THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

Sở Tư pháp Thanh Hóa tổ chức tổng kết công tác tư pháp năm 2022

Ngày tạo:  30/12/2022 15:30:38
Ngày 27 tháng 12 năm 2022, Sở Tư pháp tiến hành tổng kết công tác tư pháp năm 2022 và triển khai các nhiệm vụ năm 2023. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Sở Tư pháp, Toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp và đại diện Lãnh đạo 27 phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Khai mạc Hội nghị đồng chí Bùi Đình Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp đã nêu bật những kết quả đạt được của ngành Tư pháp năm 2022 đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đồng thời đồng chí cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại mà ngành Tư pháp cần khắc phục trong thời gian tới, đồng chí ghi nhận những đóng góp của toàn bộ công chức, viên chức và người lao động Ngành Tư pháp Thanh Hóa đã góp phần xây dựng ngành Tư pháp vững mạnh. 

Tại Hội nghị đồng chí Chánh văn phòng Sở đã thông qua báo cáo đánh giá kết quả đạt được trong năm 2022, báo cáo đã chỉ rõ việc triển khai nhiệm vụ năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng, đời sống mọi mặt của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế xã hội vừa phòng, chống dịch Covid-19; hoạt động văn hóa - xã hội được duy trì ổn định, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; đời sống nhân dân tiếp tục được đảm bảo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Trong những thành tựu chung của tỉnh, có sự đóng góp tích cực của Ngành Tư pháp.

Ngành Tư pháp Thanh Hóa đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2022 của Bộ Tư pháp, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các lĩnh vực công tác tư pháp; góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của Ngành Tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Sở Tư pháp đã bám sát yêu cầu và định hướng công tác theo Chương trình trọng tâm công tác tư pháp của Bộ Tư pháp, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động với mục tiêu tạo sự chuyển biến mới trong công tác Tư pháp năm 2022. Các cơ quan Tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sở Tư pháp đã trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 38 Quyết định, Kế hoạch để tổ chức, triển khai thực hiện công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch công tác tư pháp và đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác bám sát với các chương trình, kế hoạch đã được ban hành, đạt nhiều kết quả tích cực. Các chương trình, kế hoạch công tác tư pháp năm 2022 đã được Sở Tư pháp và các địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra. 

Công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố được chú trọng thực hiện, qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Năm 2022, các huyện, thị xã, thành phố đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch công tác, các văn bản chỉ đạo để cụ thể hóa, nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

 Việc trao đổi, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ giữa Sở Tư pháp với các sở, ngành, địa phương được thực hiện thông suốt, gắn kết trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp. Năm 2022, Sở Tư pháp đã tiếp nhận, trả lời 42 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các sở, ngành, địa phương; thực hiện 398 nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao (tăng 25 nhiệm vụ so với cùng kỳ năm 2021), đã hoàn thành 376 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 21 nhiệm vụ và không có nhiệm vụ quá hạn.

Công tác xây dựng, thẩm định văn bản:

Công tác thẩm định, tham gia ý kiến dự thảo văn bản luôn được Sở Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm và quan tâm chỉ đạo, được chú trọng cả về tiến độ và chất lượng. Ý kiến thẩm định, tham gia ý kiến của Sở Tư pháp đã được các sở, ban, ngành tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình HĐND, UBND tỉnh ban hành, góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản. Sở Tư pháp đã tham gia thẩm định 100% văn bản QPPL trình HĐND, UBND tỉnh ban hành, đảm bảo kịp thời, chất lượng, khả thi khi thực hiện.

Năm 2022, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến 46 dự thảo văn bản của Trung ương; thẩm định 219 dự thảo văn bản của tỉnh (tăng 62 văn bản so với cùng kỳ 2021). Tham gia ý kiến 482 dự thảo văn bản của các sở, ban, ngành (tăng 90 văn bản so với cùng kỳ 2021)trước khi trình UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành. Các văn bản thẩm định và tham gia ý kiến được chú trọng về thẩm quyền ban hành, nội dung, tính khả thi của văn bản. 

Về tham mưu giải quyết, xử lý các vụ việc pháp luật ở địa phương, Sở Tư pháp đã trực tiếp hoặc phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết 318 vụ việc. Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến về trình tự, thủ tục và tính hợp pháp đối với 55 hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất, hồ sơ cưỡng chế quyết định kiểm đếm bắt buộc của các hộ dân để thực hiện dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án của tỉnh.v.v. Ý kiến tham mưu của Sở Tư pháp đảm bảo các căn cứ pháp lý và thực tế quản lý, đảm bảo hồ sơ cưỡng chế đúng quy định của pháp luật. 

Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản luôn được Sở Tư pháp quan tâm, tổ chức thực hiện. Năm 2022 Sở đã tổ chức 7 Hội nghị với gần 2.000 người tham dự.

Công tác Kiểm tra văn bản

Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, thông qua hoạt động kiểm tra nhằm phát hiện các văn bản ban hành trái thẩm quyền, nội dung trái pháp luật và không phù hợp thực tế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ. Năm 2022 Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra 2.882 văn bản  (75 văn bản QPPL, 2.807 văn bản có chứa QPPL); Sở Tư pháp kiểm tra theo thẩm quyền 171 Nghị quyết của HĐND các huyện, thị xã, thành phố; kiểm tra theo kế hoạch công tác văn bản tại 10 huyện, thị xã, thành phố

Công tác rà soát văn bản

Công tác rà soát văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Sở Tư pháp, các sở, ngành và UBND các cấp thực hiện thường xuyên. Công tác xử lý các văn bản hết hiệu lực, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội được phát hiện thông qua rà soát đã được chú trọng thực hiện. 

Sở Tư pháp và các sở, ngành, địa phương rà soát theo chuyên đề các văn bản liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; các văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Kiểm tra, rà soát các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ ngày 01/11/2021 đến ngày 01/11/2021 liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng .v.v.

Công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính

Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục theo quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định bãi bỏ Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 10/5/2019 của UBND tỉnh về việc quy định quy trình kiểm tra tình hình thi hành pháp luật xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh. Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố đã kịp thời tham mưu, ban hành các kế hoạch triển khai công tác xử lý vi phạm hành chính năm 2022. Công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính đã được tăng cường thông qua việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và tiến hành kiểm tra công tác xử lý VPHC.

Thực hiện rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; hướng dẫn vướng mắc trong thi hành pháp luật xử lý VPHC cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.v.v. Tham gia ý kiến với Sở Xây dựng về xử phạt VPHC lĩnh vực xây dựng; tham gia ý kiến về thẩm quyền trong việc xử lý VPHC của UBND huyện Nga Sơn đối với hành vi chiếm đất di tích và hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất di tích. Tổ chức 4 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính cho gần 1.200 cán bộ, công chức.

Năm 2022, Sở Tư pháp đã thẩm định 32 hồ sơ đề nghị xử phạt VPHC thuộc thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh trong các lĩnh vực khoáng sản, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và quản lý vật liệu nổ .v.v.

Công tác quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật

Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 28/01/2022 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2022; Quyết định 1018/QĐ-UBND ngày 22/3/2022 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2022. Sở Tư pháp đã hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và triển khai, tổ chức thực hiện. Thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật. Báo cáo tình hình triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Luật khoa học và công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử.

Đoàn kiểm tra liên ngành về theo dõi thi hành pháp luật đã kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; tình hình thi hành pháp luật trong tự chủ đại học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tình hình thi hành pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại các đơn vị: Sở Giao thông vận tải, Trường Đại học văn hóa thể thao và Du lịch, Trường Đại học Hồng Đức và UBND các huyện Hà Trung, Yên Định, Mường Lát, Nông Cống.

Công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)

Công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn và xác định công tác PBGDPL là giải pháp thúc đẩy đưa pháp luật vào cuộc sống. Trong năm, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản, kế hoạch triển khai, hướng dẫn công tác PBGDPL năm 2022. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về công tác PBGDPL. UBND tỉnh đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2022; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 10 tập thể, 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, như tổ chức hội nghị, treo băng zôn, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật, điển hình như Sở Tư pháp đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp bằng hình thức thi viết .v.v.

Trong năm 2022, các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu, tổ chức nhiều mô hình mới, cách làm hay hiệu quả về PBGDPL như: Tiếp tục duy trì, triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị, qua facebook, zalo, youtube; tăng cường công tác PBGDPL trên hệ thống loa truyền thanh, biên soạn tài liệu pháp luật, tờ rơi, tờ gấp pháp luật[6]. Đặc biệt một số địa phương đã có những cách làm mới, hiệu quả[7] trong công tác PBGDPL; quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động PBGDPL; chú trọng phát động phong trào thi đua, khen thưởng trong công tác PBGDPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Trang thông tin PBGDPL tỉnh (địa chỉ http://pbgdpl.thanhhoa.gov.vn) thường xuyên cập nhật kịp thời các tài liệu PBGDPL, tình huống pháp luật, hỏi đáp pháp luật, các tin, bài phản ánh các hoạt động PBGDPL .v.v..

Năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức 19 hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho 4.485 lượt cán bộ, công chức, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL. Sở đã phối hợp với Ban dân tộc; Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh; Hội Nông dân tỉnh triển khai 8 hội nghị tập huấn pháp luật cho đồng bào dân tộc    thiểu số. Các cấp, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL, năm 2022 các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tổ chức 546 hội nghị PBGDPL cho gần 20.000 lượt người; cấp huyện tổ chức 561 hội nghị PBGDPL cho 48.760 lượt người; cấp xã tổ chức 2.733 hội nghị PBGDPL cho 212.939 lượt người tham dự. 

Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và cấp huyện đã được kiện toàn theo đúng thành phần quy định tại Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và đã ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng (Quyết định               số 1274/QĐ-HĐPH ngày 13/4/2022). Năm 2022, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức 02 hội nghị triển khai các văn bản mới đến cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã thành lập 3 Đoàn kiểm tra và đã kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật tại 3 sở, ngành và 6 UBND cấp huyện.

Sở Tư pháp đã phối hợp với Báo Thanh Hóa thực hiện chuyên mục “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật", "Pháp luật - đời sống"; phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh đăng 200 tin, bài, phóng sự trên chuyên mục "Nhà nước và pháp luật".v.v. Các cơ quan, đơn vị đã quan tâm, biên soạn và phát hành cuốn hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật .v.v. để cấp phát cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nội dung tài liệu PBGDPL phong phú, đa dạng, dễ hiểu, đã được đông đảo nhân dân tiếp nhận đón đọc, tìm hiểu. 

Năm 2022, Sở Tư pháp đã cấp phát 61.000 tờ gấp pháp luật, 1.870 cuốn tài liệu cẩm nang pháp luật, sổ tay pháp luật; phát hành 2.400 cuốn Bản tin tư pháp. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 59 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 16.145 lượt người dự thi; cấp phát trên 96.200 bản tài liệu PBGDPL.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 130 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 592 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 6.715 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PBGDPL, cập nhật kiến thức pháp luật mới luôn được Sở Tư pháp quan tâm, năm 2022 đã tổ chức 12 Hội nghị cho gần 4.000 người làm công tác PBGDPL.

Công tác hòa giải cơ sở

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh; Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức 06 hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho 1.800 đại biểu làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải, tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở. Toàn tỉnh có 4.339 tổ hoà giải với 26.669 hoà giải viên ở cơ sở. Năm 2022 đã tiếp nhận 3.584 việc; thực hiện hòa giải thành được 2.985 việc; đạt tỷ lệ 83%. UBND. Kinh phí hỗ trợ cho các tổ hòa giải là 386 triệu đồng.

c) Kết quả thực hiện quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật

Sở Tư pháp đã tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiệm vụ xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Kiểm tra công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Hậu Lộc và thị xã Nghi Sơn. Tổ chức 9 hội nghị tập huấn chuyên sâu, hướng dẫn nghiệp vụ chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 2.895 đại biểu. Biên soạn và phát hành  61.500 tờ gấp pháp luật với nội dụng “Quy trình tự đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã, phường, thị trấn” để cấp phát cho cán bộ và nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, Sở Tư pháp đã tham gia đánh giá, thẩm định tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật với xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 18 xã. Toàn tỉnh hiện có 484 xã và 87 phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỉ lệ 88.5%. 

Công tác hộ tịch

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện đúng quy định của Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành; đặc biệt là các văn bản pháp luật mới được ban hành trong lĩnh vực hộ tịch[8]. 100% UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện đăng ký hộ tịch điện tử mức độ 3, mức độ 4. Triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP) trong lĩnh vực hộ tịch, Sở Tư pháp đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện thủ tịch hành chính liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch được Sở Tư pháp triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 trên địa bàn tỉnh. Công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá được thực hiện kịp thời. Trong năm 2022, số trẻ em đăng ký khai sinh quá hạn giảm 758 trường hợp so với năm 2021; số đăng ký khai sinh quá hạn chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tăng cường thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch. Việc thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã được UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện theo kế hoạch đã ban hành. Để thực hiện việc số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh hoàn thành theo kế hoạch, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề cương và dự toán chi tiết số hóa dữ liệu hộ tịch; trước mắt năm 2023 sẽ thực hiện tại 3 huyện.

Kiểm tra công tác hộ tịch, chứng thực và công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 tại 7 huyện, thị xã, thành phố. Sở đã chú trọng công tác hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch, đăng ký nuôi con nuôi cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Phối hợp với các các cơ quan xác minh việc đăng ký hộ tịch 05 trường hợp, tổ chức lễ giao nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài cho 01 trường hợp. Tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch, số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch, công tác nuôi con nuôi, chứng thực cho hơn 1.400 người. 

Năm 2022, UBND cấp huyện đã cấp Giấy chứng nhận kết hôn có yếu tố nước ngoài 222 trường hợp; đăng ký khai sinh 79 trường hợp; đăng ký khai tử 4 trường hợp. UBND cấp xã đã đăng ký khai sinh 60.881 trường hợp; khai tử 27.607 trường hợp; đăng ký kết hôn 23.120 cặp.

 Công tác quốc tịch

Sở Tư pháp đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật Quốc tịch; Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch. Động viên, khuyến khích những người Lào có nguyện vọng nhập quốc tịch       Việt Nam.

Công tác nuôi con nuôi

Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nhà nước về nuôi con nuôi, triển khai Luật Nuôi con nuôi và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật nuôi con nuôi. Các vướng mắc liên quan đến công tác nuôi con nuôi được phản ánh đều được Sở Tư pháp và UBND cấp huyện tháo gỡ, giải quyết kịp thời, đảm bảo việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng thẩm quyền, thủ tục; lưu trữ hồ sơ nuôi con nuôi đúng quy định.

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 04 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, đều thuộc trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ làm con nuôi. Công tác lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 04 cháu là trẻ khuyết tật thuộc Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 cần tìm gia đình thay thế; năm 2022 không có danh sách bổ sung. UBND cấp xã đã thực hiện đăng ký nuôi con nuôi 78 trường hợp.

 Công tác chứng thực: UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. UBND cấp huyện và cấp xã đã triển khai thực hiện công tác chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Năm 2022, Phòng Tư pháp đã thực hiện chứng thực: 29.739 bản sao từ bản chính; 143 chữ ký, 709 chữ ký người dịch. UBND cấp xã chứng thực 2,1 triệu bản sao từ bản chính 103.556 chữ ký và 48.709 hợp đồng, giao dịch. Một số địa phương có số lượng chứng thực bản sao điện tử tăng cao như: Yên Định (6.929 bản), Quảng Xương (5.660 bản), Như Xuân (4.182 bản), Thành phố Thanh Hóa (4.020 bản) Mường Lát (3.248 bản).  

Công tác Lý lịch tư pháp (LLTP): Sở Tư pháp đã tăng cường phối hợp với Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xác minh hồ sơ để cấp phiếu LLTP cho công dân; đồng thời thực hiện các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện để giải quyết việc cấp phiếu LLTP trước hạn và đúng hạn cho công dân. 

Năm 2022, Sở Tư pháp đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu LLTP 25.322 hồ sơ. Tiếp nhận 45.629 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP;  số phiếu đã cấp 42.190 phiếu LLTP (tăng 22.362 phiếu so với cùng kỳ năm 2021); trên 90% hồ sơ đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến.

Công tác bồi thường nhà nước: Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2022, ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác bồi thường nhà nước; hướng dẫn các sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào yêu cầu bồi thường nhà nước.

Quản lý nhà nước về giám định tư pháp

Sở Tư pháp đã thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ Giám định viên tư pháp cho 07 trường hợp. Tổ chức hội nghị các giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh để trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp và đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác giám định trong thời gian tới. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc (Chi cục bảo vệ môi trường và Chi cục biển và hải đảo thuộc Sở Tài nguyên và môi trường). Hiện nay có 61 giám định tư pháp (trong đó giám định viên Kỹ thuật hình sự 33 người, giám định viên pháp y 3 người; 25 người giám định viên vụ việc). Các tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện 5.100 việc (Trung tâm pháp y 1.968 việc; Kỹ thuật hình sự 3.132 vụ việc).

Quản lý nhà nước về luật sư và tư vấn pháp luật

Sở Tư pháp đã phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển nghề luật sư, Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2022, Sở Tư pháp đã thẩm định hồ sơ và trình Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư 08 trường hợp; cấp giấy đăng ký hoạt động 01 tổ chức, cấp lại giấy đăng ký hoạt động 11 tổ chức, thu hồi giấy đăng ký hoạt động 02 tổ chức; kiểm tra 02 tổ chức hành nghề luật sư.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 39  tổ chức hành nghề luật sư gồm 11 Công ty luật, 15 Văn phòng luật sư và 13 Chi nhánh của các tổ chức hành nghề luật sư. Các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 728 việc (trong đó: tố tụng 98 việc, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác 312 việc, trợ giúp pháp lý 336 việc); thu thù lao 1,258 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 65 triệu đồng.

Quản lý nhà nước về công chứng 

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1276/QĐ-UBND ngày 14/4/2022 về phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh; Quyết định thành lập 02 Văn phòng Công chứng (VPCC Nguyễn Thị Minh Lý và VPCC Trương Ngọc Tuấn). Sở Tư pháp đã tiếp tục tăng cường công tác quản lý‎ nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh và đề ra những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản l‎ý nhà nước đối với hoạt động công chứng. Triển khai kịp thời các văn bản có liên quan đến công chứng. Chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng cung cấp thông tin hợp đồng, giao dịch chuyển nhượng QSDĐ để rà soát, chống thất thu thuế trong chuyển nhượng QSDĐ.

Hội Công chứng viên đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng cho toàn thể công chứng viên và nhân viên của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý hồ sơ, cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh; cập nhật kịp thời, đầy đủ các hồ sơ công chứng trên Phần mềm quản lý hồ sơ, dữ liệu công chứng. 

Sở Tư pháp đã kiểm tra 08 Văn phòng công chứng; kiểm tra việc cập nhật dữ liệu hồ sơ công chứng của 51 tổ chức hành nghề công chứng. Đăng ký tập sự hành nghề công chứng cho 13 trường hợp; đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự cho 48 trường hợp; cấp lại Giấy đăng ký cho hoạt động 20 Văn phòng Công chứng và ghi nhận việc thay đổi nội dung  đăng ký hoạt động của 20 Văn phòng Công chứng.

Toàn tỉnh hiện có 53 tổ chức hành nghề công chứng với 94 công chứng viên. Năm 2022, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 208.192 hợp đồng giao dịch (tăng 41.262 hợp đồng, giao dịch so với cùng kỳ năm 2021); chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký 264.385 trường hợp. Thu phí công chứng, chứng thực gần 63,5 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 5,74 tỷ đồng.

 Quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản

 Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý‎ nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản, trọng tâm là công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Do đó, năm 2022 công tác đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá và trong việc tổ chức các cuộc đấu giá tài sản.v.v.

Năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị chuyên đề: "Những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật về đấu giá tài sản và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”. Đồng thời, Sở Tư pháp đã có những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản l‎ý nhà nước đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bản tỉnh. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu giá tài sản; quán triệt, triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Tham mưu cho UBND tỉnh uỷ quyền phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất của 13 huyện, thị xã, thành phố. Thẩm định hồ sơ và cấp đăng ký hoạt động cho 03 Chi nhánh công ty đấu giá, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động cho 08 Công ty đấu giá; cấp Giấy đăng ký hoạt động cho 04 Chi nhánh công ty đấu giá tài sản; thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của 01 Công ty đấu giá (Công ty đấu giá hợp danh Đức Minh); đăng ký tập sự hành nghề đấu giá 9 trường hợp; đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá 17 trường hợp. Kiểm tra tổ chức và hoạt động 5 tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.

Toàn tỉnh hiện có 40 tổ chức đấu giá tài sản (trong đó có 27 công ty, 12 chi nhánh, 01 Trung tâm đấu giá tài sản) với 54 đấu giá viên. Năm 2022, các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đã tổ chức 638 cuộc đấu giá (giảm 116 cuộc so với cùng kỳ năm 2021); trong đó, đã tổ chức đấu giá thành 391 cuộc (giảm 152 cuộc so với cùng kỳ năm 2021). Giá khởi điểm gần 4.367 tỷ đồng; giá bán 6.016 tỷ đồng; bán vượt so với giá khởi điểm 1.649 tỷ đồng; thu thù lao dịch vụ đấu giá 19,69 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,21 tỷ đồng.

Quản lý nhà nước về Thừa phát lại, quản tài viên

Sở Tư pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2021-2025”; tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thừa phát lại; đã tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại năm 2022. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 Văn phòng thừa phát lại, năm 2022 đã thực hiện đăng ký 425 vi bằng (tăng 257 vi bằng so với cùng kỳ năm 2021); đã tống đạt 32.209 văn bản (tăng 30.161 văn bản so với cùng kỳ năm 2021); doanh thu đạt gần 4 tỷ đồngnộp ngân sách nhà nước 1,2 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thực hiện 4 việc.

Công tác Trợ giúp pháp lý

Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật TGPL, Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025; Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 11/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Trung tâm TGPL đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh .v.v. trong việc giới thiệu đối tượng được TGPL. Trung tâm TGPL đã phối hợp với Báo Thanh Hóa mở chuyên mục “Thông tin về trợ giúp pháp lý”; theo đó, mỗi tháng Báo Thanh Hóa sẽ viết 01 bài về 01 vụ việc TGPL nổi bật do các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện; đưa tin về hoạt động TGPL, qua đó để nhiều người dân biết về hoạt động TGPL. Phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình xây dựng 02 phóng sự về hoạt động TGPL.

Thực hiện Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân; Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, Trung tâm TGPL tiếp tục chú trọng thực hiện TGPL đối với vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng, hiệu quả TGPL ngày càng tăng cao. Năm 2022, Trung tâm TGPL đã thực hiện 1210 vụ việc (trong đó thụ lý trong năm 2022 là 712 vụ việc, năm 2021 chuyển qua là 498 vụ việc). Số vụ việc hoàn thành là 573 vụ việc, với 573 người được TGPL. Thực hiện TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính 32 vụ việc, với 32 người được TGPL.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng TGPL, năm 2022 Trung tâm TGPL đã thành lập Hội đồng đánh giá chất lượng vụ việc và đã tổ chức đánh giá chất lượng 573 vụ việc hoàn thành (đạt 100%). Kết quả: số vụ việc đạt chất lượng tốt 539 vụ việc (chiếm tỷ lệ 94%); số vụ việc đạt chất lượng 34 vụ việc (chiếm tỷ lệ 6%); không có vụ việc không đạt chất lượng.

Công tác xây dựng Ngành, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua khen thưởng

Việc hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp theo quy định của Chính phủ, của Bộ Tư pháp đã được UBND tỉnh, UBND cấp huyện quan tâm, tổ chức thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp; UBND cấp huyện đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp. Sở Tư pháp đã kiện toàn cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Sở, hiện có 6 phòng và 4 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở (giảm 01 phòng sau khi kiện toàn, giảm 01 đơn vị sự nghiệp sát nhập Phòng Công chứng số 3 vào Phòng Công chứng số 1).

Đội ngũ cán bộ Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - hộ tịch tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 81 công chức Phòng Tư pháp và 915 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luôn được Sở Tư pháp quan tâm, tổ chức thực hiện. Năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức 16 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tư pháp. Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan được thực hiện nghiêm túc; công tác báo cáo, thống kê có nhiều đổi mới, phục vụ hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của Sở, ngành Tư pháp. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2022, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 45.985 hồ sơ TTHC (tăng 25.327 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2021); tỷ lệ giải quyết TTHC trước hạn và đúng hạn đạt 99,99%. Tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến của Sở Tư pháp đạt 98,6%. 

Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

Năm 2022, Thanh tra Sở đã tiếp 15 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Tiếp nhận 35 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị; trong đó có 12 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp (lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản, luật sư), đã xác minh, giải quyết xong đạt 100%; 23 đơn không thuộc thẩm quyền, đã hướng dẫn công dân và chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Sở Tư pháp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, vi phạm của các tổ chức, cá nhân; qua đó chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, phòng ngừa vi phạm, tiêu cực trong hoạt động của Ngành. Ban hành kịp thời văn bản đôn đốc, yêu cầu báo cáo việc thực hiện các kết luận thanh tra.

Năm 2022, Thanh tra Sở đã thanh tra theo kế hoạch 26 cuộc, gồm: lĩnh vực đấu giá tài sản 9 cuộc (UBND cấp huyện 5 cuộc và công ty đấu giá tài sản4 cuộc); lĩnh vực công chứng 10 cuộc; lĩnh vực luật sư 1 cuộc; lĩnh vực thừa phát lại 1 cuộc; lĩnh vực hộ tịch, chứng thực 4 cuộc (tại 2 UBND cấp huyện và 2 UBND cấp xã); thanh tra hành chính 01 cuộc (công tác phòng, chống tham nhũng tại Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở). Thanh tra đột xuất 2 văn phòng công chứng.

Qua công tác thanh tra, Sở Tư pháp đã ban hành 7 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (lĩnh vực công chứng 5 quyết định, lĩnh vực đấu giá 2 quyết định) đối với 2 tổ chức và 4 cá nhân; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 95 triệu đồng. Đồng thời, tước thẻ công chứng viên có thời hạn đối với 2 công chứng viên; đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy kết quả đấu giá một lô đất ở khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện nghiêm túc. Thực hiện việc kê khai tài sản cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai tài sản theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018. Thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của nhà nước trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan; thực hiện đúng quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; công khai kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.v.v.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Sở, ngành Tư pháp. Sở Tư pháp và các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; triển khai thực hiện số hóa sổ hộ tịch theo kế hoạch; khai thác và thực hiện có hiệu quả hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử và các dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử, các phần mềm cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp. 

Các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp theo quy định tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày 10/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành  Kế hoạch "Chuyển đổi số Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Đánh giá chung năm 2022, công tác Tư pháp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các chương trình, kế hoạch công tác và các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các nhiệm vụ của ngành Tư pháp ngày càng đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Ngành đã tăng cường cải cách hành chính trong hoạt động, đã phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và tổ chức.

Trong kết quả nêu trên có một số kết quả nổi bật là: Công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc xử lý, giải quyết các vụ việc pháp luật cụ thể tại địa phương; Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc xử lý, giải quyết các vụ việc. Công tác thẩm định, tham gia ý kiến dự thảo văn bản đã được HĐND, UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Công tác ban hành văn bản trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành văn bản. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã triển khai đầy đủ, kịp thời các Luật mới được thông qua; thực hiện có hiệu quả quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần công nhận các xã đạt nông thôn mới đảm bảo thời gian. Hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp ngày càng nề nếp, chuyên nghiệp hơn và đã phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của công dân. Công tác Hành chính tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc thực hiện số hóa hộ tịch được thực hiện theo đúng kế hoạch; công tác quản lý, đăng ký hộ tịch đã đi vào nền nếp. Thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý; tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng tăng cao.

 Những kết quả nêu trên của ngành Tư pháp đã góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

 

Tại Hội nghị đã có 09 ý kiến phát biểu từ các đồng chí trưởng phòng Tư pháp các huyện cũng như trưởng phòng nghiệp vụ của Sở để làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được đồng thời có kiến nghị những giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới. 

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã xác định các giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2023 như:

Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó chú trọng chỉ đạo, triển khai các chương trình, kế hoạch công tác, có tính khả thi cao, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương và chương trình công tác của Ngành. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các kế hoạch công tác đã ban hành. Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ đối với tư pháp cơ sở.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở. Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác.

- Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. 

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc. Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong khi giải quyết yêu cầu của người dân, nhất là trong các lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản, hộ tịch, lý lịch tư pháp.

- Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc và thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

      Để ghi nhận những kết quả đạt được đồng thời kịp thời động viên những cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2022, tại Hội nghị Lãnh đạo Sở Tư pháp đã khen thưởng cho các cá nhân và tập thể. Đối với các cá nhân, tập thể tại Sở Tư pháp, Giám đốc Sở đã khen thưởng cho 6 tập thể và 33 cá nhân có thành tích xuất sắc, Đối với các cá nhân, tập thể thuộc Tư pháp cấp huyện và Tư pháp cấp xã, Giám đốc Sở đã tặng Giấy khen cho 11 tập thể và 24 cá nhân.

          Tại Hội nghị Giám đốc Sở Tư pháp đã phát động thi đua năm 2023 trong toàn ngành Tư pháp đồng thời kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp với nỗ lực, quyết tâm cùng trách nhiệm cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực cùng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.


TIN KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC



Email không được để trống và đúng định dạng.