Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn đến dự tại các tổ để nắm bắt công tác tổ chức cũng như tình hình cử tri đi bỏ phiếu. Không khí tại nhiều điểm cho thấy cử tri háo hức, mong chờ và kỳ vọng vào sự thay đổi khi thực hiện Đề án.
Trước khi dự khai mạc Hội nghị lấy ý kiến cử tri về viêc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường tại khu phố Hàm Hạ, đoàn đại biểu do đồng tỉnh, huyện do đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tại Cụm Di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa (25/6/1930 - 25/6/2024).
Tiếp đó đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Trọng Hưng, cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở ngành cấp tỉnh. Các đồng chí Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Lê Thanh Hải-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Đại diên HĐND, UBND, UBMTTQ huyện, lãnh đạo, các phòng, ban chuyên môn của huyện; lãnh đạo thị trấn Rừng Thông, cùng đông đảo cử tri, cán bộ khu phố Hàm Hạ đã dự khai mạc Hội nghị lấy ý kiến cử tri về viêc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường.
Việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa là phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương, xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với quá trình đô thị hóa, góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị.
Việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa nhằm mở rộng không gian đô thị, xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I, trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh; xây dựng TP Thanh Hóa trở thành một đô thị thông minh, văn minh, có bản sắc, trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ; phù hợp với truyền thống lịch sử địa phương, phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn; góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới của cả nước.
Đối với Thị trấn Rừng Thông và xã Đông Thịnh, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của các xã, thị trấn này đã có bước phát triển mạnh mẽ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao; hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, đồng bộ; không gian đô thị từng bước được hình thành trên địa bàn. Tuy nhiên, mô hình quản lý chính quyền như hiện nay không còn phù hợp, vì vậy cần thiết thành lập lên phường tạo tiền đề cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý cho phù hợp.
Tại hội nghị, đại diện Tổ lấy ý kiến cử tri của Tổ dân phố Hàm Hạ đã quán triệt và triển khai một số nội dung liên quan đến việc lấy ý kiến cử tri như: Mục đích, yêu cầu của việc lấy ý kiến cử tri; lý do sắp xếp, phương án sắp xếp, tên gọi, trụ sở làm việc của đơn vị hành chính sau sắp xếp... Trong đó, tên gọi của thành phố sau khi nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa là thành phố Thanh Hóa; tên gọi của thị trấn Rừng Thông sau khi huyện nhập vào TP Thanh Hóa là phường Rừng Thông.
Cử tri Tổ dân phố phố Hàm Hạ đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và thể hiện quyết tâm cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra và đang triển khai thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng-Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính; đồng thời mong muốn cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của mình, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân, chính quyền, Nhân dân Đông Sơn hoàn thành nhiệm vụ nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, thành lập các phường.
Dự khai mạc hội nghị lấy ý kiến cử tri về việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa tại nhà văn hóa thôn Viên Khê 1 xã Đông Khê có đồng chí Lê Thị Phương- Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm chính trị huyện, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ; Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn cùng cùng đông đảo cử tri đại diện các hộ gia đình trong thôn.
Tại hội nghị, đại diện thôn Viên Khê 1 đã thông qua mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa tới cử tri trong thôn.
Thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê có 294 hộ với gần 400 cử tri đi bỏ phiếu. Để thực hiện kế hoạch nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, thôn đã tiến hành chỉ đạo các tổ rà soát, lập và niêm yết danh sách cử tri, đồng thời tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập đến bà con nhân dân. Do làm tốt công tác tuyên truyền, nên việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án sáp nhập huyện vào thành phố Thanh Hóa nhận được sự đồng tình ủng hộ, thống nhất cao của đông đảo người dân. Cử tri phấn khởi, mong chờ và kỳ vọng vào sự thay đổi sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập huyện, đến 10 giờ sáng ngày 1/6/2024, tỷ lệ người dân tham gia bỏ phiếu tại thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê đạt trên 99%.
-
Cử tri và Nhân dân thôn Đại Từ 3 xã Đông Thịnh tham gia bỏ phiếu.
Việc sát nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa là chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích cho cả 2 địa phương nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung và để chính người dân được hưởng lợi cũng là mục tiêu lớn của chủ trương này. Việc thu hút các nguồn lực, triển khai các dự án đầu tư sau sáp nhập cũng sẽ phát huy tối đa được tiềm năng, lợi thế, mở ra những cơ hội mới để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do vậy, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong quá trình lấy ý kiến, kịp thời giải quyết, tháo gỡ, đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước và Nhân dân chính là tiền đề quan trọng, góp phần tạo đồng thuận, thống nhất cao để triển khai các bước tiếp theo của Đề án, đáp ứng yêu cầu phát triển./.
Nhóm phóng viên Đông Sơn |
File đính kèm |