THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN TRIỆU SƠN
   

Sự cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Ngày tạo:  17/06/2024 09:42:38
Việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa.

     Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đem lại những kết quả tích cực cho cộng đồng, tuy nhiên bên cạnh những điểm tích cực, Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng đã thể hiện nhiều nội dung chưa theo kịp với sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến sự phát triển chung, điều này đòi hỏi sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định sao cho phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay.

Việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan. Xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa…, và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

    1. Cơ sở chính trị, pháp lý

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn được những bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, lan tỏa các giá trị văn hóa tới bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế quốc gia…Tầm quan trọng, vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được thể hiện qua các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, là cơ sở để các cơ quan chức năng cụ thể hóa, xây dựng được các chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa:

- Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện những quan điểm mới về quyền con người, trong đó có quyền văn hóa được thể hiện tại Điều 41: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”.  

- Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó đã xác định nhiệm vụ “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa”.

- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó có nội dung xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

- Nhất là, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24 tháng 11 năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội và là cơ hội để các cấp, các ngành xây dựng chiến lược phát triển văn hóa trong thời đại mới, với những nội dung chính: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm”của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới...

Như vậy, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường về phân cấp, phát huy nguồn lực xã hội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập, phát triển.

     2. Cơ sở thực tiễn

     2.1. Khắc phục bất cập của Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, với những thành tựu đáng ghi nhận: Đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.621 di tích quốc gia và 130 di tích quốc gia đặc biệt (trên tổng số 40.000 di tích đã được kiểm kê); khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 534 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 09 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 09 di sản tư liệu (03 di sản tư liệu thế giới, 06 di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương)…

Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 197 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 70 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật - là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. Hiện nay, đã có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó 168 hiện vật, nhóm hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể.             Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

2.1.1. Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn

- Quy định đối tượng di tích trong danh mục được kiểm kê được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật Di sản văn hóa nhưng chưa quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

- Quy định thẩm quyền công nhận, ghi danh di sản nhưng chưa quy định trình tự, thủ tục để triển khai thực hiện.

- Quy định mua cổ vật thông qua thương lượng và đấu giá; quy định nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua cổ vật nhưng chưa quy định cụ thể cơ chế, chính sách thực hiện.

- Quy định về việc giám định cổ vật nhưng chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và tiêu chuẩn chuyên gia giám định.

- Quy định bảo vật quốc gia được bảo vệ, bảo quản theo chế độ đặc biệt nhưng chưa quy định cụ thể về việc bảo vệ, bảo quản sẽ được tiến hành như thế nào.

- Quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhưng chưa quy định cụ thể để khuyến khích và có cơ chế thực hiện.

- Quy định nguồn lực xã hội hóa cho bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa còn chung chung, chưa rõ cơ chế triển khai.

2.1.2. Một số quy định của Luật còn chồng chéo, bất cập, có tính khả thi chưa cao hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, cần sửa đổi hoặc bãi bỏ

- Hai cơ quan cùng thẩm định dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (cơ quan xây dựng và cơ quan văn hóa) gây ra bất cập khi thời gian thẩm định hồ sơ dự án kéo dài, có thể gây ra chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án.

- Quy định việc xây dựng các công trình ngoài khu vực bảo vệ của di tích nhưng xét thấy có ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa quy định rõ cơ quan nào sẽ xác định, tiêu chí nào để xác định có nguy cơ để có cơ sở thực hiện trong thực tiễn.

- Quy định về điều kiện thành lập bảo tàng chưa phù hợp với mô hình bảo tàng ngoài công lập.

- Quy định về việc phân loại bảo tàng công lập trong Luật gây khó khăn trong thực hiện khi khó xác định và cách hiểu bảo tàng nào là bảo tàng quốc gia, bảo tàng cấp tỉnh (không rõ giữa bảo tàng tổng hợp và bảo tàng chuyên đề).

- Chưa quy định các biện pháp cụ thể, cần thiết để bảo vệ di sản ở từng lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

- Chưa xác định rõ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể và hình thức thể hiện nên khó khăn khi nhận diện, kiểm kê và thực hiện biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

- Chưa có quy định về người đại diện, đầu mối chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị diễn ra tại di tích; chưa rõ nhiệm vụ của ban quản lý di tích để thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương.

2.1.3. Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật

- Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa quy định nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút, huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa… Hiện nay, các địa phương đang rất cần khai thác, phát huy giá trị di sản để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng do không có cơ chế, chính sách, ưu đãi thuế cho chi phí sản xuất, nên do lợi nhuận không cao, nhiều rủi ro khi đầu tư, khó thu hồi vốn cũng là trở ngại rất lớn trong công tác vận động, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp. Trong khi, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn rất thấp so với nhu cầu thực tế: Đầu tư tu bổ di tích còn thấp, nên mới chỉ thực hiện chống đỡ cục bộ, chưa đặt di tích ở trong tình trạng bền vững lâu dài để trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh có sức hấp dẫn thu hút khách tham quan dẫn đến việc tạo nguồn thu tái đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích còn bị hạn chế. Di sản tư liệu, di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh chưa có đầy đủ chương trình, đề án, kế hoạch để bảo vệ và phát huy giá trị. Hoạt động bảo tàng chưa được quan tâm, đầu tư kinh phí để xây dựng, cải tạo trụ sở, mua sắm trang bị thiết yếu để bảo vệ, bảo quản hiện vật… Vì vậy, cần bổ sung mới các quy định trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): về phạm vi, quyền hạn, nội dung hoạt động xã hội hóa bảo vệ di sản, cơ chế và thẩm quyền hướng dẫn thực hiện; quy định về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa; quy định về việc hỗ trợ cộng đồng địa phương tại địa bàn có di tích.

- Chưa quy định thẩm quyền, hướng dẫn các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như quy định về báo cáo định kỳ tình trạng di sản và tình hình bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các Danh sách của UNESCO; nội dung, cơ chế thực hiện, triển khai, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo cam kết với UNESCO… 

- Luật chỉ quy định công trình trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhưng chưa quy định việc xây dựng, cải tạo công trình ở trong khu vực bảo vệ và ngoài khu vực bảo vệ di tích mà xét thấy có ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích.

- Chưa có quy định về di sản tư liệu - là một loại hình thuộc di sản văn hóa nhưng chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

- Chưa có quy định về việc mua và đưa cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước.

- Thiếu các quy định trong lĩnh vực bảo tàng, như: chức năng, nhiệm vụ giáo dục và ứng dụng công nghệ; việc phải có dự án trưng bày nội thất, ngoài trời của bảo tàng công lập được thẩm định, phê duyệt trước khi thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình bảo tàng; kinh doanh dịch vụ bảo tàng.

- Thiếu các quy định về chuyển đổi số di sản văn hóa; việc khai thác, sử dụng di sản văn hóa; hợp tác công - tư; nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (từ nguồn lực tài chính, ngân sách nhà nước, xã hội hóa, Quỹ bảo tồn, nguồn nhân lực...).

     2.2. Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật       

Sự chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn hóa và văn bản pháp luật khác có liên quan xuất hiện từ năm 2014 (trong cả lĩnh vực di tích, bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật đã khắc phục được những chồng chéo, đồng thời tạo ra những thay đổi, phát sinh đến hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa như: Hiến pháp năm 2013, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, năm 2022), Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018), Luật Lưu trữ năm 2011, Luật Đầu tư công năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2022), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018, Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Phí và Lệ phí năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2022), Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Luật Quy hoạch đô thị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Do một số quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường có quy định liên quan đến di sản văn hóa, vì vậy, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng cần nghiên cứu để quy định phù hợp và thống nhất với các Luật.

      2.3. Bảo đảm phù hợp với những cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên

Trong lĩnh vực văn hóa, Việt Nam đã tham gia 05 Công ước quốc tế và 01 Chương trình. Cùng với việc phổ biến, hướng dẫn thực hiện các Công ước, Việt Nam đã từng bước thực hiện các cam kết đưa quan điểm của Công ước vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nội luật hóa di sản văn hóa.

- Đối với Công ước UNESCO 1970, cơ bản gồm 02 nhóm quy định: 1) Chống buôn bán trái phép cổ vật trong nước và buôn bán cổ vật ra nước ngoài; 2) Khuyến khích việc hồi hương những cổ vật được xác định là buôn bán và nhập khẩu trái phép. Nội dung về nhóm quy định thứ nhất của Công ước đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, nội dung về nhóm quy định thứ hai của Công ước lại chưa được cụ thể trong các văn bản pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam. 

- Đối với Công ước 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và văn bản hướng dẫn thực hiện Công ước có những sửa đổi, bổ sung những quy định mới của UNESCO về hoạt động quản lý di sản và hướng dẫn các quốc gia nghiên cứu, thực hiện về đầu mối thực hiện và quy trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quản lý di sản, việc lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản đa quốc gia, về cơ chế quản lý, bảo vệ di sản... 

- Năm 2003, Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa Phi vật thể được UNESCO thông qua, và năm 2005, Việt Nam đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế này. Di sản văn hóa phi vật thể được quy định vào Luật Di sản văn hóa 2001 trước khi Công ước 2003 của UNESCO ra đời. Do đó, những nội dung của Công ước 2003 cần được nghiên cứu, bổ sung vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) như các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản, cơ chế tôn trọng quyền của cộng đồng chủ thể di sản.

- Năm 1992, UNESCO khởi xướng Chương trình Ký ức Thế giới, Việt Nam chính thức tham gia là quốc gia thành viên của Chương trình từ năm 2007. UNESCO đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình Ký ức Thế giới nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có văn bản quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu hay văn bản quy phạm pháp luật về di sản tư liệu. 

Vì vậy, Luật cần quy định đầy đủ hơn nội dung quản lý đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên cơ sở đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO; quy định nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu sau khi được ghi danh; di sản văn hóa phi vật thể và sinh kế của cộng đồng chủ thể, các nguyên tắc thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, vai trò của cộng đồng chủ thể di sản, các báo cáo quốc gia... để phù hợp với Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Chương trình Ký ức Thế giới mà Việt Nam tham gia, đồng thời rà soát đảm bảo sự phù hợp nội dung các chính sách mới với những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia nêu trên (Công ước ICESCR về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; Công ước có liên quan như: Công CERD ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước ICCPR về các quyền dân sự và chính trị).

     2.4. Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực Di sản văn hóa

Từ năm 2013, UNESCO đã chính thức thông qua Hiến chương về Di sản số, trong đó khuyến khích các quốc gia trên thế giới xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa dưới dạng số nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức, chia sẻ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung. Ở Việt Nam, trên nền tảng công nghệ số, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa cập nhật được những vấn đề về quản lý, hoạt động, bản quyền, quyền khai thác, sử dụng, lưu trữ,…cần phải có những quy định mới để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của di sản văn hóa theo nền tảng công nghệ kỹ thuật số và hỗ trợ việc áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến. 

Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, qua đó sẽ tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, di sản văn hóa. Kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với hệ thống pháp luật hiện hành.Cập nhật, nội luật hóa các quy định của quốc tế về bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Bám sát 03 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể.Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực di sản văn hóa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, từng bước đưa di sản văn hóa đóng góp cho sự phát triển kinh tế. 

 


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.