THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  06/06/2022 14:49:46
Ngày 29 tháng 11 năm 2006, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Bình đẳng giới. Đây là văn bản Luật quan trọng trong tiến trình thúc đẩy xã hội bình đẳng về giới, nhằm nâng cao vị thế của người phụ nữ, đồng thời góp phần tạo điều kiện cho người phụ nữ có những cơ hội phát triển và đóng góp cho đất nước nhiều hơn.

Ngày 29 tháng 11 năm 2006, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Bình đẳng giới. Đây là văn bản Luật quan trọng trong tiến trình thúc đẩy xã hội bình đẳng về giới, nhằm nâng cao vị thế của người phụ nữ, đồng thời góp phần tạo điều kiện cho người phụ nữ có những cơ hội phát triển và đóng góp cho đất nước nhiều hơn. 

           Trên cơ sở sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa. Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Một số kết quả nổi bật đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới trên địa bàn như:

Hằng năm, UBND tỉnh đã phát động các đợt cao điểm truyền thông, vận động xã hội thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: như Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11-15/12 hằng năm); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6); ngày Quốc tế phụ nữ (8/3); ngày Quốc tế hạnh phúc 20/10; ngày Gia đình Việt Nam (28/6); ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10); ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) v.v… Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện với các nội dung, trong đó tập trung thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 24/4/2017 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới; Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới); Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 20/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác bình đẳng giới giai đoạn 2012-2020; Chiến lược quốc gia và các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh từng giai đoạn; các hoạt động công tác bình đẳng giới, công tác gia đình v.v…

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đa dạng, kết hợp giữa truyền thông trực tiếp và truyền thông đại chúng. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về Luật Bình đẳng giới và các văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và các sản phẩm truyền thông (ấn phẩm in, pa-nô, áp-phích, tờ rơi, khẩu hiệu tuyên truyền v.v…); tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề, đối thoại chính sách, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

 Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã in ấn và phát hành 428.650 tờ rơi truyền thông về bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, lao động - việc làm, gia đình; 20.585 cuốn tài liệu, sách mỏng, sổ tay truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới theo nhóm đối tượng cụ thể; treo hơn 8.000 băng-rôn tuyên truyền trên các trục đường giao thông; lắp đặt gần 200 pa-nô các loại tại nơi công cộng, đông dân cư; tổ chức 01 Hội thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cấp tỉnh và 12 Hội thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới cấp huyện; tổ chức 06 diễn đàn “Phụ nữ với công tác tham chính” cho 330 đại biểu nữ; tổ chức được 2.427 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho 347.222 lượt cán bộ, nhân dân và công nhân tại địa phương, tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức 32 Hội nghị triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng phổ biến kiến thức pháp luật và tuyên truyền lồng ghép công tác bình đẳng giới cho các đoàn viên, thanh niên, cán bộ chủ chốt, các tuyên truyền viên pháp luật, các hòa giải viên ở cơ sở và các cán bộ nòng cốt của các xã; phát động hưởng ứng tham gia cuộc thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới” do Trung ương tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh với 39.946 bài dự thi (năm 2012); trung bình mỗi năm có 500 tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng (các báo, đài) về các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào phụ nữ, gương phụ nữ vượt khó, phát triển kinh tế; xây dựng Chuyên mục Phụ nữ tỉnh Thanh phát trên kênh TTV của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa. Sở Tư pháp phối hợp với Báo Thanh Hóa mở chuyên mục “Thông tin về trợ giúp pháp lý”; theo đó, mỗi tháng Báo Thanh Hóa có 01 bài về 01 vụ việc trợ giúp pháp lý nổi bật do các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện; đưa tin về hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó có lồng ghép về bình đẳng giới, qua đó để nhiều người dân biết về hoạt động trợ giúp pháp lý; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 02 phóng sự về hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó có lồng ghép về bình đẳng giới v.v…

Với những kết quả trong 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới đã góp phần quan trọng cho công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả cao, thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, giúp cho các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới đã được thực hiện trên thực tiễn của cuộc sống. Nhiều quy định của Luật Bình đẳng giới đã được triển khai trong thực tế, đem lại kết quả tích cực, tăng cường vai trò và sự tham gia của cả nam và nữ trong quá trình phát triển của đất nước; nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về bình đẳng giới đã được cải thiện rõ rệt, tình trạng bất bình đẳng giới, định kiến giới từng bước được xóa bỏ; hủ tục lạc hậu của một số địa phương phần nào đã thay đổi, vị thế vai trò của phụ nữ và nam giới được khẳng định trong xã hội v.v... sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ cũng có những nét tiến bộ rõ rệt, các chuẩn mực đạo đức xã hội được coi trọng, vai trò của người phụ nữ được đánh giá đúng mực tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia hoạt động xã hội và tổ chức tốt cuộc sống gia đình, ứng xử và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Luật Bình đẳng giới đã có tác động tích cực tạo chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và người dân về bình đẳng giới; các cấp, các ngành đã có nỗ lực để triển khai Luật bình đẳng giới. 

Căn cứ quy định của Luật, thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành đầy đủ các kế hoạch, văn bản hướng dẫn chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương và nhân dân trong tỉnh triển khai nghiêm túc và có hiệu quả, tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và trong gia đình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đội ngũ cán bộ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, được tạo điều kiện tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, các lĩnh vực bình đẳng giới; vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong gia đình và xã hội; nhiều chỉ tiêu, chỉ số về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra như: tỷ lệ nữ được tạo việc làm mới là 53,02%; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 100%; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 99%; số chị em có học hàm, học vị cao và ngày càng trẻ hóa, toàn tỉnh có 11 nữ phó giáo sư (tỷ lệ là 44%); 92 nữ tiến sỹ (tỷ lệ là 33,8%); 6.525 chị có trình độ thạc sỹ (tỷ lệ là 53,5%); 28.576 chị có trình độ đại học (tỷ lệ là 61,3%); Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản năm 2011 là 18,3/100.000 trẻ đẻ sống giảm xuống còn 4,94/100.000 trẻ đẻ sống v.v… một số chỉ tiêu khác chưa đạt được mục tiêu đề ra tuy nhiên cũng tăng như: tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 20,00% (tăng 5,1% so với nhiệm kỳ 2005-2010); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện là 28,27% (tăng 4,54% so với nhiệm kỳ 2005-2010); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp xã là 29,43% (tăng 9,52% so với nhiệm kỳ 2005-2010); tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp là 28,4% ( tăng 12,4% so với năm 2015); Tỷ số giới tính khi sinh giảm từ 113,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái (giảm 1,5% so với năm 2015) v.v…. Các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được rà soát và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa không phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung bất bình đẳng giới hoặc phân biệt đối xử về giới.

Những kết quả nổi bật trong công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang góp phần đảm bảo quyền của người phụ nữ được thực hiện tốt hơn, qua đó giúp cho người phụ nữ khẳng định bản thân và có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của xã hội, của Thanh Hóa và đất nước, đây cũng là nguồn lực quan đóng góp cho sự phát triển của Thanh Hóa trong thời gian tới./.


Phan Đại

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.