THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN NÔNG CỐNG
   

Cần thiết phải sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng

Ngày tạo:  27/06/2024 11:22:13
Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 thay thế cho Luật thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm 2003, năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung 03 lần tại Luật số 31/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 (dưới đây gọi chung là Luật thuế GTGT).

1. Qua 15 năm thực hiện, Luật thuế GTGT đã đạt được các kết quả quan trọng. 

- Luật thuế GTGT đã có những thay đổi theo đúng định hướng cải cách chính sách thuế của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Luật thuế GTGT sửa đổi, giảm bớt các nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế đã tạo điều kiện cho việc tính thuế, khấu trừ thuế được liên hoàn giữa các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh; sắp xếp, điều chỉnh hợp lý hơn các nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% và 10% đã góp phần nâng cao sự minh bạch về chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý của cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Luật thuế GTGT quy định mức ngưỡng doanh thu 01 tỷ đồng để áp dụng phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phù hợp với thông lệ quốc tế, đơn giản hoá cách tính thuế đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng đã góp phần giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và giảm chi phí, thời gian kê khai, nộp thuế GTGT đối với người nộp thuế và chi phí quản lý của cơ quan thuế. Hạn chế được việc một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp để chỉ nhằm mua bán hoá đơn, lợi dụng hoá đơn khống để khấu trừ, hoàn thuế làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). 

Luật thuế GTGT quy định nguyên tắc xác định hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu áp dụng thuế suất 0% theo địa điểm tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đã khắc phục các vướng mắc trong thực tiễn trước đây (căn cứ theo tiêu chí bên nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam), tránh các trường hợp lách luật (cung cấp các dịch vụ cho nước ngoài nhưng thực tế tiêu dùng dịch vụ tại Việt Nam) cũng như giải quyết được vướng mắc cho người nộp thuế (thực chất cung cấp dịch vụ cho nước ngoài và tiêu dùng ngoài Việt Nam nhưng không rõ phía nước ngoài có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam).

Luật thuế GTGT cũng quy định mức thuế tối thiểu được hoàn đối với đầu tư và xuất khẩu là 300 triệu đồng góp phần phòng chống gian lận trong hoàn thuế, đồng thời có tác dụng thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất trong nước đẩy nhanh việc đưa dự án vào hoạt động và thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm khối lượng hồ sơ hoàn thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Luật thuế GTGT quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí khai nộp thuế và giảm chi phí hành thu của cơ quan thuế, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước.

- Luật thuế GTGT đã góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, chú trọng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giảm chi phí đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội. 

Luật thuế GTGT quy định hàng hóa, dịch vụ trong ngành nông nghiệp chủ yếu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 5% đã góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp.

Luật thuế GTGT quy định đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc thuế suất ưu đãi 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đã góp phần giảm chi phí cho người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội.

- Luật thuế GTGT đã góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, định hướng đầu tư sản xuất theo đúng đường lối chủ trương chính sách của Đảng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định (TSCĐ), khuyến khích xuất khẩu, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội tăng trưởng.

Luật thuế GTGT quy định đối tượng không chịu thuế đối với: Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; hoạt động chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ hoặc quy định mức thuế suất thấp 5% đối với dịch vụ khoa học công nghệ. Quy định này đã góp phần tạo điều kiện hỗ trợ vốn để doanh nghiệp thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và khuyến khích doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ từ nước ngoài.

Luật thuế GTGT quy định đối tượng không chịu thuế GTGT đối với tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến hoặc đã qua chế biến nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng đã góp phần hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô, góp phần định hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khi đầu tư vào những ngành này.

Luật thuế GTGT quy định hoàn thuế đối với dự án đầu tư và hàng hóa dịch vụ xuất khẩu trong khi các cơ sở kinh doanh thông thường chỉ được khấu trừ vào các kỳ tiếp theo, không được hoàn thuế. Theo số liệu của cơ quan thuế, số hoàn thuế GTGT tăng dần qua các năm, số tiền hoàn bình quân từ năm 2013-2023 chiếm khoảng 27,1% tổng thu từ thuế GTGT. Do vậy, thuế GTGT đã khuyến khích xuất khẩu, hạ giá bán của sản phẩm xuất khẩu tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế, kim ngạch xuất khẩu qua các năm đều tăng: Năm 2013 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 132,2 tỷ USD, đến năm 2023 đạt 355,5 tỷ USD (tăng trưởng khoảng 269% so với năm 2013). 

Bên cạnh đó, thông qua việc hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư và hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu cùng với các biện pháp cải cách có liên quan khác đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới TSCĐ, tạo điều kiện để doanh nghiệp hạ giá hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, từ đó khuyến khích xuất khẩu tăng trưởng, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là đối với nguồn vốn ngoài nhà nước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cũng tăng trưởng đều năm sau cao hơn năm trước, cụ thể: năm 2013 khoảng 1.094.543 tỷ đồng thì đến năm 2023 đã tăng lên khoảng 3.423.500 tỷ đồng, tăng gần 313% so với năm 2013. 

- Luật thuế GTGT góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, chống gian lận trong hoàn thuế thông qua khuyến khích phát triển các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt giữa các doanh nghiệp, quy định một số trường hợp thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nhưng không phải kê khai tính thuế đầu ra, điều kiện hoàn thuế GTGT, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào để hạn chế việc khấu trừ, hoàn thuế khống, thúc đẩy hạch toán kế toán, sử dụng hoá đơn, chứng từ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật thuế GTGT năm 2008 thì sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nếu sản phẩm này được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác ở khâu thương mại thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 5%. Thực tế thực hiện cho thấy nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng quy định trên mua nông sản của nông dân (không chịu thuế GTGT) sau đó mua hóa đơn có thuế GTGT 5% để hợp thức đầu vào, lòng vòng qua nhiều khâu thương mại trung gian trước khi bán cho cơ sở xuất khẩu để cơ sở này được hoàn thuế. Để xử lý vướng mắc thực tế, tại Luật số 106/2016/QH13 đã quy định doanh nghiệp, hợp tác xã không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đầu ra đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác. Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã mua vào sẽ không có thuế GTGT đầu vào để khấu trừ, hạn chế việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT khống.

Quy định của Luật số 106/2016/QH13 đã góp phần ngăn chặn mua bán hóa đơn lòng vòng giữa các doanh nghiệp, ngăn chặn việc lập hóa đơn khống có thuế GTGT 5% đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy sản, đã phát huy hiệu quả ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường. Trong quá trình tổng hợp các báo cáo từ các Cục Thuế và qua các vụ án đã bị khởi tố thời gian qua đã xảy ra tình trạng gian lận tiền hoàn thuế tại khâu trung gian, ví dụ như lập hồ sơ, chứng từ, bảng kê thu mua gỗ trực tiếp của người trồng rừng bán ra không đúng với thực tế việc thu mua gỗ nguyên liệu, sau đó xuất khống hóa đơn bán hàng hóa là sản phẩm gỗ (dăm gỗ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT) cho một số doanh nghiệp từ đó trục lợi tiền hoàn thuế ở khâu xuất khẩu. 

Tổng hợp dữ liệu người nộp thuế có ngành nghề kinh doanh chính thuộc nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho thấy, giá trị hàng hóa bán ra không tính thuế năm 2022 là khoảng 33 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trong kỳ tương ứng với giá trị hàng hóa bán ra không tính thuế tương ứng là 108 tỷ đồng và 117 tỷ đồng (nếu áp dụng thu thuế GTGT 5% thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng năm 2022 là 1.650 tỷ đồng, năm 2023 là 1.750 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Luật thuế GTGT đã quy định một trong những điều kiện quan trọng để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là doanh nghiệp phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị trên hai mươi triệu đồng. Quy định này đã thúc đẩy phát triển giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt giữa các doanh nghiệp, góp phần ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. 

Thông qua việc quy định rõ các điều kiện khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ trong nước và hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, Luật thuế GTGT tạo điều kiện cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra việc kê khai tính thuế, nộp thuế, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện tốt hơn việc mua bán hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ và khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, làm cho hoạt động kinh tế minh bạch, lành mạnh.

- Luật thuế GTGT góp phần quan trọng, ổn định, đảm bảo tỉ lệ động viên hợp lý cho NSNN; cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Thuế GTGT tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong động viên vào NSNN, đây là sắc thuế có số thu lớn nhất trong hệ thống thu NSNN của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, hiệu suất thu tốt của thuế GTGT góp phần đảm bảo cân đối cơ bản cho thu chi NSNN. Ngoài ra, thuế GTGT được nộp vào ngân sách kịp thời (hàng tháng, hàng quý kế tiếp tháng, quý phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ) nên thuế GTGT tạo dòng tiền đều cho ngân sách. 

Từ năm 2013 đến năm 2023, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới nhưng số thu về thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu thuế GTGT trong tổng số thu NSNN. Theo thống kê của cơ quan quản lý thu thì số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu NSNN cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế, cụ thể: Năm 2014 khoảng 26,9%, năm 2019 khoảng 23,3%, năm 2020 khoảng 22,7%, năm 2021 khoảng 23,6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), năm 2022 khoảng 24,5%, năm 2023 khoảng 23%.

2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế:

- Số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

- Việc áp dụng các mức thuế suất (hiện nay gồm 03 mức: 0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông. Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa dựa vào mục đích sử dụng nên gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. 

- Đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT có mức từ 100 triệu đồng trở xuống/năm cần phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp mức biến động của giá và một số yếu tố khác cho phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội.

- Quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản còn có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Đồng thời, quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách.

- Cần phải nghiên cứu bổ sung quy định hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% mà đầu vào chủ yếu áp dụng thuế suất 10%; nghiên cứu sửa đổi quy định về hoàn thuế đối với dự án đầu tư để xử lý bất cập phát sinh trong thực tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Từ thực trạng đó cần phải đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng xuất phát từ những lý do:

- Một là, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, để góp phần chặn đà giảm sút của quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu (trong bối cảnh không điều chỉnh tăng mức thuế suất GTGT).

 + Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững trong đó nhấn mạnh việc tập trung “Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế...”.

+ Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội về thuế, phí như sau: 

Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế”. 

“Sửa đổi hệ thống luật và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục nộp thuế, phí của người dân và doanh nghiệp”.

+ Tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 đưa ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như sau: “Thực hiện các giải pháp khả thi để đạt tỷ lệ huy động cao hơn vào ngân sách nhà nước, khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, đẩy mạnh chống thất thu, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu NSNN. Khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật thuế GTGT, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt... Chú trọng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản để tránh thất thoát. Hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội trong pháp luật về thuế. Rà soát, hoàn thiện các quy định ưu đãi thuế để tránh thất thu, bảo đảm minh bạch, công bằng, khả thi, phù hợp với xu thế phát triển và thông lệ quốc tế”.

+ Điểm b, khoản 1, mục II, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó đối với thuế GTGT: “Mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình; rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu áp dụng thống nhất phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng hoặc không đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ; hoàn thiện các quy định liên quan đến thuế GTGT đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp thông lệ quốc tế. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT theo hướng đơn giản, minh bạch và đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan”.

Hai là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng tại các văn bản: (i) Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (trong đó có yêu cầu không được: “chỉ đạo, ban hành thể chế, cơ chế, chính sách có nội dung trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” - điểm d khoản 2 Điều 9); (ii) Thông báo Kết luận số 30-TB/BCĐTW ngày 15/01/2023 của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 23, ngày 12/01/2023 của Ban Chỉ đạo: “...Khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan đến ngân hàng, tài chính… và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất”; (iii) Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (yêu cầu: “ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật” - Mục 3); (iv) Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH15 ngày 30/8/2023 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (yêu cầu: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - Mục 2.1); (v) Nghị quyết số 126/NQ-CP  ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.  

- Ba là, từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới chính sách thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế.

Bốn là, thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế hội nhập trước mắt cũng như lâu dài đặt ra.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước. Luật thuế GTGT cần sửa đổi phù hợp với xu hướng cải cách thuế GTGT của các nước.

Xu hướng cải cách thuế của các nước phát triển và các nước đang phát triển đều thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, các nước có xu hướng chuyển hướng tăng thu từ thuế tiêu dùng (thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)), mở rộng cơ sở thuế thông qua giải pháp thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT và đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT ưu đãi; điều chỉnh tăng mức thuế suất phổ thông. 

- Năm là, để tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thuế GTGT hiện hành.

Đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật thuế GTGT hiện hành còn nhiều so với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và thông lệ quốc tế đã có nhiều thay đổi. Việc quy định một số hàng hóa không chủ yếu phục vụ tiêu dùng cuối cùng mà là đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng áp dụng thuế suất GTGT 5% đã tạo ra hiệu ứng chuyển thuế làm giảm tác động ưu đãi của thuế, làm giảm cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu và gây phức tạp cho quản lý.

Từ ngày Luật thuế GTGT ban hành đến nay, có nhiều Luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đòi hỏi Luật thuế GTGT phải sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật như: Luật hải quan năm 2014; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; Luật báo chí năm 2016; Luật thủy sản năm 2017; Luật trồng trọt năm 2018; Luật chăn nuôi năm 2018; Luật quản lý thuế năm 2019; Luật chứng khoán năm 2019; Luật đầu tư năm 2020; Luật doanh nghiệp năm 2020; Luật các tổ chức tín dụng năm 2024; Luật đất đai năm 2024.

- Sáu là, thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã có Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/12/2023 về kết quả rà soát. Theo đó, ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 110/2023/QH15 về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong đó đã “…đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đối với nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiến nghị; có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”.

Triển khai nhiệm vụ được giao, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 727/TCT ngày 06/02/2024 đề nghị các Bộ, ngành rà soát, cho ý kiến đối với các kiến nghị do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước đề xuất tại Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra số 2277/BC-UBPL ngày 21/10/2023 của Ủy ban pháp luật và công văn số 2279/LĐTM-PC ngày 31/10/2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Theo đó, nội dung kiến nghị liên quan đến sửa đổi Luật thuế GTGT gồm: (i) đề nghị đưa mặt hàng phân bón ra khỏi đối tượng không chịu thuế GTGT để thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nước và thúc đẩy doanh nghiệp tái đầu tư; (ii) đề nghị bổ sung quy định về thuế suất thuế GTGT áp dụng cho hoạt động giao dịch hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn qua Sở Giao dịch hàng hóa (xác định hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT); (iii) đề nghị sửa đổi quy định về việc xác định sản phẩm xuất khẩu đã chế biến thành sản phẩm khác hay chưa chế biến thành sản phẩm khác và sửa quy định trong việc xác định tỷ trọng giá trị tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên 51% giá thành sản xuất sản phẩm bán ra khi xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; (iv) sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT “đối với doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động” để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và đề nghị hoàn thuế và để phù hợp với trách nhiệm của công ty chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp) theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi Luật thuế GTGT là cần thiết nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luậtđể góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN; Đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN;  Khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; Sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.