THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN HOẰNG HÓA
   


Tình huống HỎI ĐÁP PÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
Lĩnh vực
Chủ đề Pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Trạng thái Còn hiệu lực
File đính kèm

Câu 1: Đề nghị cho biết pháp luật quy định những lĩnh vực nào phải công khai để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

          Trả lời:

Việc công khai các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động và tài nguyên là một trong các biện pháp có hiệu quả để bảo đảm thực hành tiết kiệm, ngăn chặn, phòng ngừa lãng phí.

Khoản 2 Điều 5 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định trừ các lĩnh vực, hoạt động thuộc bí mật nhà nước các lĩnh vực hoạt động sau đây phải thực hiện công khai:

          - Dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước; các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước;

          - Đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách;

          - Các khoản thu vào ngân sách nhà nước, huy động vốn cho ngân sách và cho tín dụng nhà nước; các quỹ có nguồn huy động đóng góp trong và ngoài nước; nợ công theo quy định tại Luật quản lý nợ công;

          - Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch và hoạt động khai thác tài nguyên;

          - Định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan, tổ chức quy định hoặc áp dụng thực hiện; quy chế quản lý tài chính, chi tiêu nội bộ của cơ quan, tổ chức; quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành, lĩnh vực;

          - Phân bổ, sử dụng nguồn lực lao động;

          - Chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả thực hành tiết kiệm; hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí;

          - Quy trình, thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân.

          - Các quy định pháp luật có liên quan đến yêu cầu thực hiện công khai.

Trường hợp nội dung công khai có liên quan đến bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Việc công khai các nội dung trên phải thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sau đây gọi tắt là Nghị định số 84/2014/NĐ-CP):

- Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin phải công khai và phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin công khai;

- Cập nhật thường xuyên các thông tin đã công khai;

- Tuân thủ đầy đủ các quy định về nội dung, thời hạn và hình thức công khai.

Câu 2: Ccơ quan, tổ chức thực hiện công khai các lĩnh vực sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước bằng hình thức nào?  

        Trả lời:

        Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm công khai việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước của cơ quan, tổ chức mình bằng những hình thức sau:

          - Phát hành ấn phẩm;

          - Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

          - Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

          - Đưa lên trang thông tin điện tử;

          - Công bố tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức;

          - Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, Điều 5 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP cũng quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lựa chọn hình thức công khai phù hợp với nội dung công khai, đối tượng công khai; tổ chức thực hiện việc công khai trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định bắt buộc về hình thức công khai thì phải áp dụng hình thức công khai đó.

Câu 3: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thực hiện việc công khai đối với các lĩnh vực sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước vào thời điểm nào?

          Trả lời:

Thời điểm công khai việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 6 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Đối với chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả thực hành tiết kiệm thì thời điểm công khai chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày Chương trình, Báo cáo được ban hành;

- Đối với hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí phải được công khai chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý.

  Đối với các nội dung khác phải công khai thì thời điểm công khai được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Câu 4: Người tố giác, phản ánh thông tin lãng phí có các quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Trả lời:

Quyền và nghĩa vụ của người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí được quy định tại Điều 9 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP như sau: 

1. Quyền của  người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí:

- Gửi văn bản hoặc trực tiếp cung cấp thông tin liên quan đến lãng phí tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Được giữ bí mật họ tên, địa chỉ và các thông tin cá nhân khác của mình;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc xử lý thông tin phát hiện lãng phí do mình cung cấp;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập;

- Được khen thưởng theo quy định.

2. Nghĩa vụ của người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí:

- Cung cấp thông tin trung thực, chính xác;

- Hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc làm rõ các hành vi lãng phí đã phát hiện;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin cung cấp;

- Trường hợp cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, cung cấp thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, uy tín của người khác thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu 5. Pháp luật quy định các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí như thế nào? 

          Trả lời:

          Người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí sẽ được áp dụng các biện pháp bảo vệ quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP như sau:

- Bảo vệ bí mật các thông tin cá nhân liên quan đến người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí;

- Cơ quan, tổ chức nơi xử lý thông tin phát hiện lãng phí phối hợp với cơ quan công an nơi người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí cư trú, làm việc, học tập và cơ quan, tổ chức có liên quan khác tổ chức các hoạt động phối hợp để bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí;

- Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để bảo vệ an toàn cho người, tài sản của người cung cấp thông tin;

- Trường hợp cấp bách thực hiện di chuyển tạm thời người cung cấp thông tin đến nơi an toàn.

Câu 6: Đề nghị cho biết, chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm những nội dung gì?

          Trả lời:

          Nội dung Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định tại Điều 12 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP như sau:

- Các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

- Mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí, trong đó có mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

- Biện pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí đề ra.

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Câu 7: Xin hỏi pháp luật quy định về trách nhiệm thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như thế nào?

Trả lời:

Trách nhiệm tổ chức, thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định tại Điều 14 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP như sau:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

+ Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan mình; chỉ đạo cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã xây dựng;

+ Bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung vào Chương trình các nội dung, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí đề ra;

+ Kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất các nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

+ Xử lý theo thẩm quyền đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về xây dựng, ban hành, thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

+ Kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước;

+ Báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý theo thẩm quyền đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thực hiện đúng quy định về xây dựng, ban hành và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Câu 8: Đề nghị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như thế nào? 

Trả lời:

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Điều 15 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trong phạm vi, lĩnh vực quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh có trách nhiệm lập báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gửi Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính tổng hợp kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm sau.

Câu 9: Đề nghị cho biết hình thức báo cáo và thời hạn gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như thế nào? 

Trả lời:

Điều 16 Nghị định số số 84/2014/NĐ-CP quy định về hình thức báo cáo và thời hạn gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí như sau: 

1. Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện bằng văn bản theo các hình thức sau:

a) Báo cáo năm;

b) Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

2. Thời hạn gửi báo cáo:

a) Báo cáo kết quả năm gửi Bộ Tài chính trước ngày 28/02 năm sau liền kề năm báo cáo;

b) Thời hạn gửi báo cáo đột xuất thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu báo cáo.

Câu 10: Đề nghị cho biết, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm những nội dung gì? Trong báo cáo có được đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không?

Trả lời:

Nội dung báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định tại Điều 17 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP, như sau:

- Công tác tổ chức, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Tình hình, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi, lĩnh vực được giao quản lý theo các lĩnh vực quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đánh giá mức độ đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí đặt ra trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Xác định phương hướng, nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm tiếp theo;

- Đề xuất, kiến nghị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

          Như vậy, cơ quan, tổ chức có quyền đề xuất, kiến nghị những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả.

Câu 11: Pháp luật quy định về trách nhiệm bồi thường trong thực hành tiết kiệm như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương “tiết kiệm là quốc sách”, do đó việc nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm của toàn dân. Tuy nhiên, một số cán bộ, công chức, viên chức được giao quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước nhưng đã không thực hành tiết kiệm, để xảy ra tình trạng lãng phí.

Để ngăn ngừa tình trạng này, Điều 19 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định trách nhiệm thực hiện bồi thường trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định tại các Điều 27 (lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước), Điều 32 (lãng phí trong mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin, liên lạc), Điều 45 (lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng), Điều 53 (lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên) và Điều 58 (lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động) của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định tại Điều 61 (lãng phí tại doanh nghiệp nhà nước), Điều 62 (lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp) của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để xảy ra lãng phí năm 2013, gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định tại Nghị định này.

- Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của pháp luật gây thiệt hại tài sản của cơ quan, tổ chức mà không thuộc trường hợp nêu trên thì có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức hoặc pháp luật về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

- Đối với các tổ chức, cá nhân khác vi phạm quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự.

 

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.