THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN THẠCH THÀNH
   

GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

Ngày tạo:  09/03/2023 10:53:20
Ngày 14/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15. Luật gồm 05 chương, 33 điều ( So với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, Luật Cảnh sát cơ động giữ nguyên số chương, tăng 09 điều). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

Ngày 23/12/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014). Sau 07 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thì những mặt trái của nó và những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với Cảnh sát cơ động. Thêm vào đó, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như:  

- Tại khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh quy định thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xác định: “… Thống nhất thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị đồng thời làm bí thư cấp ủy, kết thúc việc thực hiện Quy định số 216-QĐ/TW ngày 09/12/2013 của Ban Bí thư về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động”

- Tại khoản 3 Điều 7 Pháp lệnh quy định Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cảnh sát cơ động không được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra.

- Về thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ cũng bộc lộ một số bất cập, đó là: Điều 10 Pháp lệnh quy định Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động đến cấp tiểu đoàn trực thuộc; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương có quyền điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền (có thể là cấp trung đoàn như Công an TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Như vậy, chưa có sự tương xứng về thẩm quyền điều động so với quy mô tổ chức và quân số của Cảnh sát cơ động ở Bộ Tư lệnh và Công an địa phương. Pháp lệnh cũng chưa quy định thẩm quyền của Tư lệnh và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong những trường hợp khẩn cấp, cấp bách. 

- Pháp lệnh quy định Cảnh sát cơ động được quyền trưng dụng tài sản phục vụ thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008, thẩm quyền này là của Bộ trưởng Bộ Công an và không phân cấp cho cấp dưới.

Để thể chế hóa chủ trương, đường lối, của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Đồng thời tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 3, đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15 trong đó kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh, khắc phục những hạn chế, bất cập, phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm thể hiện tính đặc thù của Cảnh sát cơ động; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Luật Cảnh sát cơ động trong thực tiễn thi hành. 

Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định về  “vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. Luật Cảnh sát cơ động 2022 có một số nội dung mới cơ bản sau: 

Thứ nhất, bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm đối với Cảnh sát cơ động

Tại Điều 8 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với Cảnh sát cơ động, bao gồm:

- Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ;

- Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát cơ động;

- Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao; 

- Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động; 

- Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Như vậy, nếu trước đây Pháp lệnh chỉ quy định nghiêm cấm hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận của Cảnh sát cơ động, thì  Luật Cảnh sát cơ động 2022 đã cụ thể hóa, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như: Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát cơ động; chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ; mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đồng thời, Luật bỏ quy định chung về cấm các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến Cảnh sát cơ động. 

Thứ hai, Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động. 

Điều 7, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013 quy định chung về cả nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát cơ động. Mặt khác trong thời gian qua, Quốc hội ban hành nhiều Luật (Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Phòng, chống khủng bố…) có nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động, tuy nhiên, các quy định này mới chỉ đặt ra tính nguyên tắc, quy định chung, chưa có những quy định cụ thể dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động bị hạn chế. 

Để cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý cần thiết để Cảnh sát cơ động chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Luật Cảnh sát cơ động 2022 đã quy định riêng biệt nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát cơ động. 

- Về nhiệm vụ, Điều 9 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định Cảnh sát cơ động có 9 nhiệm vụ trong đó bổ sung các quy định như : Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an về biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại;  Sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố; Thực hiện nghi lễ trong Công an nhân dân và các sự kiện quan trọng theo quy định…

- Về quyền hạn, Điều 10 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định Cảnh sát cơ động có 7 quyền hạn trong đó bổ sung các quy định như: Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 Luật Cảnh sát cơ động 2022; Được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ theo quy định của Luật Cảnh sát cơ động 2022; Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…

Thứ ba, Quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ của Cảnh sát cơ động

Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động được quy định tại Điều 15 Cảnh sát cơ động 2022, cụ thể như sau: 

- Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

- Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp. Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quy định của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình; 

- Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 

- Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát cơ động trong huấn luyện, diễn tập thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Việc luật hóa các quy định về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động sẽ giúp Cảnh sát cơ động có đầy đủ cơ sở pháp lý và chủ động trong mọi hoàn cảnh, tình huống, yên tâm sử dụng đúng đắn và phù hợp các biện pháp công tác cho từng trường hợp, tình huống cụ thể Việc sử dụng vũ khí quân dụng với các trường hợp, phương thức sẽ bảo đảm phù hợp với đặc thù chiến đấu của lực lượng, góp phần sử dụng hiệu quả vũ khí quân dụng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng, bảo vệ tốt hơn tính mạng của Cảnh sát cơ động, các mục tiêu bảo vệ và hạn chế thấp nhất việc sử dụng không đúng mục đích, đối tượng. Qua đó, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo hơn, các quan hệ xã hội thuộc phạm vi nhiệm vụ bảo vệ và giải quyết của Cảnh sát cơ động được duy trì, ổn định và phát triển hơn, củng cố niềm tin của người dân vào lực lượng Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát cơ động nói riêng.

Thứ tư, Quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của Cảnh sát cơ động

Khi triển khai các phương án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát cơ động luôn bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt có thể phát sinh những tình huống ngoài dự kiến, lực lượng vũ trang nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng cần được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong một số trường hợp đặc biệt để bảo đảm khả năng hoàn thành nhiệm vụ. 

Điều 16 của Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định cụ thể về các trường hợp, thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị như sau:

- Khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó. 

Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, việc huy động người, phương tiện, thiết bị thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.

 Trong trường hợp cấp bách theo quy định tại khoản này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định như sau: 

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập;

+ Người chỉ huy trực tiếp của Cảnh sát cơ động tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức”.

Hiện nay, phần lớn nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động được tổ chức theo đội hình tập thể, nhưng có một số nhiệm vụ do cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động thực hiện độc lập. Trong trường hợp cần thiết, để bảo đảm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động cần được cho phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, khoản 3 Điều 16 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định: “ Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 4 Điều 32 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Thứ năm,  phân định rõ các trường hợp và thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động 

 Pháp lệnh trước đây chưa có sự tương xứng, chưa bảo đảm phân định rành mạch thẩm quyền của Tư lệnh Cảnh sát cơ động với Giám đốc Công an địa phương khi điều động các lực lượng Cảnh sát cơ động trực thuộc. Vì vậy, để khắc phục những bất cập, hạn chế này, Luật Cảnh sát cơ động đã quy định cụ thể các trường hợp và thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động ra quân thực hiện nhiệm vụ, Điều 20 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định như sau: 

- Bộ trưởng Bộ Công an điều động Cảnh sát cơ động trong phạm vi toàn quốc để thực hiện nhiệm vụ;

- Tư lệnh Cảnh sát cơ động điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp sau đây:

+ Đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án thuộc thẩm quyền phê duyệt;

+ Đơn vị Cảnh sát cơ động theo phương án đã được cấp trên phê duyệt, được ủy quyền phê duyệt hoặc khi được giao chủ trì chỉ huy giải quyết các tình huống cụ thể; 

+ Đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an;

- Giám đốc Công an cấp tỉnh điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp sau đây:

+ Thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp trên phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt; 

+  Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn quản lý trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an; 

- Chỉ huy đơn vị Cảnh sát cơ động điều động, sử dụng đơn vị thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều động đơn vị thuộc quyền tham gia phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và đồng thời báo cáo chỉ huy cấp trên trực tiếp; 

- Việc điều động Cảnh sát cơ động trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, giới nghiêm được thực hiện theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền.

Việc phân định rõ các trường hợp và thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động ra quân thực hiện nhiệm vụ giúp cho quá trình phối hợp, hiệp đồng tác chiến được thuận lợi, phát huy được hết chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bảo đảm việc sử dụng, điều động lực lượng hiệu quả, phù hợp với quy mô, tính chất, phạm vi của từng tình huống, vụ việc, nâng cao hiệu quả và sự thông suốt trong tổ chức điều động lực lượng Cảnh sát cơ động; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thông suốt trong thực thi nhiệm vụ giúp Cảnh sát cơ động chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ, các mục tiêu bảo vệ, tình huống và sự việc được giải quyết triệt để, nhanh chóng lập lại trật tự, an toàn xã hội, an ninh được bảo vệ và ổn định, sự an toàn của xã hội được đảm bảo.

Thứ sáu, Quy định về phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động

Thực tiễn quá trình ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động có sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành, nhiều lực lượng. Tuy nhiên, Pháp lệnh trước đây chưa quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy khi lực lượng Cảnh sát cơ động tham gia thực hiện nhiệm vụ, do vậy quá trình thực hiện còn lúng túng, bị động dẫn đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chưa cao. 

Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Luật Cảnh sát cơ động 2022 đã quy định về cơ chế phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan để bảo đảm thống nhất trong chỉ huy, điều động lực lượng cũng như nâng cao hiệu quả công tác của lực lượng này trên thực tế.

- Về nguyên tắc phối hợp, Khoản 1 Điều 21 quy định như sau:

+ Việc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với tình hình thực tế;

+ Bảo đảm sự chủ trì, điều hành tập trung, thống nhất trong công tác chỉ đạo, hỉ huy thực hiện nhiệm vụ; giữ bí mật thông tin về quốc phòng, an ninh và biện pháp nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trong quá trình phối hợp;

+ Bảo đảm chủ động, linh hoạt, cụ thể và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì, phối hợp. 

- Về nội dung phối hợp, Khoản 2 Điều 21 quy định như sau: 

+ Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật;

+ Giải quyết các vụ việc tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; 

+ Tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt;

+ Phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; 

+ Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng; 

+ Trao đổi thông tin, tài liệu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; 

+ Thực hiện các hoạt động phối hợp khác có liên quan. 

- Về cơ chế chỉ huy trong phối hợp, khoản 3 Điều 21 quy định như sau: 

+ Khi giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự do cấp ủy, chính quyền địa phương chủ trì có sự tăng cường lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp để giải quyết vụ việc và trực tiếp chỉ huy Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 

+ Khi giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự do Bộ Công an chủ trì, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị để tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an triển khai các biện pháp giải quyết vụ việc và trực tiếp chỉ huy Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 

+ Khi giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động được giao chủ trì, các lực lượng tham gia phối hợp chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Khoản 4, Luật Cảnh sát cơ động 2022 giao Chính phủ quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.

Với việc quy định cụ thể, rõ ràng cơ chế phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với các cơ quan, tổ chức và lực lượng chức năng có liên quan giúp cho quá trình phối hợp, hiệp đồng tác chiến được thuận lợi, phát huy được hết chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Thứ bảy, Đầu tư trang bị hiện đại, khoa học công nghệ cho lực lượng Cảnh sát cơ động

Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết đại hội lần thứ XIII về ưu tiên hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Luật Cảnh sát cơ động tiếp tục quy định việc trang bị tàu bay, tàu thuyền cho Cảnh sát cơ động trong thực thi nhiệm vụ, nhất là trong trường hợp và tình huống cấp bách, khẩn trương để kịp thời bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.  So với Điều 13 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động thì Luật Cảnh sát cơ động 2022 đã bổ sung quy định: “Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động” (khoản 1 Điều 23); đồng thời, kế thừa quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động: “Cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao” (khoản 2 Điều 23) và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Thứ tám, sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và điều chỉnh quy định về cấp nhà ở công vụ cho Cảnh sát cơ động

Luật Cảnh sát cơ động 2022 cơ bản kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động. Luật quy định: “Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân” (khoản 1 Điều 25); “Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi phục vụ tại ngũ được hưởng các chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động” (khoản 2 Điều 25). 

Bên cạnh đó, Luật Cảnh sát cơ động điều chỉnh quy định về cấp nhà ở công vụ cho Cảnh sát cơ động để sĩ quan Cảnh sát cơ động yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động quy định: “Sĩ quan Cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài tại địa bàn đóng quân độc lập được bố trí nhà ở công vụ”; đến nay, khoản 3 Điều 25 Luật Cảnh sát cơ động quy định: “Sĩ quan cảnh sát cơ động được bố trí nhà ở công vụ”. Quy định này hoàn toàn phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng Cảnh sát cơ động (lực lượng chiến đấu tập trung, thường xuyên phải ứng trực tại đơn vị), đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Thứ chín, Về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động

Để bảo đảm xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, việc quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động phải được ưu tiên, thu hút công dân gắn bó lâu dài trong Cảnh sát cơ động. Luật Cảnh sát cơ động bổ sung 01 điều quy định cụ thể về việc tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động. Đây là điểm mới của Luật so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Cụ thể, Điều 26 của Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định về việc tuyển chọn công dân vào lực lượng Cảnh sát cơ động như sau: 

- Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện thì được tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động; 

-  Cảnh sát cơ động được ưu tiên tuyển chọn công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, tài năng phù hợp để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát cơ động;

- Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết điều này.

Với một số nội dung mới cơ bản trên, Luật Cảnh sát cơ động 2022 sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc để Cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước trong tình hình mới. 


Tuệ Minh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.