THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Phòng vệ thương mại và các Hiệp định thương mại tự do

Ngày tạo:  22/04/2024 00:03:10
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, theo chương trình công tác, sáng ngày 19/4/2024, Sở Công Thương Thanh Hoá phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức cho đội ngũ cán bộ, công chức, quản lý nhà nước; cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa.

 

     Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, có nhiệm vụ tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về công thương, bao gồm: cơ khí; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp môi trường; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; hoạt động thương mại và lưu thông hàng hoá trên địa bàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới (đối với các tỉnh có biên giới); xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phòng vệ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn. 

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Phòng vệ thương mại và các Hiệp định thương mại tự do 
Toàn cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị

      

       Tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị có đồng chí Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương; đồng chí Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công thương; đồng chí Phạm Trung Nghĩa – Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng BCĐ Hội nhập liên ngành quốc tế về kinh tế, Bộ Công thương; đồng chí Phạm Quốc Oai – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa và đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố. 

 

         Tại hội nghị, các đại biểu đã được, Bộ Công thương phổ biến về Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tác động của các hiệp định này đối với nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: Thế nào là FTA; FTA thế hệ cũ và FTA thế hệ mới. Theo đó, Việt Nam đang tham gia 15 FTA  hay nói cách khác là thương mại hàng hóa với 15 đối tác FTA. Năm 2023 xuất nhập khẩu gần 520 tỷ USD, 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới, dòng chảy thương mại hàng hóa phần lớn với các đối tác FTA.  Các FTA được ký kết với mục tiêu cắt giảm hoặc xoá bỏ hàng rào thuế quan, dịch vụ và đầu tư, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại. Đặc biệt, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA đã và đang giúp các doan nghiệp được hưởng lợi vì nhiều ưu đãi thuế. Tuy nhiên các hiệp định này cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao và toàn diện hơn về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp...Theo Báo cáo viên, các doanh nghiệp nên chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác, không chỉ các lĩnh vực truyền thông; Thay đổi tư duy kinh doanh; Chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn; Chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu; Nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Đồng chí Phạm Trung Nghĩa – Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng BCĐ Hội nhập liên ngành quốc tế về kinh tế

         Cũng tại hội nghị, đồng chí Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã phổ biến các nội dung về thực tiễn xử lý, ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam và một số khuyến nghị khi xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại; Vụ thị trường Châu Á, Châu Phi giới thiệu về những cơ hội, thách thức, phương hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Phòng vệ thương mại là công cụ hợp pháp theo quy định của WTO và FTA, đây là biện pháp mà một nước sử dụng để tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Các nền kinh tế xuất khẩu càng lớn càng có nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại. Các văn bản pháp luật về Phòng vệ thương mại của Việt Nam được ban hành khá sớm, từ năm 2002 dưới dạng Pháp lệnh để phục vụ việc đàm phán gia nhập WTO. (Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH về tự vệ; Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH về chống trợ cấp). Sau năm 2017, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Phòng vệ thương mại từng bước được hoàn chỉnh, được đưa thành một Chương (Chương 4) trong Luật Quản lý Ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn (Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Thông tư 37/2019/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại, Thông tư 42/2023/TT-BCT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 37/2019/TT-BCT). Ngoài ra, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về Phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTAs thế hệ mới, Bộ Công thương đã ban hành 04 thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp Phòng vệ thương mại trong các Hiệp định: CPTPP (Thông tư 19/2019/TT-BCT); EVFTA (Thông tư 30/2020/TT-BCT); UKVFTA (Thông tư 14/2021/TT-BCT); RCEP (Thông tư 07/2022/TT-BCT).

          Hội nghị cũng đã thảo luận, trao đổi, giải đáp nhiều thắc mắc của DN trong quá trình vận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Thanh Hoá qua các thị trường quốc tế; những vướng mắc, rào cản phòng vệ thương mại tác động gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường quốc tế cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu; nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường; nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử. Trong những năm gần đây, giá trị xuất khẩu hàng hóa của các DN Thanh Hóa đạt từ 5-6 tỷ USD. Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đạt 8 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hóa.

         Với mục tiêu nêu trên, Sở Công Thương đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến những quy định mới trong hoạt động xuất nhập khẩu bằng các hình thức phù hợp cho các cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ quản lý cũng như doanh nghiệp, hướng tới phát triển tỉnh Thanh Hoá vững mạnh. 


Hoàng Anh
Nguồn tin: Phổ biến giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.