THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN NÔNG CỐNG
   

Kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  25/12/2022 20:23:07
Năm 2022 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%), đứng thứ 7 cả nước sau các tỉnh, thành: Khánh Hòa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Hưng Yên và Cần Thơ. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 49.000 tỉ đồng; Xây dựng, hoàn thiện nhiều dự án lớn phục vụ phát triển kinh tế, xã hộ… là điểm sáng hết sức nổi bật của nền kinh tế Thanh Hóa

      Năm 2022 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Thanh Hóa, nhiều chương trình, dự án được triển khai và thực hiện có hiệu quả, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao… có được những kết quả đó do nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chính là Thanh Hóa đã thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh.

         Kế hoạch đầu tư công năm 2022 được thực hiện trong bối cảnh trong nước và trong tỉnh có những yếu tố thuận lợi và khó khăn, phức tạp đan xen; những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tăng nhanh về số ca mắc, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022 có vai trò, ý nghĩa quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải quyết những nút thắt về cơ sở hạ tầng, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và sự ủng hộ của Nhân dân trong tỉnh, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, rút ra được một số bài học kinh nghiệm để xây dựng và triển khai tốt hơn kế hoạch đầu tư công các năm tiếp theo đã được HĐND tỉnh quyết định.

        Công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022 Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022, ngay từ cuối năm 2021, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho từng chương trình, dự án để các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Căn cứ nghị quyết phân bổ vốn của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, theo đó, xác định nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2022, đặc biệt là yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các chủ đầu tư, cấp ủy và các địa phương tập trung cao nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án; tổ chức 06 hội nghị giao ban, chuyên đề; tổ chức Đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư năm 2022 để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Ngoài ra, năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện xây dựng phương án phân bổ vốn, báo cáo kết quả phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, đảm bảo công khai, minh bạch; đồng thời, Kho bạc Nhà nước các cấp đã đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.

       Về giao kế hoạch năm 2022 

        Về tổng nguồn vốn: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa được phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án là 12.309,342 tỷ đồng, trong đó: (1) Kế hoạch vốn năm 2022 là 11.919,219 tỷ đồng; (2) Vốn năm 2021 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 là 390,123 tỷ đồng.

        Về tổng số chủ đầu tư: Năm 2022, có 87 chủ đầu tư được giao kế hoạch chi tiết vốn đầu tư công do tỉnh quản lý (bao gồm cả vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022), trong đó có 16 chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, 27 chủ đầu tư là UBND cấp huyện (bao gồm cả Ban QLDA đầu tư xây dựng cấp huyện), 35 chủ đầu tư là UBND cấp xã và 09 chủ đầu tư là đơn vị khác.

         Về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2022 Tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022 mặc dù chưa đạt được như kỳ vọng đề ra, nhưng đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, vật liệu xây dựng và so với bình quân chung của cả nước; giải ngân đến ngày 30/11/2022 là 7.599 tỷ đồng, bằng 67,0% kế hoạch giao chi tiết. Một số nguồn vốn có tiến độ giải ngân đạt 100% và đạt khá so với kế hoạch giao chi tiết, như: Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết (100%); đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất (92,9%); chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước (71,4%).

         Về năng lực mới tăng thêm đến hết năm 2022, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 30 chương trình, dự án; trong đó: Xây mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 50 km đường tỉnh, cứng hóa khoảng 100 km đường nông thôn; tăng diện tích tưới trực tiếp khoảng 200 ha, đảm bảo an toàn hồ đập và hệ thống đê điều, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 138.919 tỷ đồng. Trong năm, đã tổ chức khởi công nhiều dự án trọng điểm, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, như: Đường Vạn Thiện đi Bến En; Tiểu dự án 2 - Đoạn từ đầu cầu vượt sông Mã đến nút giao với QL.45 thuộc Dự án Đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa. 

         Nhìn chung công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh mặc dù còn có những khó khăn, vướng mắc, song tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, nhất là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 quyết liệt, cụ thể, giải pháp ban hành kịp thời và đã phát huy được hiệu quả; Việc phân bổ vốn đầu tư công đã có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên cho các dự án đã có quyết toán, dự án hoàn 7 thành, các dự án có tính kết nối liên vùng, có tính động lực và sức lan tỏa rộng, linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các chương trình, dự án; Công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công được các chủ đầu tư quan tâm thực hiện, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của các chương trình, dự án đạt được những kết quả tích cực, luôn đứng trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước;  Đã khởi công xây dựng trong năm 2022 một số dự án trọng điểm. Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội năm 2022 của tỉnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt từ 12,51% trở lên, huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 138.919 tỷ đồng. 

        Để công tác đầu tư công năm 2023 đạt hiệu quả, các cấp, các ngành, các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời, tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:

           Khẩn trương hoàn thành việc giao kế hoạch chi tiết năm 2023 cho các chương trình, dự án ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch theo tổng mức vốn và cơ cấu vốn đã được Quốc hội quyết định cho tỉnh trước ngày 31/12/2022, đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và các văn bản pháp luật liên quan. Khắc phục triệt để tình trạng chậm phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án. 

           Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể ngay từ đầu năm 2023 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, san lấp, đắp nền, đấu thầu. Thành lập các Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ở tất cả các cấp (tỉnh, huyện và xã). Thường xuyên rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý cụ thể; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. 

        Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, nhất các là các dự án thuộc các chương trình MTQG; cần tuyển chọn tư vấn, nhà thầu thi công đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng 16 dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư và thi công chậm tiến độ.

       Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường GPMB; giải quyết dứt điểm những vướng mắc kéo dài; các chủ đầu tư ưu tiên nguồn vốn được giao để bố trí cho công tác bồi thường GPMB, khắc phục triệt để tình trạng dự án đã được bố trí vốn nhưng không có mặt bằng để thi công. Định kỳ tổ chức các hội nghị giao ban, hội nghị chuyên đề trực tuyến với các chủ đầu tư và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. 

      Thực hiện tốt các giải pháp thu NSNN, cơ cấu lại các nguồn thu, phấn đấu tăng thu NSNN để có nguồn bố trí cho đầu tư công. Thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư có sử dụng đất; đảm bảo tính đúng, tính đủ tiền sử dụng đất. Rà soát các dự án đầu tư có sử dụng đất đã và đang thực hiện còn nợ đọng tiền sử dụng đất để yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, kiên quyết thu hồi các khoản nợ đọng theo quy định, để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển. 

       Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo theo quy định. 

       Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch, bảo đảm sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ các quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, cố tình cản trở và gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

       Với kết quả năm 2022 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%), đứng thứ 7 cả nước sau các tỉnh, thành: Khánh Hòa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Hưng Yên và Cần Thơ. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 49.000 tỉ đồng; Xây dựng, hoàn thiện nhiều dự án lớn phục vụ phát triển kinh tế, xã hộ… là điểm sáng hết sức nổi bật của nền kinh tế Thanh Hóa, kết quả đó sẽ tiếp tục là đòn bẩy kinh tế để giúp Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững những năm tới góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra, và sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh tiến tiến như sinh thời Bác Hồ mong muốn và dành tặng cho chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa./.



File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.