THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN HOẰNG HÓA
   

Thanh Hóa tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh năm 2023

Ngày tạo:  26/03/2023 19:05:37
Ngày 23 tháng 3 năm 2023 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023.

      Trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát. Năm 2022, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia, mới nhất là sự lây lan của bệnh Marburg tại khu vực châu Phi; một số bệnh lưu hành, bệnh có vắc xin dự phòng cũng gia tăng so mắc ở nhiều nơi.

Trên thế giới tính đến nay, đã ghi nhận khoảng 678 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,7 triệu ca tử vong kể từ đầu dịch. Trong năm 2022, thế giới đã ghi nhận 371,5 triệu ca ca mắc, 1,2 triệu trường hợp tử vong và liên tục xuất hiện các biến thể mới. Bệnh cúm mùa hàng năm vẫn ghi nhận khoảng hơn 1 tỷ trường hợp mắc, khoảng 3-5 triệu ca bệnh nặng và khoảng 291.000-646.000 ca tử vong. Bệnh đậu mùa khỉ và viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đã xuất hiện và lây lan tại nhiều quốc gia, là các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu cần quan tâm trong năm 2022. Bên cạnh đó, số mắc sốt xuất huyết trong năm 2022 cũng tăng cao tại nhiều quốc gia.

      Tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 43.000 trường hợp tử vong, Năm 2022, cả nước ghi nhận trên 9,7 triệu ca mắc; tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân là 116.471 ca (đứng thứ 117/230 quốc gia, vùng lãnh thổ); có gần 10.800 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 0,11% trên tổng số ca nhiễm của năm 2022; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện nhiều biến thể phụ của Omicron. Năm 2022 cả nước ghi nhận trên 371.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 144 trường hợp tử vong; so với năm 2021, số mắc tăng hơn 5 lần, tử vong tăng 5,3 lần. Số mắc sốt xuất huyết trong năm 2022 cao hơn số mắc trung bình năm các giai đoạn trước. Trong năm 2022 ghi nhận 02 trường hợp đậu mùa khỉ là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 01 trường hợp dương tính với cúm A(H5). Ngoài ra, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn trong cộng đồng; số mắc, tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2021. Các dịch bệnh lưu hành, các bệnh có vắc xin dự phòng trong nước như cúm, tay chân miệng, sốt rét, sởi... cơ bản được kiểm soát.

       Nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời khống chế, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội. Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020. 

      Căn cứ Quyết định 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 18/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2021-2025; để chủ động kiểm soát có hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm trên người; Ngày 23 tháng 3 năm 2023 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023.

      Kế hoạch xác định rõ những mục tiêu cụ thể như: Xây dựng lộ trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các văn bản hướng dẫn chuyên môn theo quy định của Trung ương; Đồng thời xác định rõ các chỉ tiêu về chuyên môn kỹ thuật (100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện, xử lý kịp thời. 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo quy định, không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu. 100% cán bộ làm công tác giám sát, thống kê báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm được tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao chất lượng và hướng dẫn sử dụng báo cáo bằng phần mềm qua mạng internet. 100% nhân viên y tế làm việc tại các khoa khám bệnh, khoa nội, truyền nhiễm được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm. Duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh (100% huyện, thị xã, thành phố duy trì thành quả loại trừ UVSS). Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, Hib) cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô cấp xã). Đồng thời Kế hoạch cũng xác định các Chỉ tiêu cụ thể đối với một số bệnh truyền nhiễm.

     UBND tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp như giải pháp về công tác tổ chức chỉ đạo; Hoạt động chuyên môn, kỹ thuật (Công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm; Công tác kiểm dịch y tế; Công tác tiêm chủng; Công tác khám, chữa bệnh; Công tác truyền thông); Phối hợp liên ngành; Nghiên cứu khoa học; Công tác kiểm tra, thanh tra; 

      Để thực hiện được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh cũng như đảm bảo các nhiệm vụ và giải pháp được thực hiện hiệu quả, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Y tế; Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giao thông vận tải; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức, đoàn thể các cấp  triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 theo các nội dung đã được giao; duy trì nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo tình hình hoạt động phòng chống dịch về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người của tỉnh qua Sở Y tế (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh) để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.

     Theo dự báo tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới. Ngày 27/01/2023, WHO thông tin số tử vong hàng tuần trên toàn cầu đã tăng trở lại từ tháng 12/2022. Hai tháng qua, thế giới có hơn 170.000 ca tử vong và ước tính số thực tế còn cao hơn nhiều. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá và nhận định dịch COVID-19 vần là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với mức độ nguy cơ cao trong bối cảnh đáp ứng khác nhau giữa các quốc gia. Cùng với đó, các tác nhân gây bệnh, các chủng vi rút cúm xuất hiện, biến đổi liên tục làm giảm khả năng bảo vệ của vắc xin nên luôn tiềm ẩn nguy cơ đại dịch. Trong nước cũng như trong tỉnh tình hình dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại cùng với thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Qua ba năm dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn; số trẻ em chưa tiêm chủng còn cao, khả năng miễn dịch giảm, các dịch bệnh dự phòng bằng vắc xin có nguy cơ gia tăng. Sốt xuất huyết cũng có khả năng gia tăng với dự báo mùa mưa đến sớm, lượng mưa tăng cao và nguy cơ xâm nhập của týp vi rút; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan… Trước tình hình ấy sự quan tâm chủ động chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các cấp cũng như toàn bộ hệ thống chính trị và người là hết sức cần thiết, những xử lý cương quyết, chính xác và kịp thời đảm bảo cho việc không chế dịch bệnh được hiệu quả, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, góp phần sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà./.

 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.