THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

Một số quy định về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng

Ngày tạo:  12/03/2024 16:34:44
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015) là văn bản pháp lý quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Luật gồm 09 chương, 133 Điều, quy định về chế độ hôn nhân và gia đình, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ Hôn nhân và gia đình. Một trong những quy định quan trọng được người dân vô cùng quan tâm của Luật Hôn nhân và gia đình đó là vấn đề tài sản của vợ chồng.

      Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015) là văn bản pháp lý quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Luật gồm 09 chương, 133 Điều, quy định về chế độ hôn nhân và gia đình, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ Hôn nhân và gia đình. Một trong những quy định quan trọng được người dân vô cùng quan tâm của Luật Hôn nhân và gia đình đó là vấn đề tài sản của vợ chồng. 

Tài sản của vợ chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng. Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có ý nghĩa quan trọng trong xem xét tính pháp lý của các hợp đồng, giao dịch và các vấn đề có liên quan khác của vợ chồng. 

  1.      Tài sản chung của vợ chồng

     Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng được quy định như sau: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

     Quy định của pháp luật về việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân

     Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định cụ thể như sau:

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này. Thỏa thuận chia tài sản chung phải được thành lập bằng văn bản, vì đây sẽ là căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích của mỗi bên khi có tranh chấp phát sinh, đặc biệt là khi xảy ra vấn đề và buộc phải ly hôn.

Bên cạnh đó, Điều 39 Luật Hôn nhân và gia đình 2014quy định về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:

      Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

      Những trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

     Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, vợ chồng hoàn toàn có thể thực hiện việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Tuy nhiên cần lưu ý các quy định của pháp luật về vấn đề này, đồng thời thực hiện việc chia tài sản một cách rõ ràng, nghiêm túc để tránh những tranh chấp không đáng có sau này.

  1.       Tài sản riêng của vợ chồng

      Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản riêng của vợ, chồng gồm: tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân (theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

      Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật là: (i) Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; (ii) tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; (iii) khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

         Điều 10 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định: Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình. Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.

        Để xác định tài sản của vợ chồng liên quan đến hoa lợi, lợi tức, có các trường hợp như sau: Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung của vợ chồng (tài sản do hoạt động sản xuất, kinh doanh); Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng mà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng (khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng được chia trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

       Có thể thấy rằng, việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thể hiện sự phát triển một cách phù hợp của pháp luật hôn nhân và gia đình với thực tiễn kinh tế - xã hội, góp phần tạo nên những khuôn khổ pháp lý vô cùng cần thiết, qua đó nâng cao nhận thức và đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, tăng cường và phát huy ý thức trách nhiệm, thái độ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam./.


Hoàng Anh
Nguồn tin: Phổ biến giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.