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, tiết kiệm là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước, là yếu tố quyết định sự phát triển một cách bền vững của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị - xã hội.

          Xác định tầm quan trọng của đất đai đối với phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa các chủ trương nhằm phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định đời sống xã hội, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường…hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được nhà nước bảo đảm, cụ thể như sau:

           

        1. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Tỉnh Thanh Hóa đã sớm xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 (là tỉnh thứ 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch); trên cơ sở Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 26/3/2023 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ngày 31/3/2023); phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, làm cơ sở để quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. 

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đang tổ chức thực hiện hoàn thiện Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thanh Hoá để trình thẩm định, phê duyệt.

         2. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án có sử dụng đất, đầu tư công và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4209/QĐ-UBND ngày 25/10/2021 và Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 thay thế các Quyết định số 3161/2014/QĐ-UBND ngày 26/9/2014, số 3162/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 trước đó của UBND tỉnh. Bên cạnh đó hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư có sử dụng đất, đảm bảo đúng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác bồi thường, GPMB của các ngành, đơn vị có liên quan; đưa kết quả thực hiện bồi thường, GPMB là một nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm đối với UBND cấp huyện.

         3. Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Để việc sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng công tác thẩm định nhu cầu sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư và thẩm định điều kiện năng lực tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất có vị trí lợi thế, khả năng sinh lời cao khi đủ điều kiện để tăng thu ngân sách. Riêng trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, đã thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 738.855ha, tổng tiền sử dụng đất thu được qua đấu giá là 35.586,358 tỷ đồng. Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thông qua chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư với 470 dự án với diện tích 2.123,4 ha.

        4. Công tác xác định giá đất, tài chính đất đai

Tỉnh Thanh Hóa đặc biệt tăng cường, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục theo quy định, đồng thời đảm đảm bảo tính khách quan, độc lập của các đơn vị (Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể tỉnh, Tổ chức tư vấn xác định giá đất và Sở Tài nguyên và Môi trường) tham gia trong các bước công việc lập phương án giá đất, trình Hội đồng thẩm định, ban hành thông báo thẩm định. Từ năm 2020 đến nay đã phê duyệt giá đất cụ thể của 130 dự án, tổng giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất 13.808 tỷ đồng.

        5. Về đo đạc bản đồ, cơ sở dữ liệu đất đai

Toàn tỉnh đã đo đạc bản đồ địa chính theo hệ tọa độ VN-2000 cho 466/558 đơn vị cấp xã (với diện tích 365.595 ha, trong đó bản đồ tỷ lệ 1:500 là 5.147 ha, tỷ lệ 1:1.000 là 12.254 ha, tỷ lệ 1:2.000 là 319.089 ha, 1:10.000 là 29.105 ha); xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được 84/559 xã thuộc 04 huyện; hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính của tỉnh đã vận hành, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, dân cư và Công dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cổng dịch vụ công quốc gia; phê duyệt Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 27/02/2023 để thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung và dịch vụ chia sẽ dữ liệu của tỉnh trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh.

        6. Về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp và hoạt động theo Đề án vị trí việc làm được phê duyệt; đã xây dựng Phân hệ quản lý, luân chuyển hồ sơ đất đai của Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, hỗ trợ quản lý bản đồ số địa chính hiện có của các xã, huyện trên địa bàn tỉnh và cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Thực hiện Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã phân cấp cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, cấp Giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình cá nhân là 597.071,94 ha/636.456,58 ha, tổng diện tích cần phải cấp (tỷ lệ đạt 93,81%) và giấy 2.355.891 giấy/2.427.534 giấy (tỷ lệ đạt 97,05 %); cho tổ chức lần đầu là 359.543,50/396.316,67 ha diện tích cần cấp (tỷ lệ đạt 90,72%) và giấy đã cấp 15.823/20.244 giấy (tỷ lệ đạt 78,16%).

       7. Về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường 

Công tác quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường được chú trọng góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng đất, từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho người dân, giảm dần và tiến tới không còn tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất tại Ban quản lý rừng phòng hộ và công ty nông lâm nghiệp. Đến nay, đã xử lý, giải quyết và thu hồi 2.146,38 ha đất do bị lấn, chiếm, tranh chấp, không còn nhu cầu sử dụng của các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh bàn giao về cho UBND cấp huyện quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. 

       8. Về đổi mới, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung giải quyết các vấn khiếu nại, thắc mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai; thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, các cấp, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp về đất đai có sự đổi mới, kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; trong đó, tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; xác minh và giải quyết kịp thời vụ việc thuộc thẩm quyền đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật; xử lý hiệu quả ngay từ khi vụ việc phát sinh, nhất là các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. 

       

       9. Về giải quyết đất ở cho đồng bào đang sinh sống trên sông

Trước đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có các hộ đồng bào sinh sống trên sông, mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản, có đời sống bấp bênh, việc làm vất vả, khó khăn, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khi mùa mưa bão về; trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân đều muốn lên bờ định cư, ổn định cuộc sống; Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quan tâm, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo các sở ngành, UBND các huyện, thành phố Thanh Hóa thực hiện quyết liệt, tập trung việc cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông; đến nay, tất cả 130 hộ đồng bào sinh sống trên sông chưa có đất ở, nhà ở, đủ điều kiện được hỗ trợ cấp đất ở, nhà ở đã được hỗ trợ cấp đất ở, nhà ở và di chuyển lên bờ sinh sống ổn định với tổng diện tích 14.591,45 m2 và tổng số tiền hỗ trợ là 25,637 tỷ đồng.

       10. Về cải cách hành chính

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, đạt kết quả tích cực; chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực đất đai, cắt giảm thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để sản xuất kinh doanh. Định kỳ hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tiếp doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai.

Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa của tỉnh đã cung cấp 31 dịch vụ công trực tuyến một phần và 12 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 29 thủ tục không xác định là dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã; tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia 43 dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình. UBND tỉnh đã ban hành 03 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính (trong đó 45 thủ tục được sửa đổi, bổ sung; 03 thủ tục bãi bỏ) và 01 quyết định thông qua phương án đơn giản hóa 02 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường; tích hợp dữ liệu và công khai 28 thủ tục hành chính vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân thông qua trang thông tin điện tử: http://phanhoi.thanhhoa.gov.vn.

Bên cạnh, những kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế như: Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm; Công tác giải phóng mặt bằng nhiều năm còn thấp so với kế hoạch được duyệt; Về giao đất, cho thuê đất của một số dự án sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư còn chưa đạt tiến độ; Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, một số nơi có biểu hiện phiền hà, sách nhiễu. Nguyên nhân là do các quy định về nguồn gốc, giấy tờ để đủ điều kiện cấp GCN chưa rõ ràng, cụ thể, chưa phù hợp với một số loại giấy tờ đặc thù của địa phương; cơ sở dữ liệu đất đai chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu trong thời kỳ mới; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tại Văn phòng Đăng ký đất đai từ tỉnh đến cơ sở mới được thành lập còn thiếu và yếu; Chỉ tiêu đất lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh thấp hơn nhiều so với nhu cầu của tỉnh; quy trình thực hiện thu hồi đất cho một dự án phải trải qua nhiều bước và nhiều thời gian; việc xác định giá đất bồi thường GPMB chưa sát giá thị trường, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng….

        Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về đất đai, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đến các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các quy định có hiệu lực từ 01/01/2025 như Luật đất đai, Luật nhà ở, kinh doanh bất động sản và các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; Tập trung hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật đất đai; GPMB, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đồng thời tiếp tục thực hiện tốt giải pháp như sau:

        Thứ 1, tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh để đáp ứng được yêu cầu thông tin cho công tác quản lý, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả đất đai.

        Thứ 2, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý hoạt động của dự án đầu tư, quản lý tiến độ dự án; công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất; việc thực hiện các dự án được giao đất, cho thuê đất; kịp thời phát hiện, kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm quy định pháp luật về đất đai.

       Thứ 3, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai; chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường công tác kiểm tra việc thi hành luật đất đai, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; kiểm tra việc thực thi công việc của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường chế tài xử lý trường hợp vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong đất đai.

        Thứ 4, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm giấy tờ, thời gian thực hiện; áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân giải quyết nhanh các thủ tục hành chính.

       Thứ 5, Ưu tiên thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; tập trung nguồn lực và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đầu tư kết cấu hạ tầng tạo quỹ đất sạch (đặc biệt là đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, các vị trí đất có lợi thế thương mại) để đấu giá quyền sử dụng đất nhằm nâng cao tính hấp dẫn của quỹ đất khai thác, tăng thu cho ngân sách, tăng cường tính minh bạch trong công tác giao đất, cho thuê đất.

 


Đức Mạnh
Nguồn tin: Phổ biến, giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.