Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, góp phần tích cực trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, ổn định trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Huyện Hoằng hóa đã tổ chức các Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên trên địa bàn huyện
UBND huyện quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn khai thác, lựa chọn những nội dung phù hợp trong Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở được ban hành kèm theo Quyết định số 1753/QĐ-BTP ngày 22/8/2016 của Bộ Tư pháp và Quyết định số 1852/QĐ-BTP ngày 01/9/2020 của Bộ Tư pháp về ban hành tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở dành cho đội ngũ hòa giải viên; kết quả 100% xã, thị trấn đã trang bị, cung cấp kịp thời tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Tổ hoà giải trên địa bàn. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở của các tổ hòa giải thường xuyên được rà soát, kiện toàn, đảm bảo đầy đủ về cơ cấu, số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 243 tổ hòa giải với 1.656 hòa giải viên. Thành phần tổ hòa giải gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Trưởng các đoàn thể, Trưởng các chi hội, người có uy tín... Đội ngũ hòa giải viên đều là những người có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về phong tục tập quán của địa phương, có uy tín trong cộng đồng dân cư và có khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở. Để tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan Nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước. Thực hiện Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 08/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; ngày 22/7/2019, Chủ tịch UBND huyện ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn huyện, đồng thời triển khai, quán triệt đến các phòng, ngành, đoàn thể huyện có liên quan, UBND các xã, thị trấn để tổ chức thực hiện theo thẩm quyền. UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn khai thác, lựa chọn những nội dung phù hợp trong Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở được ban hành kèm theo Quyết định của Bộ Tư pháp để tuyên truyền, phổ biến phù hợp với thực tiễn của địa phương; kịp thời cấp phát đầy đủ các tài liệu, tờ rơi phổ biến pháp luật về hoà giải ở cơ sở, Sổ theo dõi hoạt động hoà giải đến UBND các xã, thị trấn để cấp cho các Tổ hoà giải và tổ chức phổ biến, quán triệt bằng các hình thức phù hợp. UBND huyện lựa chọn đơn vị Thị trấn Bút Sơn là đơn vị chỉ đạo điểm thực hiện Đề án và chỉ đạo UBND thị trấn Bút Sơn thường xuyên quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho hoà giải viên ở cơ sở; đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khai thác Bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải cơ sở do Bộ Tư pháp phát hành và đăng tải trên Công thông tin điện tử của đơn vị; hướng dẫn cho hoà giải viên tra cứu, cập nhật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến Bộ tài liệu trên hệ thống truyền thanh của đơn vị. Trong giai đoạn 10 năm (từ ngày 01/01/2014 đến 30/6/2023) trên địa bàn huyện có tổng số 662 vụ việc đã tiến hành hòa giải, trong đó: số vụ việc hòa giải thành 485 vụ việc; tỷ lệ hòa giải thành đạt 73%.
Huyện quan tâm công tác khen thưởng, biểu dương trong công tác hòa giải cơ sở
UBND huyện đã phối hợp với Sở Tư pháp, các sở, ngành liên quan, hàng năm tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho các Tổ hoà giải, hoà giải viên cơ sở; UBND các xã, thị trấn phối hợp với các phòng, ngành liên quan tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đó có pháp luật về hòa giải ở cơ sở được 731 cuộc, thu hút 73.899 lượt người tham gia; tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên: 20 lớp, với 1.951 hòa giải viên tham gia. UBND huyện, xã, thị trấn tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong đó lồng ghép nội dung pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên hệ thống truyền thanh được 19.128 lượt phát sóng, thu hút hàng 100.000 lượt người nghe. Triển khai cấp phát kịp thời các tờ rơi, tờ gấp phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở do Sở Tư pháp biên soạn đến UBND các xã, thị trấn để cấp phát cho các Tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Hòa giải viên ở cơ sở chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm, chế độ thù lao còn hạn chế nên việc vận động, thu hút những người có kinh nghiệm, có kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, có uy tín, có khả năng thuyết phục tham gia hòa giải gặp nhiều khó khăn; kinh phí hỗ trợ, đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở; cung cấp tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên ở một số đơn vị còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời, đầy đủ, có nơi còn hình thức. Công tác phối hợp ở một số đơn vị giữa UBND với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận về công tác hòa giải ở cơ sở có nơi còn chưa chủ động, chưa thường xuyên, linh hoạt, hiệu quả chưa cao. Một số mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở chưa được phát hiện hòa giải kịp thời; đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động; hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên chưa đồng đều…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, huyện Hoằng Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác hòa giải. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên. Tăng cường các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được học hỏi kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Thanh Hằng |
File đính kèm |