THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN THIỆU HÓA
   

Tìm hiểu sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng

Ngày tạo:  11/06/2024 14:55:40
Luật Công chứng năm 2014, sau hơn 08 năm thi hành có thể khẳng định hoạt động công chứng đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực đối với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014 cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống.

    Về cơ sở chính trị, pháp lý

    Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, theo đó, nhiều Nghị quyết, văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước đã xác định rõ chủ trương, định hướng cũng như giải pháp, quy định về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng như: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW) Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, BCH TW Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… và gần đây là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước…

     Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới (Như Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)… mới được Quốc hội thông qua). Các văn bản này có nhiều quy định tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công chứng. Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và để bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công chứng nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan được đặt ra và là cần thiết. 

    Về cơ sở thực tiễn

     Sau hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, có thể khẳng định hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới, cụ thể như: (i) Đội ngũ công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) ở nước ta ngày càng phát triển (số lượng CCV tăng khoảng gần 2,7 lần, số lượng TCHNCC tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, cả nước có 1.180 CCV, 625 TCHNCC. Sau hơn 08 năm thực hiện Luật Công chứng năm 2014, cả nước có 3.220 CCV, 1.298 TCHNCC). Chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các TCHNCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp; (ii) Các TCHNCC trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng; tổng số phí công chứng thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 2 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70-80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế. Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan. 

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, cụ thể như sau:

    Thứ nhất, Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch). Việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng vì thực chất đây là việc chứng thực chữ ký người dịch thuộc phạm vi hoạt động chứng thực. Do đó, quy định về công chứng bản dịch chưa thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn. 

    Thứ hai, chất lượng đội ngũ CCV còn chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ CCV trong xã hội. Việc hợp danh của CCV tại Văn phòng công chứng (VPCC) ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Quy định về việc góp vốn của các thành viên hợp danh, việc VPCC không có thành viên góp vốn, việc quản lý và điều hành hoạt động của VPCC còn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát và xử lý khi phát hiện vi phạm dẫn đến tình trạng chủ đầu tư nắm quyền kiểm soát VPCC hoặc việc góp vốn, can thiệp sâu của người không phải là CCV hợp danh vào hoạt động của VPCC còn khá phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh tranh chấp giữa các thành viên hợp danh trong một VPCC và các vấn đề phức tạp khác trong tổ chức và hoạt động của VPCC.

     Thứ ba, mặc dù đã được xác định là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản (Theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu ngành Tư pháp)nhưng việc phát triển TCHNCC tại một số địa phương còn lúng túng, không có định hướng nhất quán mà phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan quản lý mỗi địa phương đối với vị trí, vai trò của hoạt động công chứng. Các TCHNCC phần lớn chỉ tập trung tại thành phố lớn hoặc các vùng đô thị trong khi một số địa bàn cấp huyện trong cùng tỉnh, thành phố chỉ có một hoặc thậm chí không có TCHNCC nào. Đáng chú ý, sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển TCHNCC bị bãi bỏ, hàng loạt VPCC đã được thành lập tại các huyện đã xin chuyển trụ sở về khu vực trung tâm mà cơ quan quản lý nhà nước không có đủ cơ sở pháp lý để từ chối dẫn đến tình trạng phân bố bất hợp lý các TCHNCC càng gia tăng. Tình trạng thay đổi thành viên hợp danh của VPCC còn diễn ra thường xuyên và khá phức tạp gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và không bảo đảm sự ổn định, bền vững trong hoạt động của các VPCC.

      Thứ tư, một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa gây khó khăn cho CCV trong quá trình thực hiện quy trình công chứng vừa không tạo thuận lợi cho cả TCHNCC và người dân, doanh nghiệp. 

      Thứ năm, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan. Đến nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại một số địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất trong cả nước; việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng với các cơ sở dữ liệu liên quan chưa được thực hiện.

     Thứ sáu, quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, quản lý của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV còn chưa đầy đủ, rõ nét nhằm tạo cơ sở phát triển hoạt động công chứng đúng hướng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đồng thời phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV trong bối cảnh đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này.

      Ngoài ra, ngày 14/8/2023, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã ban hành Kết luận số 2034/KL-UBPL15 về Phiên giải trình về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”, trong đó đã đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về công chứng. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết. 

Như vậy, từ cơ sở pháp lý đến thực tiễn đều đặt ra yêu cầu cần phải sử đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014 với mục đích tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng.Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. 


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.