THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN BÁ THƯỚC
   

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa quan tâm phát triển mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”

Ngày tạo:  20/05/2024 15:12:14
Trên cơ sở các quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012; Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/20214 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân” và Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Trong những năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tổ chức, triển khai, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp với sở Tư pháp, với UBND các cấp hướng dẫn, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia tiếp công dân và hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

        Việc thành lập mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở cơ sở là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, thiết thực, cần thiết của Hội; Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo triển khai ở nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình này đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân cơ sở tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tham gia tiếp công dân, tham gia hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tham gia giám sát, phản biện xã hội gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tác động tích cực đến nhận thức, ý thức chấp hành của cán bộ hội viên, nông dân trong việc tiếp cận và thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

       Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” Hội Nông dân cơ sở đã chuyển tải nhiều kiến thức pháp luật và cập nhật kiến thức mới về pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; vận động hội viên, nông dân chấp hành pháp luật, tham gia giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ của nông dân, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở thôn, xóm; nông dân được nâng cao hiểu biết về kiến thức pháp luật, từ đó hình thành lòng tin pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật; đồng thời, tạo điều kiện trao đổi, học hỏi kiến thức pháp luật cần thiết cho thành viên CLB nông dân với pháp luật và hội viên nông dân. Giúp các thành viên CLB nông dân với pháp luật nắm vững pháp luật, có điều kiện học tập, đề đạt, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền những quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nông dân, những vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở địa phương.

Lễ ra mắt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật tại xã Yên Lạc, huyện Như Thanh

     

Lễ ra mắt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật tại xã Định Hòa, huyện Yên Định

  

      Với những kết quả, nội dung hoạt động thiết thực của Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” đối với cán bộ, hội viên nông dân và đã được các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đánh giá rất cao; nhiều huyện ủy đã chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện hướng dẫn, thành lập và nhân rộng Câu lạc bộ nông dân với pháp luật ra toàn huyện điển hình như: Huyện Triệu Sơn 100% cơ sở Hội thành lập CLB; huyện Thạch Thành 100% cơ sở đã thành lập CLB; huyện Thường Xuân 14/16 cơ sở…. Từ việc chỉ đạo ban đầu thành lập 46 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật ở cơ sở, đến nay các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã nhân rộng lên 177 CLB với hơn 8.800 người tham gia; đây là kết quả rất đáng mừng và các cấp Hội sẽ phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, để tiếp tục nhân rộng mô hình này.

       Tổ chức và hoạt động CLB nông dân với pháp luật dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Hội Nông dân cơ sở; đồng thời được sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Tư pháp; đây chính là một trong những nội dung thiết thực theo tinh thần Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/20214, Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 29/9/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai, thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

Toàn cảnh Lễ ra mắt câu lạc bộ Nông dân với pháp luật tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương

      

Lễ ra mắt câu lạc bộ Nông dân với pháp luật tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương

     

       Để hoạt động Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" và phát huy hiệu quả, giúp cho Hội Nông dân cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động hội viên, nông dân chấp hành pháp luật, tham gia giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở địa phương, Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cấp hội trên địa bàn chỉ đạo hệ thống Câu Lạc bộ đã được thành lập cần quan tâm thực hiện các nội dung trọng tâm như:

        Thứ nhất: Ban Chỉ đạo CLB Nông dân với PL của xã phải thực sự quan tâm chỉ đạo các hoạt động của CLB; Ban Chủ nhiệm CLB Nông dân với pháp luật phải thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật mới để phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn, giải thích, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân tại các thôn, xóm kịp thời và thường xuyên, liên tục; phải duy trì thường xuyên hoạt động của Câu lạc bộ nông dân với pháp luật của xã. 

        Thứ hai: Nội dung, mục đích hoạt động của CLB nông dân với pháp luật cần phù hợp với nông dân và đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương; bám sát thực tiễn cuộc sống để định hướng cho hội viên, nông dân về chính trị, pháp luật đúng đắn. Hoạt động của CLB nông dân với pháp luật phải hết sức đa dạng, phong phú và hấp dẫn. 

         Thứ ba: CLB cần lựa chọn các đồng chí cán bộ chi Hội và hội viên, nông dân có trình độ hiểu biết nhất định về pháp luật, có lòng nhiệt tình, hăng hái tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cộng đồng để xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật tại các thôn, xóm; mỗi thôn xây dựng một tổ cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật nên từ 3 -5 người. 

         Thứ tư: Hội Nông dân cần chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, ban, ngành chức năng tại địa phương tổ chức các lớp tập huấn, bồi d­ưỡng nghiệp vụ cho các thành viên Câu lạc bộ, phát triển mạng lưới cộng tác viên để tư vấn, trợ giúp pháp lý hòa giải cho nông dân ở từng chi, tổ hội. Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời triển khai các văn bản chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, của Hội và tham gia giám sát chính quyền cơ sở về việc tổ chức, thực hiện các chính sách của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nắm bắt kịp thời những băn khoăn vướng mắc của hội viên, nông dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, chính quyền và các ngành chức năng; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, vận động nông dân nghiêm chỉnh thực hiện những vụ việc đã đ­ược giải quyết đúng pháp luật.

     Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, tạo điều kiện của UBND và các ban, ngành, đoàn thể, tinh thần trách nhiệm của BCH, BTV HND xã đã được thành lập Câu lạc bộ và sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên, nông dân, CLB Nông dân với pháp luật trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ tiếp tục trở thành địa chỉ tin cậy cho toàn thể hội viên, nông dân và Nhân dân xã nhà trong việc tiếp cận pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình và của cộng đồng, hạn chế thấp nhất tình trạng nông dân vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật. Từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện dân chủ cơ sở, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.


Lâm Anh
Nguồn tin: Phổ biến giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.