THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN MƯỜNG LÁT
   

Tìm hiểu Luật Phòng thủ dân sự năm 2023

Ngày tạo:  31/07/2023 15:28:20
Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2023. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

1. Cơ sở chính trị

- Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các thảm họa, sự cố, giảm thiểu thiệt hại góp phần củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết yêu cầu “Sau năm 2010, xây dựng mới các đạo luật về phòng thủ dân sự, giáo dục quốc phòng, bảo vệ các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia, chống khủng bố…”.

- Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, đã xác định xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành khu vực phòng thủ vững chắc, là bộ phận hợp thành hệ thống phòng thủ chung của quân khu và cả nước giữ vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

- Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị. Theo đó, nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về phòng thủ dân sự được đưa vào Kế hoạch do Chính phủ chủ trì thực hiện trong năm 2022.

- Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển của đất nước, trong đó yêu cầu “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Xác định "chủ động phòng ngừa" là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”.

- Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản pháp luật liên quan, trong đó chú trọng bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chủ trương chính sách trưng thu, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện, vật chất cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nguy hiểm…; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phòng thủ dân sự” (Mục III.2.1) và một trong các nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự là “Khẩn trương xây dựng Luật Phòng thủ dân sự; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong tình hình mới” (Mục IV.3).

2. Cơ sở pháp lý

- Nhiều quy định về phòng thủ dân sự liên quan đến quyền con người, quyền công dân nhưng được quy định bằng văn bản dưới luật, có văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng do chưa đủ điều kiện nên trước mắt đã ban hành nghị định để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội[1]. Những quy định này chưa bảo đảm nguyên tắc hiến định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.

- Khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định “Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân”. Theo đó, phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh, thảm hoạ, sự cố xảy ra để chủ động bảo đảm an toàn, hạn chế, khắc phục thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Cụ thể hóa quy định về phòng thủ dân sự trong Luật Quốc phòng, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 về phòng thủ dân sự. Bên cạnh đó, có nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể có quy định liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự[2] nhưng các văn bản này chỉ áp dụng cho từng lĩnh vực cụ thể, chưa có tính bao quát[3], thống nhất, toàn diện để áp dụng chung đặt ra yêu cầu khắc phục để tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng thủ dân sự.

3. Cơ sở thực tiễn

Trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển KT - XH. Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn. Cụ thể:

- Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các cấp độ về phòng thủ dân sự làm cơ sở để xác định các biện pháp ứng phó. Việc quy định các biện pháp ứng phó cũng chưa có sự thống nhất: Có văn bản quy định biện pháp theo cấp độ, có văn bản quy định theo quy mô, đơn vị hành chính hoặc theo trách nhiệm, thẩm quyền của từng cơ quan, có văn bản liệt kê theo loại dịch bệnh, có văn bản quy định liệt kê các biện pháp để tùy thuộc tình hình cơ quan có trách nhiệm lựa chọn áp dụng biện pháp thích hợp,... dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai thực hiện[4].

- Thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thời gian qua, nhất là đối với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, quy mô lớn cho thấy nhiều biện pháp đã được quy định nhưng chưa đủ, chưa phù hợp và hiệu quả; nhiều biện pháp chưa được pháp luật quy định nhưng do yêu cầu cấp thiết đã được áp dụng và phát huy hiệu quả, như: Giãn cách xã hội, bắt buộc sơ tán người, tài sản để bảo đảm an toàn, lực lượng phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nguồn lực, chính sách an sinh xã hội, khôi phục kinh tế,... Thực tiễn cũng đòi hỏi phải có những biện pháp có tính chuyển tiếp trước khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp (giai đoạn tiền khẩn cấp) cần được luật hóa để có cơ sở pháp lý và thực hiện đồng bộ, thống nhất.

- Xuất phát từ nội hàm khái niệm phòng thủ dân sự rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực liên quan đến các bộ, ngành nên có nhiều tổ chức phối hợp liên ngành ở trung ương chỉ đạo trong việc phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, dẫn đến có sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ. Khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thì các tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đều vào cuộc, gây lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ.

- Hệ thống tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự ở trung ương và các bộ, ngành hiện nay chưa thống nhất. Ở trung ương (cấp quốc gia) tồn tại độc lập nhiều cơ quan, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy (Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn,…), trong khi đó, cấp bộ, ngành trung ương và địa phương đã hợp nhất các tổ chức chỉ đạo, chỉ huy thành một tổ chức duy nhất là Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo hoặc Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp trên. Sự thiếu đồng bộ này khiến cho công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự khó thông suốt, lúng túng trong quá trình triển khai.

- Một số loại thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh có diễn biến nhanh, đòi hỏi phải huy động lực lượng và tổ chức ứng phó kịp thời, khẩn trương; những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng chuyên môn của cơ quan trong các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, quy định về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của lực lượng chuyên trách, của chính quyền chưa thực sự rõ ràng gây khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

- Ngoài ra, phòng thủ dân sự là lĩnh vực được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng và đã ban hành đạo luật riêng về phòng thủ dân sự hoặc quy định tại các văn bản pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự, như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Philippin, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore… Các đạo luật về phòng thủ dân sự ở các quốc gia này thể hiện rõ khái niệm, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, sử dụng lực lượng, công tác chuẩn bị bảo đảm cho các lực lượng tham gia nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Từ các lý do nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT

  1. Mục đích

a) Tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

b) Tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường.

c) Nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển KT - XH của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

  1. Quan điểm chỉ đạo
    1. Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tại Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. 
    2. Tăng cường tính chủ động phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức điều hành; bảo đảm các nguồn lực thực hiện; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
    3. Kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về phòng thủ dân sự đã được thực tiễn kiểm nghiệm phù hợp, đồng thời bổ sung những vấn đề mới để giải quyết những nội dung về phòng thủ dân sự đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

d) Nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức và hoạt động phòng thủ dân sự của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT

Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 55 điều: 

Chương I - Những quy định chung, gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10); 

Chương II - Hoạt động phòng thủ dân sự, gồm 20 điều  (từ Điều 11 đến Điều 30); 

Chương III - Chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự, gồm 5 điều (Điều 31, Điều 35); 

Chương IV - Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự, gồm 3 điều (từ Điều 36 đến Điều 38); 

Chương V - Nguồn lực cho phòng thủ dân sự, chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự, gồm 3 điều (từ Điều 39 đến Điều 41); 

Chương VI - Trách nhiệm cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự, gồm 12 điều (từ Điều 42 đến Điều 53); 

Chương VII - Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 54, Điều 55).


 

[1] Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 130/2015/NĐ-CP ngày 18/12/2015; Nghị định số 145/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ về huy động nhân lực, cơ sở hạ tầng viễn thông bổ sung cho lực lượng Thông tin liên lạc thường trực của Quân đội; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự; Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

[2] Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ,... và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

[3]  Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự.

[4] Luật Phòng chống thiên tai quy định 05 cấp độ rủi ro thiên tai, Luật Môi trường phân chia thảm họa, sự cố theo cấp hành chính, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm chia theo nhóm bệnh truyền nhiễm nhưng các quy định này không phải là cấp độ phòng thủ dân sự.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.