THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN VĨNH LỘC
   

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc

Ngày tạo:  15/05/2024 15:49:46
Hòa giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là phương thức hiệu quả giải quyết kịp thời, tận gốc các mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần xây dựng con người Việt Nam sống có ý thức với cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng, coi trọng nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, phát huy và gìn giữ mối quan hệ hài hòa trong mỗi gia đình và toàn xã hội.

Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc thường xuyên quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả theo Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”; Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và đặc biệt, sau khi Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.

Ngày 03.4.2024 Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Lộc phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy tuyên truyền phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở, các Luật mới ban hành lồng ghép sinh hoạt tại thôn Yên Tôn Thượng xã Vĩnh Yên huyện Vĩnh Lộc

Để không ngừng thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật , từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn huyện, trong đó xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở có tác động tích cực đến đời sống và tinh thần của nhân dân. Hàng năm , UBND huyện đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn chính quyền cấp xã tập trung tổ chức kiện toàn tổ hòa giải và ban hành quyết định công nhận hòa giải viên và tổ trưởng tổ hòa giải. Cùng đó, chú trọng lựa chọn hòa giải viên là những người nhiệt tình, am hiểu pháp luật, có kỹ năng thuyết phục vận động, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đồng thời giám sát, theo dõi hoạt động của các hòa giải viên là những người nhiệt tình, am hiểu pháp luật, có kỹ năng thuyết trình, trách nhiệm trong công tác. Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có 101 tổ hòa giải với 646 hoà giải viên, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ 71,2 % (460) và 28,80 % là nữ giới, (186 người). Thành phần tổ hòa giải gồm đại diện Ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, bí thư chi bộ, chi hội trưởng hội nông dân, hội phụ nữ... Tất cả đều là cán bộ có uy tín, hiểu biết về pháp luật, từ đó đảm bảo công tác hòa giải được triển khai thuận lợi, hiệu quả.

Ngày 03.5.2024 Phòng Tư pháp phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy tuyên truyền phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở, các Luật mới ban hành lồng ghép sinh hoạt tại thôn Eo Lê xã Vĩnh Quang huyện Vĩnh Lộc

Các tổ hòa giải luôn phát huy được tinh thần, trách nhiệm, kịp thời có mặt tại các vụ việc tranh chấp ở cộng đồng dân cư để giải quyết các mâu thuẫn. Các vụ việc tranh chấp chủ yếu trên lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai. Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên vừa vận dụng những quy định của pháp luật, phong tục tập quán, tình làng nghĩa xóm, chuẩn mực đạo đức để phân tích, thuyết phục các bên tranh chấp tự thỏa thuận, giải quyết các mâu thuẫn. Từ đầu năm đến nay  các tổ hòa giải đã tiếp nhận 16 vụ, hòa giải thành 9 vụ đạt tỷ lệ 56,25% còn 7 vụ đang giải quyết. Hạn chế nhiều mâu thuẫn và tranh chấp dân sự phải đưa đến tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết. Từ đó góp phần đảm bảo quyền làm chủ của người dân ở cơ sở; giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết tình làng, nghĩa xóm, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cũng được huyện Vĩnh Lộc chú trọng. Nhằm đưa Luật hòa giải ở cơ sở vào cuộc sống, các cấp chính quyền, đoàn thể trong huyện thường xuyên quan tâm tuyên truyền nội dung của Luật hòa giải ở cơ sở với nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, lồng ghép trong sinh hoạt thôn, xóm, khu phố, tuyên truyền qua hệ thống loa đài, truyền thanh, tài liệu pháp luật...

Bên cạnh những kết quả đạt được và ưu điểm nêu trên, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Cụ thể như sau: 

Tại cấp xã, cán bộ Công chức-Hộ tịch các xã, thị trấn kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác hòa giải cơ sở, trình độ chuyên môn của một bộ phận công chức còn hạn chế. Do đó việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, kỹ năng cho hòa giải viên chưa chủ động, kịp thời, hiệu quả còn thấp.

Việc phân định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp ở một số địa phương, đơn vị chưa cụ thể dẫn đến tình trạng nhiều nơi cho rằng công tác hòa giải ở cơ sở là công việc, trách nhiệm của ngành Tư pháp. Do vậy dẫn đến sự phối hợp trong công tác hòa giải chưa được thực hiện một cách thường xuyên, chặt chẽ, thiếu sự chủ động dẫn đến hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa cao.

Kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn rất hạn hẹp, chế độ bồi dưỡng cho hòa giải viên một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời.

Mạng lưới tổ hòa giải chưa đồng đều; tổ hòa giải ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.Trong đội ngũ hòa giải viên, một số hào giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở. Chưa vận động được nhiều người có kiến thức pháp luật tham gia hòa giải viên dẫn đến chất lượng hòa giải một số vụ việc còn thấp.

Để làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, Nhân dân, đặc biệt là công tác hòa giải ở cơ sở, khắc phục những tồn tại, hạn chế, không ngừng phát huy vai trò, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở và năng lực của đội ngũ hòa giải viên. Trong thời gian tới, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức trước hết là các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và Nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cộng đồng dân cư, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, hướng dẫn các phòng, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện lồng ghép thực hiện tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở với các phong trào, các cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thứ hai: Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các quy định pháp luật về hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải bằng ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa để tăng cường trang bị các điều kiện làm việc, thanh toán chế độ thù lao cho đội ngũ hòa giải viên, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần hăng say, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở. Công chức Tư pháp-hộ tịch cấp xã phát huy vai trò đầu mối, cần theo dõi sát sao, tham mưu kịp thời cho chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở tại đơn vị mình.

Thứ ba: Thực hiện tốt công tác kiểm tra và chế độ thông tin, báo cáo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho công tác hòa giải ở cơ sở  trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc liên tục ổn định, phát triển đáp ứng được yêu cầu đề ra.

 Thứ tư: Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở đảm bảo về số lượng, cơ cấu thành phần và chất lượng theo quy định của pháp luật.

 Thứ năm: Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải ở cơ sở. 

Công tác hòa giải ở cơ sở là một kênh quan trọng để phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, hình thành mỗi cá nhân có ý thức chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạo đức xã hội; góp phần giải quyết những vi phạm pháp luật nhỏ và tranh chấp tội phạm. Do vậy huyện Vĩnh Lộc quán triệt nghiêm túc trong nhận thức và hành động, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đưa công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện đi vào nề nếp, phát huy được vai trò, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân./.

 


Trịnh Thị Duyên
Nguồn tin: Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Lộc

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.