THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN MƯỜNG LÁT
   

Sở Tư pháp Thanh Hóa: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền hành chính phục vụ, minh bạch, hiện đại

Ngày tạo:  28/04/2025 15:15:51
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Tư pháp về công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số, thời gian qua, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Qua đó, từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới mô hình tư pháp hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp, gắn với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử và chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

       Cải cách thủ tục hành chính - nâng cao chất lượng phục vụ người dân

      Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về các chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh trong lĩnh vực cải cách hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về lợi ích, cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là việc nộp hồ sơ, tra cứu và theo dõi tiến độ xử lý thủ tục hành chính qua môi trường điện tử.

      Thường xuyên thực hiện rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực có tần suất hồ sơ phát sinh lớn như: Công chứng, đấu giá tài sản, hành nghề luật sư, giám định tư pháp… Tất cả các TTHC được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công tỉnh (https://dichvucong.thanhhoa.gov.vn), thực hiện công bố đầy đủ, kịp thời 100% các TTHC cho cả 3 cấp chính quyền (tỉnh - huyện - xã); Sở Tư pháp thực hiện 25 TTHC trực tuyến một phần và 106 TTHC trực tuyến toàn trình, được chuẩn hóa, dễ tiếp cận, đồng thời nhiều thủ tục được rút ngắn từ 30% đến 50% thời gian giải quyết so với quy định. Bên cạnh đó, Sở đã thành lập ban chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 trong hoạt động của cơ quan; xây dựng mục tiêu chất lượng chung trong cơ quan và cụ thể cho từng phòng, đơn vị. Kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, tài liệu, các quy trình giải quyết TTHC theo quy định của hệ thống quản lý chất lượng ISO đã được phê duyệt...

      Năm 2024, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 53.633 hồ sơ TTHC, trong đó trên 98% hồ sơ được xử lý trực tuyến; tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 100%, không có hồ sơ quá hạn, góp phần nâng cao niềm tin và sự hài lòng của người dân qua đó đã giúp người dân tiếp cận dịch vụ được nhanh nhất, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại, tạo niềm tin đối với cơ quan nhà nước. 

      Đổi mới phương thức phục vụ thông qua chuyển đổi số 

     Nắm bắt xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn xã hội, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt hoạt động chuyên môn. Các phần mềm chuyên ngành được triển khai đồng bộ và hiệu quả như: phần mềm quản lý hộ tịch, công chứng, trợ giúp pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phần mềm đấu giá tài sản trực tuyến, phần mềm quản lý tài chính - kế toán, hệ thống báo cáo thống kê, điều hành công việc...Kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ tra cứu thông tin hộ tịch nhanh chóng, chính xác.

thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Đề án trong lĩnh vực hộ tịch như: Phần mềm cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP); Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến .v.v đến nay, các địa phương đã thực hiện nhập gần 2,4 triệu hồ sơ hộ tịch (khai sinh, kết hôn, khai tử, nuôi con nuôi) vào CSDL quốc gia.

      Sở Tư pháp cũng đã tạo 1.500 tài khoản cho lãnh đạo UBND, công chức tư pháp - hộ tịch và văn thư tại xã, phường, thị trấn để triển khai liên thông các TTHC như: đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ BHYT, đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng... qua môi trường điện tử.

Ngoài ra, phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng đã được cài đặt và sử dụng tại toàn bộ các tổ chức hành nghề công chứng trong tỉnh. Đây là công cụ quan trọng giúp tra cứu thông tin ngăn chặn, hợp đồng giao dịch; tăng cường quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn pháp lý và hỗ trợ quản lý thuế, lệ phí giao dịch bất động sản. Hiện đã cập nhật được 1.047.887 dữ liệu công chứng và 4.173 dữ liệu về tài sản bị ngăn chặn.

      Công khai, minh bạch - Gần dân, vì dân

     Với phương châm “Minh bạch là nền tảng của sự phục vụ hiệu quả”, Sở Tư pháp luôn công khai đầy đủ, rõ ràng các quy trình, biểu mẫu, thời gian xử lý và mức phí/lệ phí của từng thủ tục hành chính. Hệ thống tiếp nhận và phản hồi ý kiến người dân được vận hành xuyên suốt, làm căn cứ để điều chỉnh và cải thiện chất lượng phục vụ.

Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ với thái độ “thân thiện - đúng mực - trách nhiệm”, sẵn sàng hướng dẫn người dân, đặc biệt là người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số hoặc những người không có điều kiện tiếp cận công nghệ. Đây là yếu tố quan trọng giúp tăng tính kết nối, củng cố niềm tin giữa chính quyền và nhân dân.

        Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ 

       Nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, Sở Tư pháp chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn vững, kỹ năng hành chính thành thạo, tư duy đổi mới và đạo đức công vụ cao. Các lớp tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng nghiệp vụ và quy tắc ứng xử được tổ chức thường xuyên.

      Tổ chức phát động và duy trì hiệu quả mô hình: “Cán bộ tư pháp - phục vụ tận tâm, hành chính chuyên nghiệp”. Tăng cường kiểm tra công vụ, kịp thời khen thưởng cá nhân xuất sắc, nhắc nhở chấn chỉnh hành vi chưa phù hợp, bảo đảm công bằng và kỷ luật hành chính.

       Hướng đến nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số

      Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Sở Tư pháp Thanh Hóa đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, thân thiện, hiệu quả - lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm. Kết quả này không chỉ thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong cải cách hành chính ngành tư pháp địa phương mà còn là đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng chính quyền số tỉnh Thanh Hóa, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ mới. 

       Những kết quả trên đã được UBND tỉnh ghi nhận và xếp hạng thứ 4/20 sở, ban, ngành cấp tỉnh về Cải cách hành chính (Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 17/2/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh về công bố xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2024), xếp hạng 5/20 sở, ban, ngành cấp tỉnh về chuyển đổi số (Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 21/4/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024).Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tập trung phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu về công tác CCHC, chuyển đổi số nhằm bảo đảm yêu cầu và mục tiêu xây dựng một hệ thống hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, năng động, hiện đại, đáp ứng tốt mọi yêu cầu của Nhân dân, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Phạm Sơn
Nguồn tin: Sở Tư pháp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.


TIN KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC



Email không được để trống và đúng định dạng.