THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN THIỆU HÓA
   

TÌM HIỂU MỘT SỐ NỘI DUNG LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Ngày tạo:  18/11/2024 14:23:32
Ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và được Chủ tịch nước công bố tại Lệnh số 09/2024/L-CTN ngày 23/7/2024. Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, riêng các quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm; thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thử nghiệm có kiểm soát; thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012 để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

1. Bố cục của Luật

Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 07 chương và 54 điều, cụ thể là:

Chương I. Những quy định chung: gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7).

Chương II. Tổ chức chính quyền đô thị: gồm 09 điều (từ Điều 8 đến Điều 16).

 Chương III. Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô: gồm 17 điều (từ Điều 17 đến Điều 33).

Chương IV. Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô: gồm 10 điều (từ Điều 34 đến Điều 43).

Chương V. Liên kết, phát triển vùng: gồm 04 điều (từ Điều 44 đến Điều 47).

Chương VI. Giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô: gồm 05 điều (từ Điều 48 đến Điều 52).

Chương VII. Điều khoản thi hành: gồm 02 Điều (Điều 53, Điều 54).

2. Các nội dung mới cơ bản của Luật

2.1. Về phạm vi điều chỉnh

Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

2.2. Vị trí, vai trò của Thủ đô

Luật quy định Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

2.3. Nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Nhằm khắc phục tồn tại của Luật Thủ đô năm 2012 khi không có nguyên tắc áp dụng pháp luật, làm những điều khoản của Luật Thủ đô năm 2012 không còn là giá trị riêng của Thủ đô, bị các luật ban hành sau vô hiệu theo nguyên tắc áp dụng pháp luật chung, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có 01 Điều riêng về nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô, trong đó, xác định ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong trường hợp có quy định khác về cùng một vấn đề với luật, nghị quyết khác. Luật, nghị quyết ban hành sau ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực, có quy định khác về cùng một vấn đề với Luật Thủ đô (sửa đổi), thì phải quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật trong luật, nghị quyết đó; nếu không quy định nhưng xét thấy cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. 

2.4. Về mô hình tổ chức

Tổ chức chính quyền ở Hà Nội được tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND); chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường. 

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, Luật quy định HĐND thành phố được bầu 125 đại biểu (tăng 30 đại biểu so với hiện tại), trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách. Thường trực HĐND thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch (tăng 1 Phó Chủ tịch và 4 thành viên Thường trực HĐND thành phố).

2.5. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Thủ đô

Luật Thủ đô (sửa đổi) phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trong đó, có quy định một số nội dung đặc thù sau đây: 

- HĐND thành phố được chủ động trong việc quyết định thành lập, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức khi đáp ứng một số điều kiện được quy định tại Luật này.

- Cho phép Thường trực HĐND thành phố trong thời gian HĐND hành phố không họp được quyết định một số nhiệm vụ và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất nhằm bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố. 

- Luật quy định 01 điều riêng về phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND. Bổ sung một số quy định nhằm làm rõ hơn chủ thể, đối tượng, phạm vi được phân cấp, ủy quyền so với các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; giao UBND thành phố quy định việc điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp ủy quyền (Điều 14). 

2.6. Về chế độ công vụ, công chức của cơ quan, đơn vị ở thành phố và thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Trên cơ sở quy định mang tính nguyên tắc, Luật giao HĐND thành phố Hà Nội quy định cụ thể về việc ký hợp đồng với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung, trong đó có cả vấn đề về hình thức, các loại hợp đồng bảo đảm phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của địa phương. Quy định chế độ chính sách để thu hút, trọng dụng người có tài năng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

2.7. Về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô

Nhằm ưu tiên các nguồn lực phát triển Thủ đô, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù như:

- Về quy hoạch và biện pháp thực hiện quy hoạch (Điều 17, Điều 18): Cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch khác có liên quan. UBND thành phố quyết định việc điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trưởng trong quy hoặc Thủ đô; điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật. Được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Quỹ đất sau khi di dời trụ sở, cơ sở không phù hợp với quy hoạch được bàn giao cho UBND thành phố quản lý để ưu tiên xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh, xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

- Quy định về nguyên tắc quản lý sử dụng không gian ngầm; không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ (Điều 19).

- Nhằm bảo đảm việc cải tạo, chỉnh trang đô thị phải phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc cảnh quan… Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cụ thể các trường hợp thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang; nguyên tắc thực hiện việc chỉnh trang trong trường hợp người dân đề xuất, trường hợp nhà nước đứng ra tổ chức việc thực hiện chỉnh trang… Đồng thời, để huy động nguồn lực hỗ trợ cho chương trình, dự án, hoạt động phi dự án thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử khu vực nội đô lịch sử; tu bổ, phục hồi công trình kiến trúc có giá trị, Luật cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô, là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ (Điều 20).

- Về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch: HĐND thành phố quy định các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; quy định cụ thể các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa; quy định đối tượng, nội dung mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa có trong quy định đối với người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; vận động viên, huyến luyện viên… Thành phố Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế… (Điều 21).

 - Về phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 22); y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân (Điều 26); chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội (Điều 27): cho phép thành phố đầu tư xây dựng hệ thống trường công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; cho phép cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài; học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn thành phố được hỗ trợ học phí; người học thường trú tại Hà Nội được hỗ trợ học phí học nghề. Với mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám chữa bệnh y học gia đình, cấp cứu ngoại viện, Luật giao HĐND quy định việc sử dụng ngân sách để hỗ trợ thanh toán một số dịch vụ khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được bảo hiểm y tế thanh toán; hỗ trợ thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện; mức giá dịch vụ khám chữa bệnh… UBND thành phố xác định lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện…

Với mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Thủ đô đa dạng, toàn diện, hiện đại, bền vững, bao phủ toàn dân; Luật giao HĐND bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; thực hiện chương trình khám sức khỏe miễn phí hàng năm cho người cao tuổi trên địa bàn.

- Về phát triển khoa học công nghệ: Nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô được giao theo phương thức tuyển chọn hoặc trực tiếp; doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được nhận chuyển giao không bồi hoàn kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách thành phố; thành phố được sử dụng ngân sách hỗ trợ để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ (Điều 23).

 Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định, Luật cũng quy định ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc (Điều 24).

- Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nhằm tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội mạnh dạn thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng; theo đó, việc thử nghiệm có thể bị giới hạn về không gian địa lý, về quy mô thử nghiệm, đối tượng tham gia… Thời hạn thử nghiệm tối đa là 03 năm, có thể gia hạn 1 lần không quá 3 năm. Luật cũng cho phép tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát được phép không áp dụng một số quy định của pháp luật hiện hành và giao HĐND quyết định phạm vi miễn áp dụng các quy định của pháp luật (Điều 25).

- Cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng; giao HĐND thành phố quy định chi tiết việc vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD… (Điều 31).

- Với mục tiêu xây dựng nông nghiệp Thủ đô theo hướng sinh thái, bền vững; chú trọng đến tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, phòng chống thiên tai…, Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép HĐND quy định việc sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi để sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, kết hợp với du lịch, giáo dục trải nghiệm; việc xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm và giao HĐND quy định chính sách hỗ trợ cao hơn trong một số lĩnh vực nông nghiệp mà Thành phố ưu tiên phát triển (Điều 32).

- Điều 33 Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định, HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt.

2.8. Về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô (Chương IV)

- Luật đã bổ sung các quy định mang tính ưu đãi về tài chính, ngân sách áp dụng cho thành phố như quyết định áp dụng trên địa bàn một số loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí và được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do điều chỉnh chính sách phí, lệ phí (khoản 4, khoản 5  Điều 34), các khoản thu khi thực hiện mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa (khoản 7 Điều 21), thu tiền sử dụng không gian ngầm (khoản 2 Điều 19), tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD, tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, phí cải thiện hạ tầng (khoản 4 Điều 31)…

- Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố toàn bộ số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao sau khi đã thực hiện thưởng vượt dự toán các khoản thu theo quy định và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% trên địa bàn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; ngân sách thành phố được giữ lại toàn bộ ngân sách trung ương được hưởng theo tỷ lệ phân chia các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê từ đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố. Cho phép tổng mức dư nợ vay của thành phố không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp; trường hợp cần huy động vốn vay lớn hơn 120%, thành phố báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định (Điều 34).

- Thành phố được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ (khoản 1 Điều 36). Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro (Điều 36).

- HĐND thành phố quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ các cơ quan trung ương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm phát triển kinh tế xã hội, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương khác trong nước hoặc hỗ trợ quốc gia khác trong trường hợp cần thiết; quyết định chi ngân sách cho một số nội dung đặc thù, chi đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô; hỗ trợ di dời, xây dựng mới cho các đối tượng phải di dời theo quy định. Cho phép HĐND quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách thành phố cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên (Điều 35).

2.9. Về đầu tư

Nhằm thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số cơ chế đặc thù sau đây: 

- Về thẩm quyền đầu tư: Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định theo hướng phân quyền mạnh mẽ cho thành phố, theo đó, đối với dự án sử dụng ngân sách địa phương thì HĐND quyết định chủ trương mà không phụ thuộc vào quy mô vốn. Phân quyền từ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án (Điều 37).

- Cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công đối với dự án nhóm B, nhóm C (Điều 38).

- Cho phép áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; đồng thời, quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư như trong lĩnh vực y tế, giáo dục nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn  hóa, thể thao Thủ đô (Điều 39). 

- Cho phép thực hiện hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) thanh toán bằng đất hoặc tiền đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực vận tải, thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường; hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực thủy lợi (Điều 40).

- Cho phép Hà Nội áp dụng quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô để nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí tài sản công (Điều 41).

- Quy định về thu hút nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực mà thành phố ưu tiên thu hút như công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng sạch…; phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D)… quy định điều kiện để được xem là nhà đầu tư chiến lược (khoản 2 Điều 42).

- Quy định về ưu đãi đầu tư, theo đó, các dự án mà thành phố cần ưu tiên thu hút sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với nhà đầu tư chiến lược, để tránh xung đột với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu thì không quy định ưu đãi về thuế mà quy định ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất; hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế; hỗ trợ phát triển nhân lực, hạ tầng và các công trình hạ tầng xã hội; chi phí hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của HĐND thành phố để đáp ứng yêu cầ cấp thiết trong thu hút nhà đầu tư chiến lược.

2.10. Về liên kết, phát triển vùng (Chương V)

Luật quy định việc liên kết, phát triển vùng của thành phố Hà Nội không chỉ giới hạn trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố thuộc khu vực vùng Thủ đô như hiện nay mà còn bao hàm cả việc liên kết, phát triển với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác. Xác định chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng là chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trong đó có thành phố Hà Nội...; không quy định cụ thể các lĩnh vực liên kết trong vùng mà để các địa phương, cơ quan hữu quan ở trung ương chủ động trong việc đề xuất, triển khai các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng phù hợp với quy mô, tính chất và nhu cầu cũng như khả năng tham gia, đóng góp của mỗi địa phương. Luật cũng quy định ngân sách trung ương, ngân sách địa phương ưu tiên bố trí để triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết phát triển vùng; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia vào chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng... 

2.11. Về giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô (Chương VI)

Chương VI của Luật kế thừa quy định về trách nhiệm xây dựng, quản lý, phát triển Thủ đô của Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (Điều 48), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Điều 49), các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 50), các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng Thủ đô (Điều 51) và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, Nhân dân Thủ đô (Điều 52).


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.