Ký hiệu | |
Trích yếu | Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phiên tòa xét xử lưu động |
Loại | Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng |
Chủ đề | Pháp luật Hình sự |
Cơ quan ban hành | Các Bộ, cơ quan ngang Bộ |
Người ký | |
Chức danh người ký | |
Trạng thái | Còn hiệu lực |
File đính kèm |
PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÔNG QUA
PHIÊN TÒA XÉT XỬ LƯU ĐỘNG
- Giáo dục pháp luật là một chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, hoạt động xét xử tại phiên tòa là công khai (trừ một số trường hợp do pháp luật quy định phải xử kín). Vì vậy ngoài hội đồng xét xử còn có đông đảo nhân dân theo dõi phiên tòa, nhất cử nhất động của Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa nói riêng, hội đồng xét xử nói chung đều được những người tham gia tố tụng, đương sự của vụ án và những người tham dự phiên tòa quan sát và đánh giá.
Suy nghĩ về vấn đề này có ý kiến cho rằng, trong công tác xét xử các vụ án hình sự, phải tăng cường đưa một số vụ án điểm xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi xảy ra tranh chấp, vừa mang tính chất tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua việc xét xử để tạo sự công bằng và sự tin tưởng vào pháp luật trong nhân dân, vừa có tác dụng đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Đảng và nâng cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn một số Thẩm phán và một số Tòa án chưa coi trọng vấn đề này; rất ít khi cho tổ chức xét xử lưu động, nguyên nhân thì có nhiều (thiếu kinh phí, sự phối hợp của các cấp, các ngành địa phương) nhưng bản thân Thẩm phán cũng rất ngại xét xử lưu động bởi vì phải chuẩn bị rất nhiều việc ngoài chuyên môn vì họ biết chắc chắn rằng khi xét xử lưu động có rất nhiều người dân sẽ tham gia và sẽ bị giám sát rất chặt chẽ mọi hành vi của Thẩm phán trong quá trình xét xử.
Thực tiễn xét xử cho thấy, trong năm 2004 (có hơn 2000 phiên tòa), năm 2005 (có hơn 2500 phiên tòa), năm 2006 (có hơn 3000 phiên toà) xét xử lưu động tại địa phương xảy ra vụ án, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm và nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Các đơn vị thực hiện tốt công tác này như: TAND thành phố Hà Nội, TAND thành phố Hồ Chí Minh, các tòa án quân sự…
- Đối với các phiên tòa xét xử lưu động, việc lập kế hoạch xét xử phải được Thẩm phán đặc biệt chú ý. Trong kế hoạch xét xử phải xác định rõ ràng kế hoạch tri giác và nghiên cứu thông tin; trình tự xem xét các tình tiết, các chứng cứ; đánh giá, kiểm tra nguồn của các thông tin này. Việc dự đoán và lập kế hoạch xét xử có tác dụng: tránh được những tác động tình cảm nhất định do từng loại thông tin gây ra; đảm bảo được tính liên tục, hệ thống, toàn diện và đầy đủ của việc nghiên cứu thông tin, đánh giá chứng cứ. Đồng thời dự đoán được những tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị kế hoạch xử lý các tình huống đó một cách chủ động, linh hoạt tại phiên tòa xét xử lưu động.
Giáo dục thông qua những xử sự, giao tiếp, giữ kỷ luật phiên tòa và cao nhất là ra được bản án đúng người, đúng việc, đúng pháp luật, được dư luận đồng tình ủng hộ. Thực tế khi xét xử có những Thẩm phán chỉ chú ý đến chất lượng xét xử, không chú ý đến giáo dục pháp luật cho đương sự. Thường gặp ở những Thẩm phán mới được bổ nhiệm, họ chưa có nhiều kinh nghiệm, còn lúng túng, chưa thật sự tự tin trước đông người và khi ngồi ở vị trí xét xử của mình họ lo sợ cho kết quả xét xử không tốt sẽ bị sửa, hủy án. Do đó họ phải chú ý đến kết quả, chất lượng xét xử mà không chú ý đến giáo dục pháp luật cho đương sự …
- Phần lớn Thẩm phán ý thức được ý nghĩa của việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luât thông qua hoạt động xét xử; tuy nhiên vẫn còn môt số Thẩm phán chưa ý thức được vấn đề này cho rằng việc giáo dục pháp luật là của nhà trường và xã hội chứ không phải là việc của Thẩm phán. Thực tiễn xét xử của các Tòa án nước ta những năm qua cho thấy, còn những Thẩm phán vi phạm pháp luật; có vụ án việc xét xử không đảm bảo tính khách quan, chất lượng xét xử còn thấp làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; làm cho uy tín của Tòa án bị ảnh hưởng nghiêm trọng; vai trò giáo dục công dân của Tòa án qua hoạt động xét xử không được phát huy.
Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù nhất và quan trọng nhất của Tòa án,Thẩm phán luôn làm cho mọi người thấy rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào đều bị xử lí theo pháp luật. Bằng thái độ khách quan, nghiêm túc của Thẩm phán trong quá trình xét hỏi hay trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong tranh luận để tìm ra sự thật của vụ án cũng như đảm bảo đầy đủ, đúng yêu cầu các nguyên tắc của quá trình xét xử làm cho những người tham gia tố tụng và đông đảo quần chúng tham dự phiên tòa có thái độ đúng đắn với những hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục họ ý thức tuân thủ các quy phạm pháp luật mà Nhà nước đã đề ra, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lí theo từng trường hợp cụ thể mà phiên tòa là một minh chứng cho sự nghiêm minh của pháp luật.
Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử là nhiệm vụ quan trọng của Tòa án nói chung, Thẩm phán nói riêng. Vấn đề này được ghi nhận trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân các thời kì, hơn ai hết các đồng chí lãnh đạo Tòa án các cấp và Thẩm phán là người ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này; đồng thời họ cũng là người chịu trách nhiệm chính trong hoạt động xét xử của Tòa án. Giáo dục qua hoạt động xét xử là giáo dục đặc biệt. Thông qua hoạt động này các chủ thể giáo dục cung cấp tri thức pháp luật, bồi dưỡng tình cảm, thái độ đúng đắn đối với pháp luật một cách có mục đích, có chủ định, có tổ chức đến đối tượng giáo dục nhằm hình thành ở họ các tri thức pháp luật, cảm xúc và lòng tin vào pháp luật, làm cơ sở cho hành vi và lối sống theo pháp luật của mọi công dân.
Văn bản liên quan |