THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

Một số điểm mới của Luật đấu thầu năm 2023

Ngày tạo:  01/12/2023 10:10:42
Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu được tháo gỡ, khắc phục góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả pháp luật về đấu thầu và công tác triển khai thực hiện Luật Đấu thầu

Trải qua quá trình thực hiện Luật đấu thầu năm 2013 từ tháng 7/2014 tới nay, hoạt động đấu thầu đã nảy sinh không ít vấn đề trên thực tế, khiến nhiều doanh nghiệp và quá trình thực hiện đấu thầu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các vấn đề này bao gồm sự chưa đồng bộ, thống nhất của Luật Đấu thầu 2013 với các luật khác có liên quan mới được sửa đổi, ban hành; những bất cập trong quy trình, thủ tục đấu thầu khiến tốc độ giải ngân vốn và việc đưa công trình vào khai thác bị chậm lại và không kịp thời phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện đại dịch COVID-19; mức độ cạnh tranh, minh bạch và công tác giám sát, xử lý vi phạm... còn hạn chế, dẫn tới xuất hiện nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... gây bức xúc trong doanh nghiệp.

Nhằm tháo gỡ, khắc phục, góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả pháp luật về đấu thầu và công tác triển khai thực hiện, đồng thời góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, ngày 17/7/2023 vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã chính thức công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp lần thứ 5. Luật Đấu thầu năm 2023 (gọi tắt là Luật năm 2023) sẽ có hiệu lực thay thế cho Luật Đấu thầu hiện hành từ ngày 01/01/2024, Luật này có 10 Chương, 96 Điều. Các khó khăn, vướng mắc và một số nội dung chưa đồng bộ, thống nhất nêu trên của Luật Đấu thầu năm 2013 với các Luật khác đã được Luật Đấu thầu năm 2023 tháo gỡ như sau:

Thứ nhất: Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

Luật Đấu thầu năm 2023 về cơ bản đã kế thừa và duy trì phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2013, tuy nhiên có bổ sung một số nội dung mới như sau:

- Luật đã xác định rõ phạm điều chỉnh đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm: (i) dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; (ii) dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

-  Luật đã bổ sung thêm đối tượng áp dụng tại điểm a khoản 2 Điều 2 về hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện, cụ thể là ngoài việc áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật đã bổ sung đối tượng doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước.

Những điều chỉnh, bổ sung này đánh dấu sự nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý đấu thầu và đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhà nước và các dự án đầu tư kinh doanh.

Thứ hai: Về các hình thức lựa chọn nhà thầu:

- Luật đã bổ sung một số trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, quan trọng, cấp bách, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu đối với một số trường hợp đặc thù khác.

- Luật đã quy định việc phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong các trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, đối với các gói thầu liên quan đến bảo đảm quốc phòng và an ninh, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định. Điều này giúp đảm bảo thẩm quyền được phân phối một cách linh hoạt và hiệu quả, tùy theo tính chất và tầm quan trọng của từng dự án, đồng thời duy trì sự giám sát và kiểm soát tại mọi cấp quản lý.

Thứ ba: Về lựa chọn nhà đầu tư:

Luật Đấu thầu năm 2023 đã bổ sung thêm các quy định về lựa chọn nhà đầu tư theo hướng hoàn thiện hơn so với Luật Đấu thầu năm 2013, cụ thể:

- Bổ sung quy định về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư; hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư; ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư… trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện quy định của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các luật có liên quan.

- Hoàn thiện quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đề xuất tốt nhất về kỹ thuật, xã hội, môi trường và hiệu quả sử dụng đất, đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực.

Thứ tư: Về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu:

Luật năm 2023 đã bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Sự ưu đãi này nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hàng hóa có xuất xứ trong nước, sản phẩm đổi mới, sáng tạo, giúp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm này có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận thị trường, đồng thời cũng góp phần đặt nền móng cho sự cạnh tranh công bằng và xây dựng năng lực sản xuất trong nước.

Thứ năm: Về hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế:

Ngoài các quy định chung, Luật năm 2023 đã dành một Chương riêng để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm theo hướng:

- Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế như: Giao cho các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; cho phép cơ sở y tế công lập được quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

- Tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế như: Cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; áp dụng mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít; cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ thiết bị y tế từ một nhóm quốc gia cụ thể để mua được thiết bị có chất lượng tốt; cho phép áp dụng đàm phán giá đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 01 hoặc 02 hãng sản xuất.

- Giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua, như: bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó (“mô hình máy đặt, máy mượn”); hoàn thiện quy định về ưu đãi cho thuốc sản xuất trong nước theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh trong việc tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ, nguyên liệu để sản xuất thuốc đáp ứng chất lượng, tiêu chuẩn tiên tiến; quy định về thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Thứ sáu: Về quy trình, thủ tục đấu thầu:

So với Luật Đấu thầu năm 2013 thì Luật Đấu thầu năm 2023 đã đơn giản hoá quy trình, thủ tục đấu thầu theo hướng:

- Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng nhằm tăng cường tính công khai minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu.

- Cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian; bổ sung quy định cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu. Chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu, đồng thời quy định thời gian tối đa để người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải các thông tin trong đấu thầu.

- Bổ sung quy định về kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các Cổng thông tin điện tử, Hệ thống khác nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ dự thầu của nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu của chủ đầu tư.

Thứ bảy: Về hồ sơ mời thầu, phương pháp, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu:

- Sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, hạn chế tình trạng gian lận, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế.

- Bổ sung quy định về nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về phương pháp xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

- Bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.

Thứ tám: Về hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu:

- Bổ sung, hoàn thiện quy định về loại hợp đồng với nhà thầu; bãi bỏ quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản.

- Bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện hợp đồng và các trường hợp, điều kiện sửa đổi hợp đồng. Theo đó, các bên không phải ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng đối với các nội dung đã được quy định trong hợp đồng khi đáp ứng các điều kiện về giá gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng, phương pháp, công thức, hạng mục và các nội dung cần thiết.

Thứ chín: Về các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu:

So với Luật Đấu thầu năm 2013 thì Luật Đấu thầu năm 2023 đã bổ sung thêm và quy định chi tiết hơn một số hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình này, như sau:

- Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu (trong thông thầu).

- Hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng (trong cản trở đấu thầu).


Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.