Để thực hiện thống nhất Thông tư số 02/2022/TT-BTP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, căn cứ nhiệm vụ được giao, ngày 22 tháng 4 năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai các quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BTP cho 300 cán bộ đại diện cho các Sở ngành, UBND các huyện thị xã thành phố và các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời Sở Tư pháp đã chủ động ban hành Công văn số 224/STP-BTTP (kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTP) ngày 22/2/2022 và Công văn số 1046/STPBTTP ngày 23/6/2022 về hướng dẫn triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP gửi đến các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BTP, Sở Tư pháp còn đăng tải toàn văn Thông tư trên cổng thông tin điện tử của Sở để các đơn vị theo dõi, tra cứu; phối hợp với Báo Thanh Hoá đăng tải các nội dung tin, bài về việc triển khai các quy định của Thông tư 02/2022/TT-BTP, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định công khai về tiêu chí, điều kiện lựa chọn tổ chức đấu giá trên trang thông tin Báo điện tử của Báo Thanh Hoá.
Trong một năm qua, việc triển khai Thông tư 02/2022/TT-BTP đã đạt được những kết quả nổi bật:
- Việc đăng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, thông báo kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, thực hiện việc chấm điểm hồ sơ của các tổ chức đăng ký tham gia theo nội dung tiêu chí của Phụ lục I kèm theo Thông tư, thông báo kết quả theo Phụ lục II kèm theo Thông tư; thực hiện nghiêm túc việc đăng trên cổng thông tin của Bộ Tư pháp về đấu giá, trang thông tin điện tử của tỉnh và huyện; lựa chọn Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và các doanh nghiệp đấu giá tài sản có đầy đủ uy tín và năng lực kinh nghiệm để đấu giá tài sản. Đối với Chi nhánh trực thuộc các Tổ chức đấu giá tài sản, không thực hiện xét chấm điểm hồ sơ năng lực, Thông báo kết quả từ chối đăng trên cổng thông tin điện tử Quốc gia của Bộ Tư pháp, cổng thông tin điện tử của UBND huyện và gửi đến từng tổ chức đấu giá tài sản, thời gian công khai lựa chọn và kết quả là 03 (ba) ngày làm việc.
- Việc chấm điểm theo các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Tổ tư vấn lựa chọn tổ chức đấu giá, thực hiện việc họp và có biên bản chấm điểm cho từng tổ chức đấu giá, làm cơ sở tham mưu cho UBND cấp huyện ban hành Quyết định lựa chọn tổ chức đấu giá. Đối với những dự án có từ 02 tổ chức đấu giá tài sản trở lên nộp hồ sơ đăng ký tham gia, đánh giá chấm điểm các tiêu chí ban hành kèm theo Phụ lục I của Thông tư 02/2022/TT-BTP, xét hồ sơ và chấm điểm tiêu chí tổ chức đấu giá đủ điều kiện và có số điểm cao nhất. Đối với những dự án chỉ có 01 tổ chức đấu giá tài sản nộp hồ sơ đăng ký tham gia, đánh giá chấm điểm và lựa chọn nếu tổ chức đấu giá có đủ điều kiện đồng thời ban hành Quyết định về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, trong đó nêu rõ đến thời điểm nộp hồ sơ lựa chọn theo thông báo, chỉ có một tổ chức đấu giá tài sản nộp hồ sơ tham gia, đánh giá chấm điểm theo quy định.
Công tác quản lý nhà nước về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản tại địa phương theo quy định của Thông tư số 02/2022/TT-BTP
Việc phối hợp cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản khi có yêu cầu của người có tài sản đấu giá trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Với vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản, Sở Tư pháp luôn hỗ trợ kịp thời trong việc phối hợp, hỗ trợ UBND cấp huyện trong việc cung cấp thông tin liên quan đến Đấu giá viên, thông tin các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, tập sự hành nghề đấu giá và các thông tin liên quan khác trong việc chấm điểm hồ sơ lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản theo các tiêu chí và quy định tại phụ lục kèm theo .
Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo thẩm quyền được thực hiện đầy đủ: Trong năm 2022, 2023, Sở Tư pháp đều ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có nội dung kiểm tra việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản và Thông tư 02/2022/TT-BTP. Qua đó, đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh và hướng dẫn các đơn vị địa phương trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Cụ thể, trong năm 2022, UBND thị xã Nghi Sơn đã xét và chấm điểm hồ sơ năng lực và lựa chọn Chi nhánh của tổ chức đấu giá tài sản chưa đúng quy định của pháp luật. Sau buổi làm việc và hướng dẫn của Sở Tư pháp Thanh Hoá, UBND thị xã Nghi Sơn đã ban hành Quyết định về việc huỷ bỏ kết quả lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản và tiến hành lựa chọn lại tổ chức đấu giá tài sản theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BTP.
Những kết quả đạt được trong một năm triển khai Thông tư 02/2022/TT-BTP là về cơ bản, xong vẫn còn những khó khăn, vướng mắc bất cập như:
Khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật, về tổ chức thực hiện và khó khăn, vướng mắc khác trong quá trình triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP: Một số Tiêu chí tại Thông tư còn quy định chung chung, chưa sát với tình hình thực tế tại các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, nên khó khăn trong việc tổ chức chấm điểm dẫn đến các địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng thực hiện. Cụ thể:
+ Tại Phụ lục I về Bảng tiêu chí đánh giá, chấm điểm tổ chức đấu giá tài sản kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTP có quy định về mức điểm tối đa cho mỗi tiêu chí. Tuy nhiên, các tiêu chí tại mục III, IV, Phụ lục I, có quy định khung tiêu chí (ví dụ: từ 3 năm đến dưới 5 năm: mức điểm tối đa: 4 điểm), nếu đơn vị có tiêu chí dưới mức cao nhất của khung (ví dụ: 4 năm) thi điểm chấm sẽ là 4 điểm sẽ không công bằng với đơn vị có tiêu chí đạt mức tối đa (5 năm).
+ Tại tiêu chí 1, mục III: Việc đánh giá số hợp đồng đã thực hiện trong bảng tiêu chí kèm theo Thông tư càng nhiều thì số điểm càng cao là chưa phù hợp. Lý do: Đối với các Tổ chức đấu giá có số hợp đồng ít, nhưng tỷ lệ đấu thành cao, chất lượng tổ chức đấu giá tốt chưa được ghi nhận đầy đủ. Còn đối với Tổ chức có số hợp đồng nhiều nhưng tỷ lệ đấu giá thành ít thể hiện kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp chưa cao.
Tiêu chí chấm điểm lựa chọn tổ chức đấu giá theo Thông tư số 02/2022/TTBTP của Bộ Tư pháp, sẽ khó khăn cho những đơn vị mới hoạt động, ít năm kinh nghiệm, đấu giá ít mặt bằng hơn những đơn vị khác.
Mục V tiêu chí khác (5 điểm) chưa hướng dẫn cụ thể, dẫn đến các địa phương khi thực hiện còn lúng túng: Trường hợp người có tài sản tổ chức nhiều dự án đấu giá cùng một thời điểm, nhưng chỉ có 01 (một) tổ chức đấu giá có đủ năng lực cạnh tranh và đạt tiêu chí chấm điểm cao nhất theo Thông tư 02/2022/TT-BTP, đồng nghĩa với việc tổ chức đấu giá phải thực hiện tổ chức đấu giá đồng loạt các dự án đó cùng một thời điểm. Như vậy sẽ không đảm bảo về mặt thời gian, nhân lực cho việc thực hiện bán hồ sơ, tổ chức thực hiện đấu giá để có kết quả tốt nhất, trong khi đó các Tổ chức đấu giá khác lại không có việc để làm.
Trường hợp có từ 02 đơn vị trở lên bằng điểm nhau, quyết định đơn vị nào là người có tài sản xem xét, quyết định, cũng là bất cập trong quá trình thực hiện. Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể hơn.
Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, bất cập xuất phát từ một số Tiêu chí và điểm chấm quy định tại Thông tư còn chưa sát với thực tế và chưa phù hợp. Chính vì vậy, sau một năm triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP, tại tỉnh Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều tổ chức đấu giá tài sản không có việc do không đủ năng lực để được lựa chọn và tham gia tổ chức đấu giá, vì vậy đã giải thể hoặc tạm dừng hoạt động.
Để thực hiện tốt công tác lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định và tiêu chí chấm điểm tại Phụ lục kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTP như sau:
-Tại Mục I: Tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị... Cần quy định chi tiết, rõ ràng hơn. Chẳng hạn “Có trụ sở ổn định, địa chỉ rõ ràng...” là như thế nào, trụ sở đi thuê có được xem là ổn định.
- Tại Tiêu chí 1.2, Mục I: Địa điểm bán, tiếp nhận hồ sơ còn rất chung chung, cần làm rõ như thế nào là ở vị trí công khai, thuận tiện. + Tại Tiêu chí 2.2, Mục I: Tiêu chí về trang thiết bị cần thiết còn khá đơn giản, “phương tiện khác” là những phương tiện như thế nào, cần làm rõ. (VD như: ô tô, máy phát điện,...).
- Tại Phụ lục I: Bảng tiêu chí đánh giá, chấm điểm tổ chức đấu giá tài sản. đề nghị cơ cấu lại số điểm, và nội dung sao cho sát với thực tế để chấm điểm và dễ thực hiện đối với người có tài sản. Cụ thể như sau:
+ Tại Tiêu chí 5. Mục I: “Có nơi lưu trữ hồ sơ đấu giá”, kiến nghị quy định cụ thể chi tiết hơn như phòng rộng bao nhiêu m2 trở lên, có hệ thống phòng chống cháy nổ. Ví dụ: Đối với phòng tổ chức đấu giá thuộc sở hữu của tổ chức đấu giá có diện tích trên 50m2, sức chứa trên 50 người thì được số điểm tối đa. Đối với phòng tổ chức đấu giá đi thuê thì được 50% số điểm. Tiêu chí điểm tối đa là 3 điểm thay vì 1 điểm như Thông tư.
+ Tại Mục III. Về tiêu chí năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản: Cần làm rõ, đầu năm từ tháng 1 đến tháng 4 khi chưa có báo cáo quyết toán thuế thì căn cứ vào số liệu nào để xác định đơn vị đã nộp thuế.
- Về tiêu chí 1,2. Mục III: Năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản, đề nghị bỏ cụm từ “đấu giá cùng loại tài sản đối với tài sản đưa ra đấu giá”. Lý do: Vì hầu hết các loại tài sản đều có trình tự thủ tục thực hiện như nhau. Cho nên việc liệt kê các hợp đồng dịch vụ đấu giá trong năm liền kề là phải cho tất cả các hợp đồng đấu giá trong năm tổ chức đấu giá thực hiện và mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm cũng phải là của tất cả các cuộc đấu giá thành trong năm trước liền kề chức không phải chỉ là các tài sản cùng loại thì mới đánh giá được đầy đủ năng lực của tổ chức đấu giá tài sản đó.
- Tại tiêu chí 5 Mục III: Kinh nghiệm của các đấu giá viên không chỉ phụ thuộc vào năm hành nghề, mà số lượng, quy mô, hình thức cuộc đấu giá đã trực tiếp điều hành và giá bán tăng cao so với giá khởi điểm mới thể hiện kinh nghiệm và năng lực của đấu giá viên. Do đó, đề nghị điều chỉnh lại tiêu chí chấm điểm theo cả năm hành nghề và số lượng cuộc đấu giá đã điều hành và giá bán tài sản chênh lệch so với giá khởi điểm.
- Về tiêu chí 3, Mục III. Thời gian hoạt động trong lĩnh vực tài sản tính từ thời điểm có Quyết định thành lập hoặc được cấp giấy đăng ký hoạt động...Đề nghị quy định các mức: Dưới 5 năm, từ 5 năm đến 10 năm, từ 10 năm đến 20 năm, từ 20 năm trở lên thay cho các mức dưới 03 năm, từ 03 năm đến dưới 05 năm, từ 05 năm trở lên trong Thông tư. Vì các đơn vị đấu giá đã hoạt động được nhiều năm thì năng lực và kinh nghiệm càng lớn, có những đơn vị tổ chức đấu giá hoạt động trên 20 năm thì quy định số năm theo Thông tư sẽ thiệt thòi cho các đơn vị có thời gian hoạt động lâu năm.
- Về tiêu chí 6, Mục III. Thông tư quy định: “Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc đóng góp vào ngân sách Nhà nước trong năm trước liền kề, trừ thuế giá trị gia tăng”. Đề nghị sửa lại như sau: “Nộp thuế, nộp ngân sách nhà nước trong năm trước liền kề trừ thuế giá trị gia tăng”. Vì đối với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản ( thuộc Sở Tư pháp) nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của đơn vị sự nghiệp có thu chứ không phải thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Về mục V: “Tiêu chí khác phù hợp với....”: + Đề nghị bỏ cụm từ: “phù hợp với tài sản đấu giá”. Tức là chỉ quy định: “Tiêu chí khác do người có tài sản đấu giá quyết định”.+ Đề nghị điều chỉnh mức điểm của người có tài sản nâng cao từ 15-20 điểm. Lý do: Mỗi địa phương sẽ có những đánh giá lựa chọn tổ chức đấu giá để phù hợp với đặc điểm riêng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình, việc lựa chọn tổ chức đấu giá có năng lực kinh nghiệm và phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương sẽ góp phần nâng cao được hiệu quả công tác đấu giá tài sản.
- Điều chỉnh các tiêu chí và thang điểm phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, chất lượng cuộc đấu giá được đề cao hơn là số lượng cuộc đấu giá, tạo cơ hội phát triển cho các Tổ chức đấu giá vừa và nhỏ có thể chứng minh năng lực của mình và có cơ hội việc làm.
- Đề nghị quy định cụ thể đối với năng lực chi nhánh, lý do nhiều đơn vị có Công ty đủ điểm chấm hồ sơ năng lực lựa chọn tổ chức đấu giá, tuy nhiên Chi nhánh của Công ty lại chỉ có một đấu giá viên, nhân viên ít không đủ năng lực để tổ chức thực hiện các phiên đấu giá có giá trị tài sản quy mô lớn.
- Đề nghị quy định cụ thể năng lực công ty trong trường hợp sát nhập, hợp nhất để các địa phương thuận lợi trong việc áp dụng các quy định cụ thể để thực hiện.
- Đề nghị bổ sung thêm các quy định:
+ Bên có tài sản có quyền kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, kiểm tra hồ sơ gốc và tổ chức đấu giá phải có tài liệu chứng minh khi bên có tài sản yêu cầu xuất trình, kiểm tra. Trường hợp tổ chức đấu giá không phối hợp thực hiện hoặc không xuất trình, cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu để chứng minh thì bên có tài sản có quyền từ chối chấm điểm hồ sơ năng lực của tổ chức đấu giá tài sản đó.
+ Bổ sung quy định vào Điều 4: Đối với tài sản dưới 50 triệu đồng bên có tài sản có thể lựa chọn trực tiếp tổ chức đấu giá tài sản hoặc đăng công khai tiêu chí để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
+ Theo quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 5: Quy định “Trường hợp trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ mà tổ chức đấu giá vi phạm (bị xử lý hành chính, bị kết án, từ chối xem xét, bị hủy bỏ,...)...” đề nghị sửa giảm thời hạn 12 tháng xuống thời hạn 6 tháng, để tổ chức đấu giá còn có cơ hội thực hiện các cuộc đấu giá khác trong năm bị vi phạm.
+ Đối với đấu giá bất động sản thực hiện theo địa hạt. Tức là, tổ chức đấu giá tài sản có trụ sở chính tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì thực hiện tổ chức đấu giá bất động sản tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó. Nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý, giám sát của người có tài sản và cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đặc biệt đối với đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Như vậy thì người có tài sản mới thực hiện tốt được nhiệm vụ giám sát, kiểm tra quá trình tổ chức đấu giá cũng như đánh giá sát năng lực và kinh nghiệm của tổ chức đấu giá tại địa phương trong quá trình thực hiện.
Từ thực tiễn 01 năm triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với những kết quả đạt được, cùng những khó khăn, vướng mắc. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thiết nghĩ cần sửa đổi Luật đấu giá tài sản, trong đó quy định chặt chẽ về việc bổ nhiệm đấu giá viên việc thành lập các tổ chức đấu giá tài sản nhằm tránh tình trạng thành lập nhiều tổ chức đấu giá tài sản nhưng hạn chế về năng lực của tổ chức đấu giá và đấu giá viên. Nâng cấp trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, giảm bớt việc quá tải dẫn đến lỗi phần mềm, ảnh hưởng đến tiến độ đăng tải các kết quả không đúng thời gian quy định của người có tài sản. Nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho các đấu giá viên, để xử lý các vướng mắc trong hoạt động của tổ chức bán đấu giá tài sản. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, có chế tài xử lý vi phạm đối với các đơn vị vi phạm các trình tự, thủ tục và tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Từ những giải pháp đó chắc chắn công tác lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản sẽ được thuận lợi, góp phần tích cực vào công tác bán đấu giá tài sản đảm bảo hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của nhà nước và nhân dân.
Cao Phong |
File đính kèm |