Theo đánh giá của Chính phủ thì từ tháng 11 năm 2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15 tháng 3 năm 2022, là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ và sôi động trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế. Đây là những minh chứng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Du lịch đã ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia và khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục: (a) Hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có những đột phá; chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến du lịch chưa được kịp thời điều chỉnh trước những biến động của du lịch thế giới và khu vực; (b) Sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, thiếu sản phẩm du lịch mang thương hiệu của quốc gia, bản sắc của từng vùng, từng địa phương; (c) Các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải,... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ; thiếu liên kết trong phát triển các sản phẩm du lịch của các địa phương; (d) Hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo,... còn thiếu, chưa đồng bộ để tạo sức bật mạnh mẽ, nâng tầm vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam; (đ) Chính sách thị thực dành cho khách du lịch còn có điểm chưa phù hợp, về thời hạn tạm trú còn ngắn...; (e) Công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn hạn chế; (g) Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao,... còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; (h) Chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chưa xây dựng đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương với địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác; chưa tạo điều kiện thuận lợi trong cấp thị thực đối với khách lẻ.
Để ngành Du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Để thực hiện tốt Nghị quyết của Chín phủ, ngày 27 tháng 7 năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Kế hoạch đã xác định rõ mục đích nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ; qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động về tầm quan trọng của việc đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Qua đó nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành và các địa phương trong chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được giao.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo phải đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững trong đó tập trung thực hiện: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển du lịch. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch theo hướng liên ngành, liên vùng. Phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của các doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch.
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch, đảm bảo các điều kiện đón và phục vụ khách du lịch. Bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi thu hút khách du lịch đến Thanh Hóa; Đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa hàng không với du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục, tạo thuận lợi, nhanh chóng về nhập cảnh, xuất cảnh tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đối với khách du lịch quốc tế đến tỉnh Thanh Hóa. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường du lịch, thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm. Xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm các quy định, phương án về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn phòng dịch; quy chế quản lý môi trường; thiết lập và duy trì hoạt động đường dây nóng tại các khu, điểm du lịch nhằm tiếp nhận, giải đáp thông tin, hỗ trợ kịp thời khách du lịch; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực có tiềm năng khai thác phát triển du lịch thông qua: Đẩy mạnh huy động nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính, tăng sức hút đầu tư phát triển du lịch; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm về du lịch trên địa bàn tỉnh; Thúc đẩy thu hút đầu tư hạ tầng dịch vụ; Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch; Thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nội khu tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hóa cần tập trung phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch trong đó quan tâm đến: Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến tiêu biểu; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch; Thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp; Đa dạng hoá sản phẩm du lịch thông qua việc tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cao cấp nhằm thu hút khách du lịch; quan tâm phát triển sản phẩm du lịch du lịch đường thủy, du lịch MICE, khám phá đa dạng của ẩm thực, phát triển du lịch làng nghề, sản 8 phẩm quà lưu niệm, mặt hàng truyền thống của địa phương; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển du lịch, du lịch cộng đồng được cấp có thẩm quyển phê duyệt; Tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch tại nước ngoài, gắn kết công tác ngoại giao kinh tế với quảng bá, thu hút khách du lịch đến Thanh Hóa; Đẩy mạnh công tác khảo sát điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; Tăng cường công tác tuyên tryền, quảng bá du lịch.
UBND tỉnh chỉ đạo việc hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch: Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hiệp hội Du lịch tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch của tỉnh; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch của tỉnh.
Để phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng quan tâm đến việc chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trong đó quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; Đa dạng hóa hình thức đào tạo các ngành nghề du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng tham gia phục vụ du lịch; Nâng cao năng lực quản trị, thực hiện tốt văn hoá doanh nhân; Huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.
Để bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch thông qua hoạt động đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
Trên cơ sở các nhiệm vụ được đặt ra, đảm bảo cho sự phát triển mạnh và bền vững của du lịch Thanh Hóa, UBND tỉnh đã yêu cầu việc triển khai kế hoạch phải đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch bám sát các nội dung tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ; đảm bảo cụ thể, khả thi, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh. UBND tỉnh đã phân công rõ nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch, giao Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kế hoạch, khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các cấp cơ sở trên địa bàn cùng sự tham gia phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan liên quan, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân chắc chắn các tiềm năng du lịch của Thanh Hóa sẽ được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọm, có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà./.
Lâm Anh |
File đính kèm |