Đối với quy định về mức doanh thu của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế tại khoản 25 Điều 5 của Luật này và Điều 17 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 ngày 26/11/2024 được ban hành nhằm mục đích
Hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng cải cách thủ tục hành chính tuy nhiên vẫn đảm bảo tính ổn định của chính sách; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.
Khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.
Luật được xây dựng với quan điểm: Việc xây dựng dự án Luật nhằm thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã nêu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Bổ sung quy định những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục được khó khăn, vướng mắc phát sinh; Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Kế thừa và phát huy những quy định đã mang lại tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của Luật Thuế GTGT hiện hành; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể. Đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.
Về bố cục Luật Thuế GTGT gồm 04 Chương, 18 Điều, cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung, gồm 05 điều (từ Điều 1 đến Điều 5).
Chương II. Căn cứ và phương pháp tính thuế, gồm 07 điều (từ Điều 6 đến Điều 12).
Chương III. Khấu trừ, hoàn thuế, gồm 04 điều (từ Điều 13 đến Điều 16).
Chương IV. Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 17 và Điều 18).
Những nội dung cơ bản
Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, Luật Thuế GTGT:
- Giữ nguyên nội dung quy định tại 05 Điều của Luật Thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế GTGT (Điều 2); đối tượng chịu thuế (Điều 3); căn cứ tính thuế (Điều 6); phương pháp tính thuế (Điều 9).
- Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 11 Điều của Luật Thuế GTGT hiện hành gồm: người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hóa đơn, chứng từ (Điều 14); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16).
- Bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế GTGT và 01 Điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.
Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng.
Đối tượng áp dụng
- Người nộp thuế theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế GTGT.
- Cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Các đối tượng trên có nghĩa vụ thực thi pháp luật thuế GTGT theo đúng quy định của Luật Thuế GTGT (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025).
Các nội dung mới (sửa đổi, bổ sung)
Luật Thuế GTGT gồm 4 chương, 18 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Ngoài những nội dung kế thừa quy định Luật hiện hành, những nội dung mới (sửa đổi, bổ sung) là:
Về người nộp thuế
Để đồng bộ với pháp luật quản lý thuế, bổ sung quy định về người nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, cụ thể:
- Nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân tại Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung cấp nước ngoài); tổ chức là nhà quản lý nền tảng số nước ngoài thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài; tổ chức kinh doanh tại Việt Nam áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là phương pháp khấu trừ thuế mua dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử hoặc các nền tảng số thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài.
- Tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.
Về đối tượng không chịu thuế GTGT
Luật Thuế GTGT hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, Luật Thuế GTGT đã:
- Bỏ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành để nhằm tăng tính minh bạch của Luật và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế, như: “sản phẩm trồng trọt” thành “sản phẩm cây trồng, rừng trồng”; “thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác” thành “thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; thức ăn thủy sản theo quy định của pháp luật về thủy sản”; “bản tin chuyên ngành” thành “bản tin, đặc san”; “tàu thủy” thành “tàu thuyền”;...
- Sửa đổi quy định rõ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện và thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, như: kinh doanh chứng khoán; chuyển nhượng vốn; phần mềm máy tính;...
- Sửa đổi quy định đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu minh bạch chính sách, như: bán nợ; hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác;...
- Sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
- Chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế (phải kê khai, phân bổ thuế GTGT đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế), như: phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và In-ter-net phổ cập;...
- Bổ sung một số nhóm hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để phù hợp với thực tế phát sinh, như: Hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với Bên cho vay nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ; di vật, cổ vật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;...
- Bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế GTGT để đảm bảo tính ổn định của chính sách, như: tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán ra; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các khoản thu phí, lệ phí theo pháp luật về phí và lệ phí; vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu điện, phương tiện thủy nội địa;…
Về giá tính thuế
- Sửa đổi quy định giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là trị giá tính thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu cộng với các khoản thuế là thuế nhập khẩu bổ sung theo quy định của pháp luật (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và cộng với thuế bảo vệ môi trường (nếu có) để đảm bảo phù hợp với pháp luật chuyên ngành.
- Bổ sung quy định cụ thể giá tính thuế đối với 02 nhóm hàng hóa, dịch vụ để phù hợp với thực tế phát sinh gồm: hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại; dịch vụ kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược.
- Bổ sung quy định việc xác định giá đất được trừ khi xác định giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc thù như: hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; vận tải, bốc xếp; dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành; dịch vụ cầm đồ; sách chịu thuế GTGT bán theo đúng giá phát hành (giá bìa);... theo quy định của Chính phủ để đảm bảo cơ sở pháp lý về thẩm quyền giao Chính phủ và phù hợp với tình hình hiện nay.
Về thời điểm xác định thuế GTGT
Để tránh phát sinh vướng mắc trong thực hiện, bổ sung quy định cụ thể về thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ và giao Chính phủ quy định cụ thể về thời điểm xác định thuế GTGT đối với một số hàng hóa, dịch vụ.
Về thuế suất
a) Về đối tượng áp dụng thuế suất 0%
- Để tránh vướng mắc, minh bạch trong thực hiện, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, hạn chế gian lận trong hoàn thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu, bổ sung quy định rõ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức ở trong khu phi thuế quan và được tiêu dùng trong khu phi thuế quan phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất xuất khẩu.
- Bổ sung quy định “hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan” là hàng hóa xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% để đảm bảo tính ổn định của chính sách.
- Bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% để khuyến khích xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ, hoạt động bán hàng miễn thuế, thu hút khách du lịch.
- Bổ sung quy định sản phẩm nội dung thông tin số cung cấp cho bên nước ngoài và có hồ sơ, tài liệu chứng minh tiêu dùng ở ngoài Việt Nam theo quy định của Chính phủ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0%.
- Bổ sung quy định cụ thể 03 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để đảm bảo khả thi khi thực hiện, cụ thể: thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan.
- Bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hồ sơ, thủ tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.
b) Về đối tượng áp dụng thuế suất 5%
- Để vừa thúc đẩy ngành sản xuất trong nước cạnh tranh được với nhập khẩu vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, sửa đổi quy định phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%.
- Để tiến tới áp dụng thống nhất một mức thuế suất và hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện, bỏ quy định “Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim” và chỉ quy định “hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam.
- Bổ sung quy định để đảm bảo tính ổn định của chính sách, như: không áp dụng thuế suất 5% đối với các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác; quy định thuốc bảo vệ thực vật, mủ cao su dạng mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%;…
- Quy định rõ 02 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% để tránh vướng mắc trong thực hiện, cụ thể: xơ bông đã qua chải thô, chải kỹ; thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về quản lý thiết bị y tế.
- Bỏ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ ra khỏi đối tượng áp dụng thuế suất 5% để thu gọn đối tượng chịu thuế GTGT 5%, như: lâm sản chưa qua chế biến; đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;... (sang áp dụng thuế GTGT 10%).
c) Về đối tượng áp dụng thuế suất 10%
Bổ sung dịch vụ được các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam cung cấp cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%.
Ngoài ra, bổ sung nguyên tắc áp dụng thuế suất trong trường hợp cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất thuế GTGT khác nhau hoặc trường hợp sản phẩm nông nghiệp được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, dược liệu để đảm bảo áp dụng thống nhất, tránh cách hiểu khác nhau.
Về phương pháp tính thuế
Bổ sung vào quy định về phương pháp khấu trừ thuế, phương pháp tính trực tiếp một số nội dung để chính sách được rõ ràng, như: quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai, khấu trừ, nộp thay; quy định doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn bán hàng, bao gồm các khoản phụ thu và phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng; quy định hoạt động kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì nộp thuế GTGT theo phương pháp khoán thuế quy định tại Luật quản lý thuế;…
Các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế
Để bảo đảm đồng bộ với pháp luật về hóa đơn, chứng từ đồng thời tránh gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bổ sung Điều 13 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế, cụ thể:
“Điều 13. Các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế
1. Mua, cho, bán, tổ chức quảng cáo, môi giới mua, bán hóa đơn.
2. Tạo lập giao dịch mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không có thật hoặc giao dịch không đúng quy định của pháp luật.
3. Lập hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh.
4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ theo quy định của Chính phủ.
5. Không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử về cơ quan thuế theo quy định.
6. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ.
7. Đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến hóa đơn, chứng từ để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế giá trị gia tăng.
8. Thông đồng, bao che; móc nối giữa công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế và cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu, giữa các cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế giá trị gia tăng.”
Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào
- Sửa đổi quy định đối với trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai, sót để tránh vướng mắc trong thực hiện.
- Bổ sung việc tính vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ để đảm bảo tính ổn định của chính sách.
- Bổ sung quy định khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các trường hợp: hàng hóa, dịch vụ hình thành tài sản cố định phục vụ cho người lao động; trường hợp góp vốn bằng tài sản; hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền; tài sản cố định là ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống; cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung thì thực hiện theo quy định của Chính phủ để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
- Quy định rõ điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ.
- Bổ sung một số chứng từ (phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có)) vào điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để tránh gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế.
Về hoàn thuế GTGT
- Bổ sung quy định về hoàn thuế trong trường hợp cơ sở kinh doanh sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% để phù hợp với thực tế phát sinh và tránh vướng mắc trong thực hiện, tạo thuận lợi về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng chịu thuế GTGT 5%.
- Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nâng cao năng suất lao động, đồng bộ pháp luật về dự án đầu tư, quy định rõ để tránh vướng mắc trong thực hiện về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư; hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.
- Bổ sung một số quy định để tránh vướng mắc khi thực hiện, như: hoàn thuế GTGT đối với dự án tìm kiếm, thăm dò, phát triển dầu khí; nguyên tắc xác định thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hoàn.
- Để đảm bảo đồng bộ với quy định tại Luật Doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch chính sách, bỏ quy định về hoàn thuế GTGT đối với trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động. Ngoài ra, bổ sung thêm trường hợp tổ hợp tác nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế chuyển đổi thành hợp tác xã thì hợp tác xã được kế thừa số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết của tổ hợp tác để khấu trừ, hoàn thuế theo quy định.
- Bổ sung quy định về điều kiện hoàn thuế và trách nhiệm của người nộp thuế, cơ quan thuế trong hoàn thuế để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, cụ thể:
+ Cơ sở kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện (i) Cơ sở kinh doanh thuộc trường hợp được hoàn thuế theo quy định phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế, lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán; có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh; (ii) Đáp ứng quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và không thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn, chứng từ bị nghiêm cấm; (iii) Người bán đã kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định đối với hóa đơn đã xuất cho cơ sở kinh doanh đề nghị hoàn thuế.
+ Người nộp thuế thuộc trường hợp hoàn thuế GTGT, có số thuế GTGT đầu vào đáp ứng đầy đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định tại Điều 15 Luật Thuế GTGT và tuân thủ các quy định về khai thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, lập hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với từng trường hợp hoàn thuế GTGT và gửi đến cơ quan thuế có thẩm quyền tiếp nhận.
+ Cơ quan thuế phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc diện hoàn thuế trước hoặc kiểm tra trước hoàn thuế và giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Về sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Thuế TNCN đối với mức doanh thu không chịu thuế
Luật Thuế GTGT đã sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT. Theo đó, bổ sung quy định tại Chương IV – Điều khoản thi hành Luật Thuế GTGT để sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13) nội dung liên quan về mức doanh thu không chịu thuế TNCN của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo thống nhất giữa 02 sắc thuế, thuận lợi trong triển khai.
Ngoài ra, để không gây xáo trộn đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đã được ấn định thuế từ đầu năm, Luật quy định mức doanh thu của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Lâm Anh |
Nguồn tin: Tổng hợp từ Bộ Tư pháp |
File đính kèm |