Sáng ngày 3/6, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với đại diện sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, 27 điểm cầu trong toàn tỉnh để quán triệt Nghị quyết 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc Hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; triển khai một số quy định mới của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Tại điểm cầu cấp tỉnh, Đồng chí Bùi Đình Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (HĐPHPBGDPL) tỉnh chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh là thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh; Báo cáo viên pháp luật tỉnh.
Tại điểm cầu cấp huyện, chủ trì hội nghị là các đồng chí Chủ tịch UBND huyện hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách công tác PBGDPL; dự hội nghị có 1259 đại biểu là đại diện lãnh đạo HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; đại diện lãnh đạo các phòng, ban; thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện; Báo cáo viên pháp luật huyện.
Ngoài ra, tại 25/27 huyện, thị xã, thành phố, Hội nghị còn được triển khai đến 554 điểm cầu cấp xã với 5.283 đại biểu là đại diện Đảng ủy, HĐND xã, phường, thị trấn; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; công chức phụ trách lĩnh vực Tư pháp, Địa chính, Xây dựng.
Hội nghị đã được nghe đồng chí Hoàng Bá Tường – Phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy quán triệt Nghị quyết 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Nghị quyết số 37/2021/QH15 được ban hành nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Đây là những văn bản quan trọng, mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng để tỉnh Thanh Hóa khai thác được dư địa của chính sách, thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, đồng thời cũng giúp Thanh Hóa khắc phục được cơ bản một số “rào cản” trong phát triển kinh tế - xã hội.
Với 8 chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước (chính sách về mức dư nợ vay; chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; chính sách về thu từ xử lý nhà, đất; chính sách về phí, lệ phí; chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên) và phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp, trong đó HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa được thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định... tạo điều kiện cho chính quyền địa phương trong việc chủ động và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh và góp phần thúc đẩy sớm thu hút đầu tư vào các hạt nhân kinh tế của tỉnh.
Để đưa các cơ chế, chính sách đặc thù đi vào thực tiễn cuộc sống, ngày 6/12/2021 Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 45-KH/TU về thực hiện số Nghị quyết 37/2021/QH15. Kế hoạch cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết thành các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh, làm rõ nội dung, trình tự các công việc để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xác định trách nhiệm cụ thể của từng địa phương, đơn vị trong việc tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện, bảo đảm khả thi, hiệu quả.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính – Theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp triển khai một số quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là đạo luật quan trọng có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, tập trung vào 3 chính sách lớn, đó là, hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động xử phạt vi phạm hành chính; hoàn thiện các quy định pháp luật về đối tượng, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Những thay đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung so với pháp luật hiện hành đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam chung.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Bùi Đình Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp đã thay mặt Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cảm ơn các báo cáo viên đã truyền đạt các nội dung của các luật mới đến các đại biểu dự hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh: Các văn bản pháp luật được quán triệt, triển khai tại hội nghị có nhiều quy định mới quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trên các lĩnh vực, đề nghị các ngành, các cấp cần cần khẩn trương triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật mới được Quốc hội thông qua; triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động số 45-KH/TU ngày 6/12/2021 của Ban chấp hành đảng bộ Tỉnh; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 26/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ pháp luật; khơi dậy khát vọng vươn lên của Nhân dân; phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của của ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý, đưa Thanh Hóa sớm thành một cực tăng trưởng mới ./.
File đính kèm |