Hiện nay đang cho thấy, trong hoạt động Công chứng còn nhiều bất cập như chất lượng công chứng viên chưa đồng đều, hạn chế về kỹ năng hành nghề, kỹ năng nhận diện các hành vi giả mạo, lừa đảo trong hoạt động Công chứng, quản trị, điều hành…….lý do một phần do chưa thực hiện hết trách nhiệm nghề nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa công tác xã hội hóa đã được thúc đẩy một cách mạnh mẽ, đã có hơn 50 tổ chức hành nghề Công chứng được thành lập. Nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho các tổ chức hành nghề công chứng và Công chứng viên, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu theo quy định của Luật Công chứng 2014. Song, vẫn còn đó những hạn chế cần khắc phục như vẫn còn tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên chưa thực hiện đúng quy định của Pháp luật (còn nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến việc công chứng cần phải xử lý).
Bên cạnh đó việc giấy tờ giả, giả mạo chủ thể tham gia giao dịch ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, nhiều trường hợp Công chứng viên không thể phát hiện. Dù Sở Tư pháp đã mời các cơ quan pháp luật liên quan tổ chức tập huấn về việc nhận biết giấy tờ giả, nhận diện con người cũng như đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt trong khâu kiểm chứng giấy tờ công chứng những vấn đề đó vẫn còn diễn ra, có trường hợp phôi thật thông tin giả và phôi giả thông tin thật. Điều đó dẫn đến một số công chứng viên có phần e ngại, sợ trách nhiệm trở thành nỗi ám ảnh cho Công chứng viên.
Ngoài ra, thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vi phạm pháp luật khi ký Hợp đồng, giao dịch với người mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện để huy động vốn, thậm trí lừa đảo…
Vậy cần làm gì để ngăn giả mạo giấy tờ và sai phạm trong hoạt động công chứng?
Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc áp dụng phần mềm quản lý, dùng máy quét vân tay, camera giáp sát, máy soi….là những biện pháp đem lại một số hiệu quả trong việc phòng ngừa hiện nay. Song việc phát hiện giấy tờ giả mạo không thể quan sát phát hiện giả mạo bằng mắt thường mà cần sự hỗ trợ của máy móc và kỹ năng, chuyên môn cao của Công chứng viên.
Cần có sự phối hợp giữa cơ quan Công chứng và các cơ quan chức năng liên quan, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi, xử lý kịp thời giữa các cơ quan. Bên cạnh đó cần xử thật nặng, thật nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm này, để giáo dục, răn đe, phòng ngừa.
Cần thống nhất quan điểm trong việc xử lý những hành vi giả mạo, chiếm đoạt trong lĩnh vực Công chứng. Bởi lẽ, khi người yêu cầu công chứng có hành vi giả mạo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi trái pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội.
Cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định cơ quan, tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ vững chắc, am hiểu pháp luật, khách quan trung thực…như tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận Hợp đồng giao dịch để phòng ngừa, hạn chế rủi ro, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Khi đó các tình tiết, chứng cứ ghi trong Văn bản công chứng là chứng cứ, từ đó tiết kiệm chi phí xã hội, tạo dựng lòng tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội. Do đó, cần thiết phải có cơ chế bảo đảm tính hợp pháp cả về nội dung và hình thức giao dịch thông qua chế định Công chứng./.
Phòng Công chứng số II
Phòng Công chứng số II |
File đính kèm |