THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ Y TẾ
   

5 tình huống người hành nghề y được từ chối khám, chữa bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi 2023 được Quốc hội thông qua có quy định một số nội dung mới như tự chủ bệnh viện, với các quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở KCB; quy định cụ thể hình thức xã hội hóa trong hoạt động KCB với 7 hình thức…Luật KCB 2023 cũng quy định một số điểm mới thay thế luật KCB 2009. Trong đó, tại điều 40 quy định "Quyền từ chối KCB".

 

 

Theo đó, có 5 tình huống người hành nghề được từ chối KCB. Đó là các tình huống sau: 

  • - Tình huống thứ nhất, tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở KCB khác phù hợp để KCB và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở KCB khác. 
  • - Tình huống thứ hai, việc KCB trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp. 
  • - Tình huống thứ ba, người bệnh, thân nhân người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi. 
  • - Tình huống thứ tư, người bệnh yêu cầu phương pháp KCB không phù hợp quy định về chuyên môn kỹ thuật. 
  • - Tình huống thứ năm, người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

    Luật KCB 2023 cũng quy định thêm 3 nhóm đối tượng phải có giấy phép hành nghề y, áp dụng từ năm 2024 gồm: dinh dưỡng lâm sàng; cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng. Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm.

    Theo quy định hiện hành, chỉ có 6 đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề KCB là: bác sĩ, y sĩ; điều dưỡng viên; hộ sinh viên; kỹ thuật viên; lương y; người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
     

 

Tăng mức phạt với người trốn cách ly từ 15/11/2020

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Riêng đối với hành vi "Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh ruyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu" bị phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Theo Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định: Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm: bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A kể từ ngày 29/1/2020 (theo Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế). Ngoài ra, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP còn quy định xử phạt một số hành vi như: Đưa tin không chính xác hoặc không kịp thời về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp (Điều 5); che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân (Điều 7); không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế (Điều 10); không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch (Điều 12);…