Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì việc thay đổi nhận thức về tầm quan trọng và trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong đó trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là giải pháp trọng tâm, nền tảng và quan trọng hàng đầu cần phải được thực hiện bằng các hoạt động giáo dục - đào tạo từ sớm, từ xa. Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung quy định việc đưa nội dung kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học để “tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng (Chỉ thị số 47 - CT/TW của Ban Bí thư). Theo đó, công dân có trách nhiệm chấp hành quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tìm hiểu kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và kỹ năng thoát nạn, sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thông dụng; bảo đảm an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất dễ cháy, nổ; phát hiện, ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây cháy, nổ và các hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện, khả năng cho phép; tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi được cơ quan, người có thẩm quyền huy động; chấp hành yêu cầu, quyết định của người chỉ huy chữa cháy, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Để bảo đảm việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ một cách đầy đủ, đúng pháp luật, ngay từ bây giờ người dân cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của Luật; tham gia các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ do các cơ quan chức năng tổ chức. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sẽ giúp xử lý tình huống kịp thời, hiệu quả khi cần thiết.
Bên cạnh đó, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng chủ thể tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như: người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các đối tượng nêu trên trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã khắc phục những hạn chế, thiếu sót của hệ thống pháp luật hiện hành, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành có liên quan trong thực hiện các mặt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thẩm định thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ... So với quy định hiện hành, khi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực, một số trình tự, thủ tục, thẩm quyền có liên quan đến các mặt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là hoạt động thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sẽ có nhiều thay đổi, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động này biết và thực hiện đúng quy định.
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương cải cách thủ tục hành chính, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Khi các quy định mới trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được triển khai một cách đồng bộ kết hợp với việc triệt để cắt giảm thủ tục hành chính không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mà còn giúp các cơ quan chức năng tối ưu nguồn nhân lực, kinh phí cho hoạt động quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trên thực tiễn.
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng đã bổ sung quy định nhằm xử lý triệt để các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy còn vướng mắc trong thực tiễn. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng khó khăn, vướng mắc của các công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy hiện nay, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã quy định việc xử lý đối với đối tượng này theo hướng giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý; giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý; giao người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện; giao Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực có các công trình xây dựng không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy. Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật thay thế thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.
Để tiếp tục thể chế hoá quan điểm của Đảng về tăng cường xã hội hoá công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy cũng như việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, lưu thông phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã thay thế quy định về hoạt động kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bằng hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đồng thời không quy định kinh doanh dịch vụ về phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Sau khi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực thi hành, việc quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy tiếp tục hoạt động và tuân thủ các quy định của Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh, các quy định khác của pháp luật có liên quan. Khi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được triển khai thực hiện thống nhất trên cả nước, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ được tạo điều kiện thông thoáng hơn, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm dưới sự kiểm tra, giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước.
Các chính sách của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy được quy định để đồng bộ với pháp luật về xây dựng, tạo điều kiện cho người dân, cơ quan, tổ chức tham gia công tác thẩm định, nghiệm thu được thuận lợi, nhanh tróng.
Quy định về lắp đặt thiết bị truyền tin báo cháy giúp cơ quan nhà nước sớm phát hiện cháy, sự cố để từ đó triển khai các hoạt động nghiệp vụ nhằm xử lý nhanh tróng vụ cháy, tai nạn, giảm thiệt hại về tài sản, tính mạng, góp phần bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn xã hội.
Quy định như cấp phép phương tiện phòng cháy, chữa cháy: Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi lưu thông trên thị trường phải bảo đảm về chất lượng, đúng với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy nhập khẩu phải đúng với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Trường hợp giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau được thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Với quy định này tạo điều kiện thông thoáng cho việc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhưng vẫn được cơ quan quản lý nhà nước giám sát.
Lâm Anh |
Nguồn tin: Tổng hợp |
File đính kèm |