THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

Huyện Hoằng Hóa quan tâm công tác triển khai Luật mới và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn

Ngày tạo:  07/04/2023 15:10:43
Sáng ngày 7 tháng 4 năm 2023, tại hội trường UBND xã Hoằng Đạo, UBND huyện Hoằng Hóa đã tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn.

      Để thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thanh Hóa theo Công văn số 132/HĐPH-STP ngày 31 tháng 01 năm 2023 về phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 4, kỳ họp bất thường lần thứ hai và  Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2023 của UBND huyện Hoằng Hóa về triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023. Qua đó tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn huyện; Sáng ngày 07 tháng 4 năm 2023, tại hội trường UBND xã Hoằng Đạo, UBND huyện Hoằng Hóa đã tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn.

          Hội nghị có sự tham dự của hơn 250 đại biểu là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, báo cáo viên pháp luật cấp huyện; Đại diện lãnh đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn; công chức Tư pháp - hộ tịch, Văn phòng - thống kê; tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. 

         Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Huyện ủy viên, Phó chủ tịch UBND huyện, chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Hoằng Hóa đã nêu cao ý nghĩa của việc triển khai các văn bản luật mới đối với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, đây là hai văn bản Luật đều mới được Quốc hội khóa XV thông qua tài kỳ họp thứ 4 và sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2023 và đây là hai văn bản luật hết sức quan trọng gắn liền với đời sống của nhân dân và chính quyền cơ sở. Thời gian phải thực thi các văn bản luật này đã tới gần nên việc triển khai luật là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc hiểu đúng quy định để triển khai thực hiện trong chính quyền và nhân dân tại cơ sở là điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như trên địa bàn toàn huyện, đồng thời đồng chí khẳng định Hội nghị còn triển khai chuyên đề về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để các báo cáo viên, tuyên truyền viên nâng cao khả năng tuyên truyền pháp luật vào cuộc sống, sẽ góp phần thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn. Qua đó đồng chí đã yêu cầu các đại biểu tập trung tiếp thu những kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao nhận thức pháp luật cũng như khả năng tuyên truyền pháp luật áp dụng vào công tác thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.

          Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Phan Văn Đại, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, Trưởng phòng phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp Thanh Hóa, trình bày các chuyên đề về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.

          Đối với nội dung về chuyên đề Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, báo cáo viên đã chỉ ra những lý do Quốc hội ban hành Luật. Đồng chí đã khái quát Luật số 10/2022/QH15 Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 6 Chương, 91 Điều, quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV. Việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị bao gồm việc công khai thông tin tại cơ quan, đơn vị; những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn, quyết định và tham gia ý kiến; nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan, đơn vị. Đặc biệt Báo cáo viên đã phân tích rõ các nội dung quy định việc thực hiện dân chủ ở sở ở xã, phường, thị trấn của Luật so với Pháp lệnh số 34 ở các nội dung như: Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn (Những nội dung công khai;  Hình thức công khai thông tin; Thời điểm công khai thông tin); Nhân dân bàn và quyết định (Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định;  Hình thức Nhân dân bàn và quyết định; Quyết định của cộng đồng dân cư); Nhân dân tham gia ý kiến (Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; Hình thức Nhân dân tham gia ý kiến; Trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia ý kiến về các nội dung ở xã, phường, thị trấn); Nhân dân kiểm tra, giám sát (Nội dung kiểm tra, giám sát; Hình thức kiểm tra, giám sát; Ban Thanh tra Nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng).

          Đối với chuyên đề về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, báo cáo viên đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, đồng thời so sánh những bất cập và đòi hỏi của tình hình mới đối với các quy định của pháp luật, xuất phát từ quan điểm của Đảng trong việc chỉ đạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, những căn cứ của pháp luật nhất là bản Hiến pháp năm 2013 và tình hình thực tiễn đã đặt ra vấn đề Quốc hội phải sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007. Đặc biệt Báo cáo viên đã chỉ ra những điểm mới cơ bản của Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 so với Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 như: Ngay từ khai niệm về bạo lực gia đình, Luật đã bổ sung cụm từ tình dục vào khai niệm bạo lực gia đình, những hành vi bạo lực gia đình mới được bổ sung, mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài quan hệ hôn nhân; Bổ sung hình thức tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình; Bổ sung nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình; Bổ sung biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình;  Người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải trồng cây, quét đường;  Tòa án được quyền tự ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc;  Bổ sung cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình…

          Đối với chuyên đề về kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật, đồng chí Cao Văn Phương, Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh thuộc Sở Tư pháp Thanh Hóa đã truyền đạt tới Hội nghị những quy định của pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng chí nhấn mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật thuộc nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và đảm bảo việc truyền tải pháp luật vào cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực trong đó phát huy vai trò của các báo cáo viên, tuyên truyền viên trong việc phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời đồng chí cũng chỉ ra những kỹ năng trong việc xây dựng bài giảng, kỹ năng xây dựng tài liệu tập huấn, kỹ năng về thuyết trình pháp luật cũng như các kỹ năng trong việc xử lý các tình huống có thể báo cáo viên bắt gặp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật…

          Sau 1/2 ngày tổ chức Hội nghị, các nội dung đã được các báo cáo viên truyền tải tới Hội nghị, các đại biểu đã có những trao đổi thực tiễn việc triển khai các nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện dân chủ ở cơ sở và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, những trao đổi về nghiệp vụ đã được các báo cáo viên giải đáp đầy đủ, định hướng về chuyên môn để các đại biểu có thể áp dụng ngay vào thực tiễn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở được các đại biểu đặc biệt quan tâm nên có nhiều trao đổi, đơn cử như nội dung sắp tới UBND cấp xã phải thực hiện nhiệm vụ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu mong muốn các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được ban hành kịp thời cũng như có sự hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn để UBND cấp xã thực hiện được tốt các nội dung này, đảm bảo thiết thực và đáp ứng đúng tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng của Luât Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

          Kết Thúc Hội nghị đồng chí Đoàn Văn Bằng, Trưởng phòng Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Hoằng Hóa đã phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí đánh giá Hội ghị đã thành công tốt đẹp, với nhiều nội dung kiến thức đã được các báo cáo viên triển khai, đặc biệt các báo cáo viên đã lựa chọn những nội dung chuyên sâu, sát với thực tiễn ở cơ sở để phân tích, làm rõ cũng như định hướng về mặt chuyên môn, điều này giúp cho các đại biểu nắm rõ các quy định của pháp luật để triển khai trong thời gian tới. Đồng chí cũng cảm ơn các báo cáo viên đến từ Sở Tư pháp bằng năng lực và sự nhiết huyết đã giúp Huyện thực hiện nhiệm vụ triển khai các Luật mới cũng như nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị, các báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tiếp tục triển các nội dung đến với cán bộ và nhân dân ở cơ sở trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, để đảm bảo các quy định của pháp luật được thực hiện thống nhất và đầy đủ./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.