THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN MƯỜNG LÁT
   

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày tạo:  26/07/2022 09:32:32
Trong 2 ngày 21/22-7, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí cán bộ chủ chốt các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn hệ thống chính trị. Hội nghị được truyền trực tuyến đến hơn 11.000 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 1.000.000 cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.

 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Mường Lát

                                                   Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Mường Lát

 

Dự tại điểm cầu huyện Mường Lát có các đồng chí: Hà Văn Ca, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Nguyễn Văn Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, Phó UBND huyện; lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, theo 5 phần gồm: Các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; quan điểm, mục tiêu về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách về đất đai; những nhiệm vụ giải pháp; tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đã phân tích và làm rõ 3 mục tiêu, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử sựng đất đai, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Tiếp đó, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã truyền đạt chuyên đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, gồm 5 phần: Tình hình; quan điểm; mục tiêu, tầm nhìn; nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức thực hiện. Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã truyền đạt chuyên đề “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” gồm 4 phần: Tình hình; quan điểm chỉ đạo và mục tiêu; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; tổ chức thực hiện. Trong đó, mục tiêu tổng quát là: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nắm vững nội dung cốt lõi và những điểm mới trong các văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa và triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đi vào cuộc sống.

Sáng gày 22-7, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục ngày làm việc thứ 2 và bế mạc. Tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã truyền đạt chuyên đề “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Trong đó nêu rõ: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc làm đầu tiên là đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở Đảng. Trong đó tập trung kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ.

Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức cơ sở Đảng đặc thù. Triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Sắp xếp mô hình tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo ngành, lãnh thổ, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị và phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ địa phương. Lấy hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp uỷ cấp trên trực tiếp và cấp uỷ viên được phân công phụ trách.

Phát huy vai trò của cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu tấm gương đảng viên tiêu biểu. Cấp uỷ, chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên, tạo điều kiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đảng viên. Mỗi đảng viên phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện để chi uỷ, chi bộ kiểm tra, giám sát, làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối năm.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao tinh thần học tập nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu tham dự hội nghị.

Đồng chí đề nghị bên cạnh Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cũng cần tiếp tục học tập, nghiên cứu, quán triệt hai bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị, lấy đó làm kim chỉ nam cho quá trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết.

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đời sống của Nhân dân. Thông qua đó, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, quyết định bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đủ năng lực, trình độ, uy tín để lãnh đạo đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm tập trung nghiên cứu, học tập Nghị quyết của các đại biểu trên địa bàn tỉnh.

Để việc nghiên cứu, học tập, quán triệt các văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thiết thực, hiệu quả, sâu rộng, đi vào cuộc sống, đến với các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trên cơ sở các nội dung quán triệt tại Hội nghị của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và ý kiến kết luận của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục tập trung nghiên cứu, học tập, quán triệt, nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi, nhất là những vấn đề mới, lĩnh vực trọng yếu như: Quản lý và sử dụng đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Đây là những vấn đề rất lớn, rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Bên cạnh làm tốt việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, cần đổi mới phương thức quản lý, đánh giá chất lượng việc học tập. Việc đánh giá phải đi vào thực chất mức độ nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với những nội dung cơ bản, những điểm mới và năng lực vận dụng các nghị quyết của cán bộ, đảng viên vào thực tiễn công việc nơi mình công tác.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ngành, địa phương, đơn vị phải khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm, mục tiêu của Trung ương, của cấp trên thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện ở địa phương, đơn vị. Cần bố trí thời gian hợp lý, thỏa đáng để thảo luận thấu đáo, kỹ lưỡng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bảo đảm sát với tình hình của địa phương, đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, cần làm rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những công việc phải làm trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có lộ trình phù hợp, gắn với phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị. Kiên quyết khắc phục hiện tượng rập khuôn, sao chép chương trình, kế hoạch của cấp trên hoặc xây dựng một cách hình thức, chung chung, sơ lược, đối phó.

Trên cơ sở nội dung các nghị quyết, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các Ban của Tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu giúp việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu xây dựng, tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án để cụ thể hóa và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà các nghị quyết đã đề ra.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu sớm để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch học tập, quán triệt, triển khai thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, gắn với thực hiện các văn bản mới của Trung ương và của Tỉnh ủy. Khẩn trương hoàn thiện sớm kế hoạch học tập, quán triệt, triển khai quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của tỉnh, để trình với Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định vào ngày 28-7.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Trung ương và các chương trình, kế hoạch thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngay sau hội nghị này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cần phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông của tỉnh và các cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền; mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, đổi mới nội dung, phương thức chuyển tải thông tin, tuyên truyền những nội dung cơ bản đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; kịp thời phát hiện, nêu gương những địa phương, đơn vị làm tốt, nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, điển hình tốt trong quá trình học tập, nghiên cứu và tổ chức thực hiện, đồng thời phê phán những địa phương, đơn vị làm chưa tốt, với tinh thần “Đưa nghị quyết vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào nghị quyết”.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với việc xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện của cấp ủy cấp dưới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngay sau hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo và cho ý kiến vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết ở Đảng bộ mình phụ trách.

Các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu cần tập trung rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022, tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Trọng tâm là phải bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TU và Kết luận số 847 KL/TU của Tỉnh ủy, tập trung rà soát, đánh giá chính xác, khách quan tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ trong 7 tháng năm 2022; tiếp tục xác định rõ nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị và tổ chức mình trong thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nghị quyết là một trong những phương thức lãnh đạo hàng đầu của Đảng. Việc học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa nhanh các chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.

Việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Hội nghị hôm nay mới chỉ là bước đầu, điều quan trọng là việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương. Đây chính là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong những năm vừa qua và 6 tháng đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng chắc chắn rằng, với truyền thống đoàn kết, tình thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, hiệu quả, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian tới.

 

Tin, ảnh: Thanh Bình

 



File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.