THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN THƯỜNG XUÂN
   

BAN DÂN TỘC: THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO ĐỒNG BÀO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH THANH HÓA

Ngày tạo:  08/01/2024 09:05:06
Để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023, chiều ngày mùng 04 tháng 01 năm 2024, Sở Tư pháp Thanh Hóa - Cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp và hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh năm 2024.

         Để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023, chiều ngày mùng 04 tháng 01 năm 2024, Sở Tư pháp Thanh Hóa - Cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp và hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh năm 2024.

 

Hội nghị triển khai công tác tư pháp và hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh năm 2024

               

         Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh. Hội nghị có sự tham gia của đồng chí Bùi Đình Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh. Các đồng chí là Phó Chủ tịch Hội đồng, các Thành viên của Hội đồng, các đồng chí Thư ký của Hội đồng, các đồng chí là Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở Tư pháp.

        Hội nghị đã được nghe đồng chí Lê Hữu Viên - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh trình bày Báo cáo đánh giá công tác năm 2023 của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, qua đó đã nêu bật những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại cũng như đưa ra định hướng triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2024.

      

Đồng chí Lê Hữu Viên - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh trình bày Báo cáo đánh giá công tác năm 2023 của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh

           

           Sau khi nghe báo cáo kết quả của Hội đồng, đồng chí Cầm Bá Tường - Phó Ban Dân tộc tỉnh - Thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã có bài tham luận đánh giá về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

 

Đồng chí Cầm Bá Tường - Phó Ban Dân tộc tỉnh - Thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh  đánh giá về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

 

 

          Đồng chí đã đánh giá công tác PBGDPL ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đây là khâu đầu tiên rất quan trong trong trong hoạt động thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, là cầu nối giữa hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Do đó, việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có vai trò quyết định đảm bảo cho sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

         Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, quản lý nhà nước về công tác dân tộc cũng được Trung ương và Tỉnh quan tâm chỉ đạo; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc được nâng lên; các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc; đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn miền núi giảm từ 15,19% cuối năm 2022 xuống còn 11,04% vào cuối năm 2023; đặc biệt khu vực miền núi thấp, tỷ lệ này giảm từ 7,35% cuối năm 2022 xuống còn 4,73% cuối 2023. 

         Đồng chí Phó Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh, của cơ quan thường trực Hội  đồng và các văn bản hướng dẫn của cơ quan thường trực Hội đồng, trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL. Đã ban hành 16 kế hoạch (trong đó có 01 kế hoạch về tuyên truyền PBGDPL và 15 kế hoạch liên quan đến tuyên truyền, PBGDPL) để tổ chức tuyên truyền, PBGDPL đến công chức, lao động cơ quan và đồng bào vùng DTTS&MN. 

          Trong năm Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành (Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; BCH Bộ đội Biên phòng; BCH Quân sự tỉnh; Hội LHPN tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông) và các huyện liên quan tổ chức thành công 16 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 2.350 đại biểu là cán bộ, công chức, người có uy tín và người dân vùng DTTS&MN; tổ chức thành công 02 hội thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Như Thanh và Thạch Thành với hơn 400 học sinh tham gia. 

         Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Biên giới quốc gia; Luật An ninh quốc gia; Luật An ninh mạng; Luật nghĩa vụ quân sự; Luật Dân quân tự vệ; Luật Trẻ em; Luật Người cao tuổi..; các vấn đề về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các văn bản quy định về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... và các văn bản của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

         Thực hiện biên soạn 44.970 tờ gấp tuyên truyền cấp phát đến 174 xã và 21 thôn vùng DTTS&MN thực hiện Đề án “Giảm thiểu TH và HNCHT trong đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025” để tuyên truyền trong nhân dân.

Thông qua công tác tuyên truyền, PBGDPL ý thức chấp hành pháp luật của CCLĐ cơ quan Ban Dân tộc cũng như cán bộ và Nhân dân vùng DTTS&MN được nâng cao, hạn chế những vi phạm pháp luật, góp phần phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội, giữ vững an ninh chính trị của địa phương; củng cố lòng tin của Nhân dân vào các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng DTTS&MN.

            Bên cạnh những thành tực đạt được, công tác tuyên truyền, PBGDPL vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: Đối tượng tuyên truyền, PBGDPL của Ban Dân tộc ở địa bàn miền núi, vùng khó khăn ( đối tượng yếu thế, dễ tổn thương, dễ bị lợi dụng); hầu hết các đối tượng đều nghiêm túc trong tập huấn, nhưng vẫn còn một bộ phận của đối tượng được tuyên truyền chưa thực sự quan tâm đến pháp luật, thiếu tự giác, không tập trung khi tham gia các hội nghị tuyên truyền, PBGDPL nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng PBGDPL.

              Về nội dung PBGDPL còn dàn trải, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn chưa thực sự hấp dẫn được các đối tượng được PBGDPL; công tác kiểm tra, đánh giá việc nắm bắt các nội dung pháp luật và những thay đổi về ý thức của đối tượng sau khi được PBGDPL chưa được thường xuyên liên tục, dẫn đến hạn chế hiệu quả.

             Hình thức PBGDPL tuy có nhiều đổi mới nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, việc tổ chức tuyên truyền, PBGDPL chủ yếu là thông qua các hội nghị của các cấp, các ngành nên còn mang nặng tính hành chính nên chưa thu hút được sự tham gia tích cực của các đối tượng được tuyên truyền, PBGDPL. Có những hình thức PBGDPL thu hút được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo người dân nhưng chưa triển khai được nhiều trên thực tế (Hình thức sân khấu hóa tuyên truyền, PBGDPL; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật…), chưa triển khai đồng bộ, thường xuyên và rộng khắp, đặc biệt là vùng miền núi khó khăn. Nguồn nhân lực hiện có phục vụ cho công tác PBGDPL mặc dù được đào tạo chuyên môn về pháp luật, được tập huấn hằng năm nhưng chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL; mặt khác, hầu hết các báo cáo viên đều là kiêm nhiệm nên thiếu có thời gian đầu tư một cách hợp lý cho công tác PBGDPL do đó hiệu quả công tác PBGDPL còn hạn chế. Từ những khó khăn đó, đồng chí Cầm Bá Tường đã đề xuất với Hội nghị một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới. Về phần Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục Bám sát các kế hoạch của Trung ương, của tỉnh, các văn bản, hướng dẫn của cơ quan thường trực và tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bên liên quan để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL.

            Đồng chí cũng đề xuất đối với cơ quan thường trực của Hội đồng cần tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức và nội dung PBGDPL cho phù hợp với từng nhóm đối tượng; thậm chí nên sử dụng cả phương pháp “Ghé tai mách luật” việc này rất cần sự đóng góp công, sức, thời gian và trí tuệ của đội ngũ BCV, TTV PL, đặc biệt là các BCV, TTV ở cơ sở. Cùng với các hình thức tuyên truyền, PBGDPL hiện nay, cần nghiên cứu đổi mới theo hướng tập trung khai thác các hình thức tuyên truyền pháp luật theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực, vùng miền cụ thể như các chuyên đề cho thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số… với các vấn đề pháp luật thiết thực gắn với nhu cầu tìm hiểu thực tế của các nhóm đối tượng.

Về nội dung tuyên truyền, PBGDPL cần đổi mới theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật mà còn phải đáp ứng thiết thực nhu cầu thực tiễn, giúp cho các đối tượng có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác và sinh hoạt.

         Thường xuyên rà soát, kiện toàn, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ làm công tác PBGDPL các cấp. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ phổ biến pháp luật, cập nhật kiến thức pháp luật mới cho báo cáo viên, tuyên truyền viên. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL.

          Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm trong hoạt động để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong thực tiễn triển khai công tác PBGDPL nhằm điều chỉnh các kế hoạch, chương trình, dự án PBGDPL cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống sinh hoạt của người dân. Công tác thi đua, khen thưởng cần được chỉ đạo thường xuyên để kịp thời tôn vinh, động viên, khuyến khích các điển hình tiên tiến, các tấm gương tiêu biểu qua đó khích lệ, cổ vũ tinh thần các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất xắc trong công tác PBGDPL.

        Tại Hội nghị, đồng chí chủ trì đã đánh giá cao kết quả mà Ban Dân tộc đạt được trong công tác PBGDPL năm 2023, đồng thời cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, có những giải pháp cụ thể, có ý kiến đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của năm 2024 đạt hiệu quả tốt hơn. Với những kết quả mà Ban Dân tộc đã đạt được, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân khu vực dân tộc miền núi, đây là kết quả quan trọng góp phần đảm bảo ổn định tình hình, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển./.


Lâm Anh
Nguồn tin: Phòng Phổ biến Giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.


TIN KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC



Email không được để trống và đúng định dạng.