THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

Ngành Tư pháp Thanh Hóa phát huy truyền thống vẻ vang, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao

Ngày tạo:  27/08/2022 18:04:25
Mỗi năm, cứ vào tháng Tám mùa thu, đất nước lại hân hoan chào đón những ngày kỷ niệm lịch sử trọng đại, đầy ý nghĩa của cả dân tộc. Hoà vào niềm vui chung đó, tháng Tám cũng là dịp để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp cả nước nói chung, ngành Tư pháp tỉnh Thanh Hóa nói riêng ôn lại những truyền thống lịch sử vẻ vang và đầy tự hào của Ngành.

Cách đây 77 năm, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 13 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Theo Quyết định số 715/TTg ngày 7/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/8 trở thành “Ngày Truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam”.

          Đối với Ngành tư pháp Thanh Hóa, được thành lập vào ngày 17 tháng 5 năm 1983, qua 39 năm xây dựng và phát triển, ngày mới thành lập Sở Tư pháp tỉnh chỉ có 4 phòng nghiệp vụ với 12 cán bộ (năm 1983), hiện nay Sở đã được kiện toàn với 6 phòng nghiệp chuyên môn và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tổng số 110 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. những năm qua Sở Tư pháp luôn là đơn vị được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.

          Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn, thử thách, không ngừng vun đắp, làm giàu thêm truyền thống và ngày càng nâng cao vị thế của Ngành. Sở Tư pháp Thanh Hóa luôn giữ vai trò nòng cốt là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh thực hiện công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo thống nhất, khả thi, minh bạch trước khi đưa vào thực tiễn cuộc sống; chung tay xây dựng nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân. Trên cơ sở đánh giá cải cách hành chính năm 2021 chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở Tư pháp Thanh Hóa, đứng thứ 3 về xếp hạng, trong các chỉ số thành phần, Sở Tư pháp được xếp hạng nhất về chỉ số Chi phí không chính thức và xếp thứ hạng 2 chỉ số Cạnh tranh bình đẳng của khối sở ban, ngành.

          Trong công tác thẩm định, tham gia ý kiến dự thảo văn bản đã được quan tâm, đầu tư nguồn lực, nhân lực để thực hiện. Công tác ban hành văn bản trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Các cấp chính quyền thực sự quan tâm chỉ đạo triển khai và thực hiện đúng các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc xử lý, giải quyết các vụ việc pháp luật cụ thể tại địa phương đã được Sở Tư pháp tập trung thực hiện đạt kết quả tích cực. Công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm và đã triển khai đầy đủ, kịp thời các Luật mới được thông qua. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp: bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hành chính tư pháp … tiếp tục được nâng cao.

          Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến 21 dự thảo văn bản của Trung ương; thẩm định 109 dự thảo văn bản của tỉnh (tăng 46 văn bản so với cùng kỳ 2021). Tham gia ý kiến 265 dự thảo văn bản của các sở, ban, ngành (tăng 90 văn bản so với cùng kỳ 2021) trước khi trình UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành. Sở đã trực tiếp hoặc phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết, xử lý 107 vụ việc pháp luật cụ thể ở  các địa phương; tham gia ý kiến về trình tự, thủ tục và tính hợp pháp đối với 40 hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất, hồ sơ cưỡng chế quyết định kiểm đếm bắt buộc của các hộ dân để thực hiện dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án của tỉnh… Ý kiến tham mưu của Sở Tư pháp đảm bảo các căn cứ pháp lý và thực tế quản lý, đảm bảo hồ sơ cưỡng chế đúng quy định của pháp luật.

          Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt nhiều kết quả thiết thực. Việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật làm cho các  tầng lớp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng tinh thần và nội dung của pháp luật là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Nhà nước, trong đó ngành Tư pháp tham gia với trách nhiệm chính. 6 tháng đầu năm 2022, Sở đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 5 hội nghị PBGDPL. Phát hành 1.200 cuốn bản tin Tư pháp; 61.500  tờ gấp pháp luật. Phối hợp với Báo Thanh Hóa, Đài phát thanh truyền hình tỉnh đăng tải 322 tin, bài, ảnh liên quan đến công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

          Sở đã phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức 02 hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho 600 đại biểu làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải, tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 4.339 tổ hoà giải với 26.669 hoà giải viên ở cơ sở; 6 tháng đầu năm 2022 đã tiếp nhận 2.038 việc; thực hiện hòa giải thành được 1.712 việc; đạt tỷ lệ 84%.

          Công tác Hành chính tư pháp đã đáp ứng tốt nhiệm vụ yêu cầu. Công tác chứng thực, hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch; đến nay có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai phần mềm Hộ tịch điện tử. Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động chứng thực; chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản tại địa phương.6 tháng đầu năm 2022, Phòng Tư pháp đã thực hiện chứng thực: 5.652 bản sao từ bản chính; 52 chữ ký, 346 chữ ký người dịch. UBND cấp xã chứng thực: 761.825 bản sao từ bản chính, 53.108 chữ ký và 20.312 hợp đồng, giao dịch.

          Công tác quản lý Nhà nước các hoạt động Bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản tiếp tục được tăng cường, từng bước chuyển đổi sang hướng xã hội hoá theo quy định. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 39  tổ chức hành nghề luật sư gồm 11 Công ty luật, 15 Văn phòng luật sư và 13 Chi nhánh của các tổ chức hành nghề luật sư; 51 tổ chức hành nghề công chứng với 94 công chứng viên; 42 tổ chức đấu giá tài sản (trong đó có 31 công ty, 10 chi nhánh, 01 Trung tâm đấu giá tài sản) với 50 đấu giá viên. Các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp đã góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp, bảo đảm công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần Hiến pháp. 

          Với những thành tích và kết quả đạt được của ngành Tư pháp trong những năm qua, nhiều tập thể và cá nhân được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tặng bằng khen, năm 2021 đơn vị được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có được những phần thưởng trên, trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành trong tỉnh, của cấp uỷ và chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời là sự thể hiện công sức chung của các thế hệ cán bộ tư pháp từ tỉnh đến cơ sở, khắc phục khó khăn, đoàn kết chung sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

          Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2022) là dịp để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tư pháp nói chung và Sở Tư pháp nói riêng ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của ngành tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trong công tác chuyên môn, không ngừng vun đắp, làm giàu thêm truyền thống và ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của ngành trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.


STP

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.