THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

SỞ TƯ PHÁP THANH HÓA QUAN TÂM GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ

Ngày tạo:  17/04/2023 14:48:11
Ngày 14 tháng 4 năm 2023, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã tổ chức chương trình về nguồn do đồng chí Bùi Đình Sơn, Giám đốc, Bí thư Đảng bộ Sở Tư pháp Thanh Hóa dẫn đầu cùng các đồng chí Lê Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ tịch Công Đoàn Sở và các đồng chí đại diện cho các Phòng, đơn vị chuyên môn, đại diện nữ công, công đoàn, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Sở cùng tham gia.

        Ngày 17 tháng 5 năm 1983, Sở Tư pháp Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở Quyết định số 326-TC/UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập hệ thống tổ chức bộ máy Tư pháp trên địa bàn tỉnh. Ở cấp tỉnh thành lập Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý thống nhất các công việc về Tư pháp, pháp chế với các nhiệm vụ: quản lý thống nhất việc ban hành văn bản pháp quy và hướng dẫn thi hành pháp luật; quản lý về mặt tổ chức các tòa án nhân dân huyện, thị; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ nghiệp vụ. Cấp huyện thành lập phòng Tư pháp huyện, thị xã với các nhiệm vụ được giao là: quản lý thẩm tra công tác ban hành văn bản pháp quy; hướng dẫn về pháp lý cho các hợp tác xã, các đơn vị kinh tế xây dựng các nội quy, quy chế; bồi dưỡng nghiệp vụ các ban Tư pháp xã, phường, thị trấn; củng cố kiện toàn các ban hòa giải; thực hiện công tác chấp hành án. Phối hợp với các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công dân ở xã, phường, thị trấn. Ở cấp xã, thành lập Ban Tư pháp do đồng chí Phó chủ tịch xã là Trưởng ban, có nhiệm vụ giúp UBND xã thực hiện công tác Tư pháp ở cơ sở và tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhân dân.

         Với nhiệm vụ được giao bốn mươi năm qua, Sở Tư pháp Thanh Hóa luôn phấn đấu xây dựng và phát triển có những lúc thăng trầm theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Song vượt lên trên tất cả Sở Tư pháp Thanh Hóa không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Thời kỳ đầu mới được thành lập Sở Tư pháp được giao 6 nhiệm vụ, đến nay đã được giao 36 nhiệm vụ, đây là trọng trách hết sức nặng nề. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, bộ máy tổ chức của ngành cũng được tăng cường củng cố và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Khi mới thành lập bộ máy của Sở chỉ có một Giám đốc và 4 phòng nghiệp vụ với 12 cán bộ, đến nay Sở Tư pháp Thanh Hóa đã có 6 phòng và 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc vơi tổng số 120 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thời kỳ đầu, Sở chỉ có 30% cán bộ tốt nghiệp đại học, đến nay đã có 100% cán bộ tốt nghiệp đại học Luật hoặc đại học khác. Nhiều đồng chí có bằng Thạc sỹ Luật, cử nhân, cao cấp chính trị, là Chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính. Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong cơ quan cũng ngày càng được củng cố, kiện toàn nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động. Khi mới thành lập Sở Tư pháp có 1 Chi bộ và 6 đảng viên, hiện nay là Đảng bộ với 8 Chi bộ trực thuộc gồm 67 đảng viên. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Chi hội luật gia được thành lập và phát triển vững mạnh.

        Trong 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới Thanh Hóa đã có những bước phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng. Những thành tựu đó, có sự chung vai, góp sức tích cực của ngành Tư pháp nói chung và Sở Tư pháp Thanh Hóa nói riêng. Với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức cách mạng, ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao về chuyên môn, nhiệt tình, tận tâm trong thi hành công vụ với tinh thần đoàn kết, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã từng bước vươn lên, gặt hái nhiều thành tựu, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra. Những thành tựu đạt được trong công tác Tư pháp thời gian qua là những điểm nhấn, những mốc son đánh dấu và khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh không ngừng của ngành Tư pháp tỉnh nhà, tạo được niềm tin yêu, ghi nhận và đánh giá cao của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Những kết quả đạt được toàn diện trên tất cả các mặt như: Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Công tác hành chính tư pháp; Công tác bổ trợ tư pháp; Công tác trợ giúp pháp lý; Thanh tra; Văn phòng…. một trong những nguyên nhân của thành công đó xuất phát từ việc các thế hệ lãnh đạo Sở Tư pháp luôn quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng và truyền thống ngành Tư pháp cho thế hệ trẻ, qua đó đã hun đúc và xây dựng đội ngũ cán bộ yêu ngành, yêu nghề và tự hào về truyền thống Ngành Tư pháp - Phụng công thủ pháp.

          Để tiếp tục giáo dục truyền thống vẻ vang, qua đó khơi dậy cho thế hệ trẻ Sở Tư pháp Thanh Hóa hôm nay viết tiếp những trang sử mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức Sở Tư pháp Thanh Hóa đã xây dựng trong 40 năm qua, ngày 14 tháng 4 năm 2023, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã tổ chức chương trình về nguồn do đồng chí Bùi Đình Sơn, Giám đốc, Bí thư Đảng bộ Sở Tư pháp Thanh Hóa dẫn đầu cùng các đồng chí Lê Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ tịch Công Đoàn Sở và các đồng chí đại diện cho các Phòng, đơn vị chuyên môn, đại diện nữ công, công đoàn, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Sở cùng tham gia. 

          Đoàn về nguồn của Sở Tư pháp Thanh Hóa đã thành kính dâng hương và báo công với Bác Hồ kính yêu tại khu di tích Lán Na Nưa, đồng thời Đoàn được nghe hướng dẫn viên của khu di tích nói về nhiều nội dung liên quan của khi di tích, trong đó Đoàn Đại biểu đặc biệt quan tâm đến sự kiện mà hướng dẫn viên kể về nội dung ngày 21-5-1945, sau 18 ngày đêm xuyên rừng, bắt đầu từ Khuổi Nậm- Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ về tới Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Điểm dừng chân đầu tiên của Bác khi tới Tân Trào là đình Hồng Thái. Sau khi nắm sơ bộ tình hình, địa thế dự kiến nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương, khoảng 16 giờ ngày 21-5-1945, Bác Hồ và các cán bộ cùng đi rời đình Hồng Thái vượt sông Phó Đáy vào thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Tại đây, theo sự bố trí của cán bộ lãnh đạo Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa Bác Hồ đến ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh của xã, nằm ở trung tâm thôn Tân Lập. Ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Sự giống như bao ngôi nhà của đồng bào Tày trong vùng được làm theo kiểu nhà sàn 3 gian, 2 chái, mái lợp lá cọ, diện tích 50m2. Gian giữa rộng hơn là nơi Bác ở và thường ăn cơm cùng gia đình. Gian ngoài phía cầu thang lên là nơi Bác Hồ làm việc, tiếp khách. Ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự khoảng một tuần, để bảo đảm bí mật và thuận tiện cho công việc, cuối tháng 5 năm 1945, Bác Hồ chuyển ra ở căn lán nhỏ trong khu rừng Nà Nưa, thuộc dãy núi Hồng (lán do Bác trực tiếp đi chọn địa điểm). Lán Nà Nưa nằm kín đáo dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật và đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Lán cách làng Tân Lập hơn 500 mét về hướng đông, cách lán chừng 80 mét là con đường mòn qua đèo De, sang Phú Đình- Định Hóa (Thái Nguyên); phía trước lán, dưới chân rừng Nà Nưa là dòng suối Khuôn Pén. Tại căn lán nhỏ, đơn sơ trong rừng Nà Nưa, Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945. Lán Nà Nưa được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, quay theo hướng đông tây, có 6 cột gỗ chôn xuống đất, không có vì kèo, mái lợp lá cọ, lán dài 4,20m, rộng 2,70m, chia làm 2 gian nhỏ (có vách ngăn giữa 2 gian): Gian ngoài rộng 1,97m, dài 2,70m là nơi Bác Hồ làm việc và tiếp khách; gian phía trong rộng 2,10m, dài 2,70m là nơi Bác nghỉ ngơi. Xung quanh lán được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, nửa phía trên vách đan để chừa những ô thoáng nhỏ để lấy ánh sáng. Ở chái phía tây có sàn (người Tày gọi là thích) để hai ống bương (bắng) nước. Mặt sàn bằng phên nứa đan nong mốt. Phía dưới, đầu sàn của lán là phiến đá rộng và phẳng, nơi Bác thường ngồi làm việc, đánh máy chữ mỗi khi trời tối. Tại lán Nà Nưa, Bác Hồ đã chỉ thị: Vùng giải phóng đã bao gồm 6 tỉnh (Cao Bằng- Bắc Kạn- Lạng Sơn- Hà Giang- Tuyên Quang- Thái Nguyên) địa thế nối liền với nhau nên thành lập khu căn cứ, lấy tên là Khu giải phóng; các lực lượng vũ trang sau khi thống nhất lại, lấy tên chung là Quân giải phóng; triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác. Chấp hành chỉ thị của Bác, ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh...Tân Trào được chọn làm “Thủ đô của Khu giải phóng”, trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam. Từ căn lán nhỏ Nà Nưa - từ Tân Trào mọi chỉ thị, nghị quyết về phương châm, đường lối, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp cả nước.

          Đoàn đại biểu Sở Tư pháp Thanh Hóa còn thành kính dâng hương tại khu Di tích lịch sử Bộ Tư pháp tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là một trong những khu di tích lịch sử cách mạng quan trọng tại chiến khu Việt Bắc, đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào tháng 7 năm 2005. Và đây cũng là nơi chứng kiến những dấu ấn quan trọng của Bộ Tư pháp thời kỳ đầu. Cho đến nay đây vẫn là địa điểm linh thiêng, nơi gìn giữ truyền thống của lực lượng tư pháp nước nhà.

          Về thăm các khu di tích gắn liền với lịch sử của ngành Tư pháp các đại biểu Sở Tư pháp Thanh Hóa không chỉ thành kính với các thế hệ đi trước đã đặt nền móng xây dựng ngành Tư pháp vững mạnh như ngày nay mà trong mỗi đại biểu đều có nhiều cảm xúc. Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Đoàn thanh niên Sở Tư pháp Thanh Hóa đã cho biết, đồng chí cảm thấy biết ơn các thế hệ lãnh đạo đã luôn quan tâm, giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển Sở Tư pháp Thanh Hóa phát triển và trưởng thành, và ngày hôm nay được đứng trước khu dích tích của Bộ Tư pháp đồng chí và thế hệ trẻ Sở Tư pháp càng nhận thức sâu sắc truyền thống vẻ vang của ngành và hứa sẽ quyết tâm cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để thế hệ trẻ xứng đáng với sự tin yêu của các thể hệ đi trước.

          

        Chương trình về nguồn chỉ một trong rất nhiều các chương trình, nội dung mà Sở Tư pháp Thanh Hóa triển khai để hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sở. Nhìn lại thành tựu 40 năm xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp Thanh Hóa là sự phản ánh tinh thần lao động, học tập, phấn đấu khắc phục mọi khó khăn gian khổ, vượt qua mọi thử thách của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành. Với những cố gắng và thành tích đạt được 40 năm qua, ngành Tư pháp Thanh Hóa đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Ba, Nhì và hạng Nhất. Nhiều tập thể, đơn vị, cá nhân trong ngành được tặng thưởng Huân chương lao động, Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và của UBND tỉnh. Phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa, chắc chắn sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.

 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.