Để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngày 29 tháng 9 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND triển khai Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" với yêu cầu trong chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai kịp thời, đầy đủ và hiệu quả, đáp ứng đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra.
Ngay sau khi Kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa được ban hành, công tác triển khai đã được thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương chủ động triển khai nhiệm vụ được giao, hầu hết các đơn vị đã ban hành kế hoạch triển khai (có 12 sở, ban, ngành và 27/27 huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch), các đơn vị còn lại đều ban hành văn bản chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thuộc cơ quan, lĩnh vực quản lý (Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp đã ban hành 01 Kế hoạch triển khai và 05 văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai nhiệm vụ đạt hiệu quả) và đã đạt được những kết quả cụ thể:
- Đối với công tác rà soát các văn bản của tỉnh ban hành, đã được Sở Tư pháp thực hiện trong các lĩnh cực về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tiễn nhằm đổi mới nội dung, phương thức thực hiện theo hướng các cơ quan nhà nước thiết lập các điều kiện cần thiết cho người dân chủ động tiếp cận thông tin pháp luật. Các văn bản về trợ giúp pháp lý và bổ trợ tư pháp cũng được rà soát nhằm hoàn thiện chính sách để tạo cơ sở huy động nguồn lực xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức thành viên.
- Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo, các cơ quan, ban ngành và các địa phương đã tăng cường quán triệt, thông tin, truyền thông thường xuyên, liên tục bằng các hình thức phù hợp để nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm thực hiện, trên địa bàn Thanh Hóa có 100% các sở, ban, ngành và UBND 27/27 huyện, thị xã, thành phố cũng như 100% các xã, phường, thị trấn đều có Cổng thông tin điện tử phục vụ việc đăng tải các thông tin pháp luật. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Trang Phổ biến, giáo dục pháp luật chung trên địa bàn tỉnh với sự kết nối của các sở, ngành và các địa phương, đồng thời đã đăng tải hàng nghìn tin bài về các hoạt động pháp luật trên địa bàn tỉnh để nhân dân tiếp cận.
Các thông tin pháp luật đã thường xuyên đăng tải trên các chuyên trang, chuyên mục Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình triển khai, hàng năm có khoảng 500 tin bài, phóng sự, 40 cuộc phỏng vấn để tuyên truyền pháp luật mới, xây dựng nhà nước pháp quyền. Một số cơ quan đã làm tốt công tác này như Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (chuyên mục Quốc phòng an ninh), Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng (chuyên mục biên phòng toàn dân), Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh (chuyên mục Nông nghiệp, nông thôn), Đoàn Luật sư tỉnh (chuyên mục Góc nhìn luật sư), Hội Cựu chiến binh (Chuyên mục Cựu chiến binh Thanh Hóa), Tỉnh đoàn (Chuyên mục Tuổi trẻ Lam Sơn) ...
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân còn được chính quyền cấp huyện và cấp xã thực hiện liên tục trên hệ thống loa truyền thanh được phát hàng ngày vào những khung giờ buổi sáng và buổi chiều hàng để nhân dân dễ dàng tiếp nhận.
- Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Thanh Hóa đã quan tâm kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng. Hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có 221 người báo cáo viên pháp luật tỉnh, 630 người Báo cáo viên pháp luật cấp huyện và Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã 7.334 người. Đây là lực lượng quan trong góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân trên địa bàn.
- UBND tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nâng cao năng lực, trách nhiệm trong nhận thức, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan có trách nhiệm thi hành pháp luật, tăng cường hoạt động tự giám sát, tự kiểm tra quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Rà soát, bảo đảm điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ người dân các thông tin pháp luật, thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, nhất là trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch các nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; trao đổi, đối thoại; thực hiện dân chủ ở cơ sở; đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật ở các địa phương.
- Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan, tổ chức trong bảo đảm, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật, Trong năm 2024, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện đã tham gia triển khai, giới thiệu pháp luật với 15.128 cuộc cho 1.723.456 lượt đại biểu. Tại các xã, phường, thị trấn, đội ngũ Tuyên truyền viên pháp luật đã triển khai gần 2.744 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 291.791 đại biểu là cán bộ và Nhân dân, góp phần đưa pháp luật về với cơ sở kịp thời, hiệu quả.
- Tại Thanh Hóa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Thực hiện tổ chức hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật... và tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Nhìn chung, những kết quả thuộc nhiệm vụ được giao trong Đề án đã được triển triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa kịp thời và đạt được kết quả cao, góp phần hiệu quả trong việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, những kết quả đó đạt được xuất phát từ việc triển khai các nội dung của Đề án trên địa bàn có những thuận lợi cơ bản như:
- Thứ nhất: Sự quan tâm trong công tác chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, thể hiện rõ trong việc chủ động ban bành Kế hoạch triển khai và các văn bản chỉ đạo trong quá trình thực hiện, điều này giúp cho các sở, ngành và các địa phương có trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được đồng bộ và rộng khắp.
- Thứ 2: Sở Tư pháp đã chủ động trong công tác tham mưu xây dựng Kế hoạch, tăng cường nắm bắt tình hình cũng như bám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị, điều này góp phần nắm rõ kết quả triển khai đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Thứ 3. Nhận thức của các Sở, ngành và các địa phương về trách nhiệm của đơn vị và hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân đối với công tác quản lý nhà nước và góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã có nhiều thay đổi, chính điều này đã giúp cho các cơ quan, chính quyền các địa phương chủ động trong việc triển khai các điều kiện để nhân dân tiếp cận pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân.
- Thư 4. Trong xu thế kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước ta nói chung và Thanh Hóa nói riêng đang phát triển mạnh mẽ, thì nhu cầu tìm hiểu và tự giang nâng cao nhận thức pháp luật của người dân được thực hiện chủ động hơn, đây sẽ tạo ra môi trường thuận lợi giúp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn, đảm bảo hướng tới các quy định của pháp luật đều được nhân dân tiếp nhận và thực hiện đầy đủ.
Bên cạnh những thuận lời cơ bản, công tác triển khai nhiệm vụ nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng còn gặp phải một số khó khăn cần khắc phục:
- Một là: Thanh Hóa có địa bàn rộng, địa hình phực tạp, nhiều vùng núi cao nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có kinh tế khó khăn và nhận thức hạn chế, điều này là cản trở rất lớn cho công tác nâng cao nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho nhân dân.
- Hai là: Việc đầu tư kinh phí để trực tiếp thực hiện Đề án chưa được quan tâm, chính điều này gây khó khăn trong triển khai, để đảm bảo các nhiệm vụ được thực hiện, hầu hết các đơn vị đã triển khai thông qua lồng ghép trong việc sử dụng các nguồn lực về cả nhân lực và vật lực, làm cho các nội dung thực hiện không được chủ động và hiệu quả chưa thật sự cao.
- Ba là: Việc nâng cao năng lực nhận thức pháp luật cho nhân dân thuộc nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị cho nên trong quá trình triển khai rất cần có sự vào cuộc và phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, đây là khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu không có quy định rõ ràng trong trchs nhiệm triển khai cũng như cơ chế phối hợp.
Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Đề án nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật tại địa phương cần thiết thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục nâng cao nhận thức về trách nhiệm và vai trò của lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền về nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, qua đó hiểu rõ hiệu quả việc nhân dân hiểu biết pháp luật trong phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương.
- Bố trí nguồn lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giáo, đặc biệt là bố trí về kinh phí để triển khai các nhiệm vụ của Đề án, đảm bảo hiểu quả và phát huy tính chủ động cũng như nâng cao năng lực triển khai nhiệm vụ.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo thông tin được công khai rộng rãi trên nhiều nền tảng xã hội để nhân dân dễ dàng tiếp cận mọi lúc, mọi nơi.
- Tạo cơ chế thu hút xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý, giúp cho người dân thuận lợi sử dụng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tiếp cận pháp luật, qua đó thúc đẩy ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật và sử dụng các dịch vụ pháp lý trong nhân dân.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc thực hiện Đề án và Nâng cao năng lực tiếp cận cho nhân dân, các cơ quan có thầm quyền cần quan tâm một số đề xuất như sau:
- Đối với Trung ương:
Cần có văn bản chỉ đạo cụ thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ trong tâm, trong đó có hướng dẫn cơ chế phối hợp triển khai nhiệm vụ và cơ chế bố trí kinh phí triển khai Đề án hiệu quả. Đặc biệt có văn bản chỉ đạo các cơ quan đảng cấp tỉnh vào cuộc trong chỉ đạo việc triển khai Đề án.
Xây dựng cơ chế, chính sách trong việc thu hút nguồn lực, góp phần xã hội hóa hoạt động PBGDPL, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tiếp cận pháp luật.
- Đối với địa phương:
Tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy vào cuộc trong chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ của Đề án.
Cần đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là kinh phí trong triển khai nội dung của Đề án.
Đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ công khai thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin, qua đó tạo môi trường cho các nguồn thông tin về pháp luật được cập nhật và phổ biến rộng rãi, thuận lợi cho người dân được tiếp cận.
Với những kết quả đã được triển khai, cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, sự chủ động trong công tác tham mưu của Sở Tư pháp, cùng trách nhiệm triển khai và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chắc chắn việc thực hiện Đề án "tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt những kết quả cao, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, tạo thuận lợi để kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển./.
Lâm Anh |
Nguồn tin: Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật |
File đính kèm |