THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN NÔNG CỐNG
   

Một số bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  25/11/2023 22:13:40
Thực hiện các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, trong 10 năm qua các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận trên 45.654 vụ việc. Kết quả đã hòa giải thành là 38.860 vụ việc; đạt trên 85% (trong đó có nhiều đơn vị tỉ lệ hòa giải thành cao trên 90% như: Nga Sơn, Quan Hóa, Bỉm Sơn, Triệu Sơn, Lang Chánh, Mường Lát, Như Thanh, Nông Cống, Quan Sơn, Đông Sơn…).

         Kết quả đó đã góp phần giảm thiểu số vụ, việc tranh chấp phải đưa lên cơ quan có thẩm quyền và Tòa án giải quyết; xây dựng đời sống văn hóa gia đình, cộng đồng, xã hội ổn định, phát triển. Có được kết quả đó là do Thanh Hóa đã thực hiện tốt những nội dung như:

        Đối với công tác chỉ đạo điều hành: Để triển khai đồng bộ và hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, ngày 31/12/2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và hàng năm đã ban hành các Kế hoạch triển khai công tác này. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 03 Quyết định về công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở; Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt, tập huấn nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các hòa giải viên và nhân dân trên địa bàn. 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn, thường xuyên chỉ đạo, củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở cho phù hợp với các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. 

          Đối với công tác quán triệt, triển khai và tập huấn nghiệp vụ:  Luật Hoà giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện nghiêm túc từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đảm bảo sự đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở cho 450 cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, thành viên hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật hòa giải và văn bản hướng dẫn thi hành thông qua hội nghị tập huấn để nâng cao năng lực đội ngũ quản lý nhà nước về hòa giải và hòa giải viên thường xuyên đượ thực hiện. 

          Trong 10 năm qua toàn tỉnh đã tổ chức 30 Hội nghị quán triệt triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hưởng dẫn thi hành; 3.410 Hội nghị tuyên truyền tập huấn bồi dưỡng pháp luật cho 291.425 lượt người tham dự và hơn 70.000 buổi tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cho người dân trực tiếp nghe.

          Đối với công tác tuyên truyền phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở: Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở đến với đội ngũ cán bộ và nhân dân trên địa bàn luôn được quan tâm và triển khai bằng biều hình thức phong phú, đa dạng thông qua ciệc biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở được Sở Tư pháp, UBMTTQ tỉnh và các sở, ngành chú trọng triển khai. Trong 10 năm qua, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành hơn 30.000 cuốn kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; trang bị miễn phí 4.366 cuốn Sổ theo dõi hoạt động Hòa giải ở cơ sở cho các tổ hòa giải trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa; in và cấp phát hơn 35.000 cuốn tài liệu đề cương giới thiệu các văn bản pháp luật mới; 500.000 tờ gấp liên quan đến lĩnh vực hòa giải để cấp cho cán bộ làm công tác quản lý hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở. Các huyện, thị xã, thành phố đã cấp phát gần 125.5000 cuốn tài liệu tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

        Để góp phần bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hòa giải tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức và tham gia nhiều Cuộc thi về hòa giải ở cơ sở. Năm 2013, tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về hòa giải ở cơ sở" ở 3 cấp. Thu hút 9.435 bài dự thi của hòa giải viên thuộc 6.040 tổ hòa giải tham gia. Năm 2016, Thanh Hóa đã lựa chọn và chỉ đạo 01 đội thi tham gia Cuộc thi Hòa giải viên giỏi ở khu vực phía Bắc. Năm 2023, Thanh Hóa tham dự Hội thi “Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV”.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Hòa giải ở cơ sở còn được thực hiện bằng nhiều hình thức khác phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị địa phương, như: Thông qua đăng tải tuyên truyền các tin bài trên các phương tiện, thông tin đại chúng; thông qua loa truyền thanh cơ sở với các chuyên mục “pháp luật và đời sống”, “hỏi đáp chính sách pháp luật”; thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, lồng ghép trong các lễ hội truyền thống, các cuộc họp, hội nghị giao ban công tác của cơ quan, đơn vị các cuộc thi tìm hiểu pháp luật...Các tài liệu cũng như những hoạt động về hòa giải ở cơ sở của tỉnh và địa phương được cập nhật thường xuyên, liên tục trên Trang/Cổng thông tin điện tử của đơn vị cũng như Trang điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, qua đó đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, khai thác và sử dụng của cán bộ, công chức, người dân và nhất là đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

       Nhìn chung, công tác phổ biến, truyền thông Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều các hình thức đa dạng, phong phú, góp phần đưa việc triển khai, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đạt kết quả cao.

       Đối với công tác phát triển, kiện toàn nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện nhiệm vụ về Hòa giải ở cơ sở: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 05 tập huấn viên cấp tỉnh và 181 tập huấn viên cấp huyện, thực hiện các nhiệm vụ đối với công tác tập huấn nghiệp vụ kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; luôn bám sát vào tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện các hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định của pháp luật. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 4.340 tổ hòa giải với 27.678 hòa giải viên, hàng năm, các tổ hòa giải đều được rà soát, kiện toàn, đảm bảo theo quy định, mạng lưới các tổ hòa giải được củng cố, mở rộng thu hút nhiều thành phần tham gia. Việc tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên được chú trọng, thực hiện thường xuyên. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, dần hình thành ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân, góp phần thực hiện thành công cuộc vận động người dân tỉnh Thanh nói lời hay, làm việc tốt.

      Đối với công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả, khen thưởng công tác hòa giải ở cơ sở luôn được quan tâm thực hiện 

       Hằng năm UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật trong đó có nội dung kiểm tra việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã thực hiện được 10 cuộc kiểm tra định kỳ. Thông qua hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra, đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

       Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác đánh giá hiệu quả việc triển khai Luật trên địa bàn, tỉnh đã tổ chức tổng kết 5 năm và 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn, thông qua đó đã tặng Bằng khen cho 19 tập thể và 29 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Trên cơ sở hoạt động tổng kết tại cơ sở, UBND cấp huyện đã khen thưởng 86 tập thể và 108 cá nhân có thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó đã kích lệ cho đội ngũ làm công tác Hòa giải trên địa bàn thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

        Đối với công tác phối hợp triển khai: Hoạt động phối hợp trong công tác Hòa giải ở cơ sở luôn được quan tâm thực hiện và triển khai đầy đủ, chặt chẽ đối với các lĩnh vực Tư pháp, Mặt Trận, Tòa án, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân; Hội Luật gia các cấp, đảm bảo hiệu quả trong triển khai, thi hành các nhiệm vụ.

Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, UBND các cấp ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Từ đó, quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, thực hiện; sự phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật đã góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở cộng đồng dân cư, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. 

          Bài học kinh nghiệm: Từ kết thực tiễn tổ chức, triển khai công tác hòa giải trên địa bàn có thể rút ra bài học kinh nghiệm sau:

          Để hoạt động hòa giải đi đúng hướng và đạt kết quả, trước tiên phải có sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp tốt của Ủy ban MTTQ , các ngành đoàn thể các cấp, đặc biệt là các cơ quan, đoàn thể cơ cấp xã;

          Việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên phải được tiến hành thường xuyên theo định kỳ; kết hợp giữa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ với việc giáo dục tư tưởng nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ làm công tác hòa giải;

          Lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở với các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư, hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật để nâng cao hiệu quả, chất lượng các vụ việc hòa giải;

          Đẩy mạnh các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, hội thi hòa giải viên các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở;

          Tổ chức khen thưởng kịp thời những người trực tiếp hòa giải vụ việc tranh chấp thành công; nêu gương những hòa giải viên tiêu biểu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp tại địa phương;

          Xác định trách nhiệm của hòa giải viên trong công tác hòa giải ở cơ sở là một người “mở nút thắt” trong các vụ việc tranh chấp, vì vậy, việc quan tâm bố trí kinh phí thù lao hòa giải, các chế độ hỗ trợ hòa giải viên gặp rủi ro, tai nạn... sẽ động viên, khích lệ hào giải viên tận tâm với công việc, khách quan khi giải quyết; 

          Tranh thủ thêm nguồn lực đội ngũ luật sư, luật gia...để mời tham gia hòa giải ở cơ sở những vụ việc tranh chấp có tính chất phức tạp, để đảm bảo uy tín cũng như hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở. 

          Với sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, điểu hành của UBND cấp tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp, trên cơ sở kết quả đã đạt được cùng những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, sự nhiệt huyết của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và sự ủng hộ của nhân dân trên địa bàn, chăc chắn trong những năm tới, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được những kết quả tốt, công tác này sẽ ngày càng đi vào nề nếp, góp phần quan trọng trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn từ cơ sở, giúp ổn định tỉnh hình, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.