Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp Huyện, thị và Sở, ngành (DDCI) được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và sở, ngành – những cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư.
Đối với chỉ số thành phần của DDCI được sử dụng nhằm đánh giá năng lực điều hành của cấp sở, ngành bao gồm 5 chỉ số cốt lõi như sau: 1. Hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch. 2. Chất lượng dịch vụ công. 3. Minh bạch thông tin và đối xử công bằng. 4. Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo sở, ngành. 5. Chi phí không chính thức. Bên cạnh đó, DDCI sở, ngành còn có thể được xây dựng bao gồm một số chỉ số thành phần mở rộng như: (i) Ứng dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử trong quản lý, điều hành; (ii) Chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công; (iii) Chú trọng tới phát triển bền vững và bao trùm trong quản lý, điều hành.
Đối với chỉ số thành phần của DDCI được sử dụng nhằm đánh giá năng lực điều hành của cấp huyện gồm 10 chỉ số cốt lõi như sau: 1. Chi phí gia nhập thị trường. 2. Khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh. 3. Chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra. 4. Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện. 5. Hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình. 6. Minh bạch thông tin và đối xử công bằng. 7. Hiệu quả cải cách TTHC, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả của bộ phận một cửa. 8. Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh. 9. Chi phí không chính thức. 10. Hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn. Bên cạnh đó, DDCI cấp huyện còn có thể được xây dựng bao gồm một số chỉ số thành phần mở rộng như: (i) Ứng dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử trong quản lý, điều hành; (ii) Chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công; (iii) Hiệu quả của thủ tục thuế; và (iv) Chú trọng tới phát triển bền vững và bao trùm trong quản lý, điều hành.
Chiều ngày 24/4/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa năm 2022.
Theo kết quả công bố Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2022, về điểm số hai khối sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đều có sự cải thiện tích cực so với năm 2021.
Về bảng xếp hạng, khối các đơn vị sở, ban, ngành có 7 đơn vị xếp hạng tốt gồm: Cục Hải quan, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Thanh tra tỉnh. Có 8 đơn vị được xếp thứ hạng khá; 6 đơn vị xếp ở thứ hạng trung bình và 1 đơn vị xếp hạng chưa tốt.
Đối với khối các huyện, thị xã, thành phố, có 6 đơn vị xếp ở nhóm tốt gồm UBND các huyện: Thọ Xuân, Như Thanh, Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Quảng Xương. Có 11 đơn vị được xếp thứ hạng khá; 9 đơn vị xếp ở thứ hạng trung bình. Đơn vị đứng cuối bảng là thị xã Nghi Sơn với 48,60 điểm.
Như vậy, với kết quả vừa được công bố Sở Tư pháp Thanh Hóa nằm trong tốp đầu các đơn vị được xếp tốt, đồng thời đây là năm thứ 2 liên tiếp Sở Tư pháp Thanh Hóa đứng ở vị trí này ( năm 2021, Sở Tư pháp là một trong 5 đơn vị xếp hạng tốt gồm: Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh). Kết quả đó có được là do sự quan tâm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị trong quá trình thực hiện công tác quản lý, điều hành hiệu quả các nội dung: thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch. Chất lượng dịch vụ công. Minh bạch thông tin và đối xử công bằng. Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo sở, ngành. Chi phí không chính thức... Đảm bảo phục vụ doanh nghiệp và người dân một cách tốt nhất./.
Lâm Anh |
File đính kèm |