Để đảm bảo triển khai các nội dung theo đúng Kế hoạch đã đề ra, chiều ngày 27 tháng 11 năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Luật Đấu thầu và Luật Giao dịch điện tử cho hơn 500 đại biểu là cán bộ chủ chốt của tỉnh, Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cán bộ chủ chốt cấp huyện và đội ngũ báo cáo viên cấp huyện.
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã nêu rõ, trước yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế để phát triển, thúc đẩy, tạo động lực mới, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 8 luật mới (gồm: Luật Đấu thầu, Luật giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Giá; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam), với nhiều chính sách mới, tiến bộ, cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thư XIII và các Nghị quyết của Trung ương. Để các Luật mới đi vào cuộc sống, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc triển khai, quán triệt Luật mới được Quốc hội thông qua, và lần này UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai một số nội dung mới quan trọng của Luật Đấu thầu; Luật giao dịch điện tử tới cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi đã khẳng định các nội dung liên quan đến các văn bản Luật trên có nhiều quy định mới quan trọng, vì vậy đồng chí đã chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ những nội được triển khai, đảm bảo việc hiểu đúng, đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật qua đó đảm bảo công tác chỉ đạo, tham mưu và triển khai được thống nhất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đồng chí cũng chỉ đạo Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Thường trực huyện, thị thành uỷ, HĐND, UBND, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các huyện, thị xã, thành phố sau hội nghị này có chỉ đạo, tổ chức triển khai kịp thời các văn bản pháp luật tại hội nghị đến cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Ngay sau bài phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Văn Thi, Hội nghị đã được nghe đồng chí Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo viên Trung ương đã trình bày chuyên đề triển khai giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Đấu thầu năm 2023, các vấn đề được báo cáo viên phân tích như phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật; Về các hình thức lựa chọn nhà thầu; Về lựa chọn nhà đầu tư; Về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; Về hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; Về quy trình, thủ tục đấu thầu; Về hồ sơ mời thầu, phương pháp, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu; Về hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu; Về quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo viên Trung ương đã trình bày chuyên sâu về chuyên đề giới thiệu một số quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong Luật Đấu thầu năm 2023, trong đó đồng chí nhấn mạnh đối với quy định về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư; hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư; ký kết, thực hiện hợp đồng… trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện quy định của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các luật có liên quan. Các quy định về hoàn thiện quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đề xuất tốt nhất về kỹ thuật, xã hội, môi trường và hiệu quả sử dụng đất, đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực.
Đối với Luật giao dịch điện tử cũng đã được Quốc Hội khóa XV thông qua ngày 22/6/2023, Để chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, tạo các thành tố cơ bản khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đảm bảo việc triển khai và thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Hội nghị đã được đồng chí Nguyễn Minh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo viên pháp luật Trung ương giới thiệu những nội dung Luật Giao dịch điện tử.
Báo cáo viên đã nêu rõ việc phát triển giao dịch điện tử tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc căn bản của môi trường số, không rõ ràng, không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, không tính đến bối cảnh Việt Nam thì có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam. Để chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, tạo các thành tố cơ bản khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số; ngày 22/6/2023, Quốc Hội khóa XV thông qua Luật giao dịch điện tử với tỉ lệ 94,74% đại biểu tham gia tán thành.
Luật gồm 8 chương với 53 điều, trong đó kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật GDĐT năm 2005, mở rộng phạm vi để cho phép tất cả các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử. Luật có nhiều điểm mới cần chú ý liên quan đến khái niệm, hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và dịch vụ tin, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử …tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, sớm để Việt Nam trở thành một quốc gia số phát triển an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Sau thời gian làm việc nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả, với đội ngũ báo cáo viên Trung ương chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm, Hội nghị được đánh giá là thành công tốt đẹp. Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Đình Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, được sự Ủy quyền của đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, đã phát biểu bế mạc Hội nghị, Đồng chí Bùi Đình Sơn đã khẳng định và chỉ đạo các văn bản pháp luật được triển khai tại Hội nghị có nhiều quy định mới, quy định liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Để Luật sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, sau Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Tăng cường trách nhiệm, bám sát nhiệm vụ phân công trong kế hoạch 253/KH-UBND của Ủy ban nhân ân tỉnh ngày 19/10/ 2023 (về Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Luật, Nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5), Khẩn trương đề ra các biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản Luật mới liên quan trực tiếp đến hoạt động của đơn vị, địa phương mình;
Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Thông tin truyền thông triển khai tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Giao dịch điện tử cho các đối tượng là cán bộ, công chức, người làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước.
Sở kế hoạch và đầu tư phải nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có những định hướng cụ thể trong công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, nhất là đối với những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham gia dự thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian dài.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương có cán bộ, công chức, viên chức là báo cáo viên pháp luật các cấp, nhất là Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để Báo cáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; Phát huy vai trò cơ quan thường Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và các thành viên Hội đồng triển khai nhiệm vụ được giao. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa cơ quan thường trực Hội đồng với thành viên Hội đồng trong công tác PBGDPL đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các hiệp định thương mại và các luật mới được quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5. Đồng thời chỉ đạo ngành dọc phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện tổ chức tuyên truyền trên địa bàn.
Sở Tư pháp phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và Báo Thanh Hoá đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các luật mới trên phương tiện thông tin; đồng thời, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của các hiệp định thương mại tự do, các luật mới ở các cấp, các ngành, địa phương và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
File đính kèm |