THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

TÌM HIỂU VỀ LỪA ĐẢO QUA MẠNG VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày tạo:  14/06/2024 10:34:08
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang dần trở nên phổ biến với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hiện nay, có những chiêu trò lừa đảo tuy không mới nhưng nhiều người vì tâm lý hoang mang, lo lắng, nhẹ dạ cả tin vẫn trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo.

      Lừa đảo qua mạng là việc sử dụng internet để kết nối và thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Việc lừa đảo qua mạng được thực hiện với nhiều mục đích nhưng phần lớn là để nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị lừa đảo. Đặc biệt tội phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài sản cũng như tinh thần cho người dân đang không ngừng biến tướng và trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng trong xã hội. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt vô cùng lớn.

      Quy định của pháp luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

      Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 như sau:

    Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

     - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

     - Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

    + Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

    + Tội cướp tài sản

    + Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

    + Tội cưỡng đoạt tài sản

    + Tội cướp giật tài sản

    + Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

    + Tội trộm cắp tài sản

    + Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    - Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

    Hình phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

    Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến hiện nay

    Hack tài khoản mạng xã hội

   Hack tài khoản mạng xã hội với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay đang là vấn đề nhức nhối và phổ biến, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, dễ dàng đánh lừa người dùng. Theo số liệu khảo sát của nhóm tác giả đối với 1720 người, có 790 người (chiếm 45,9%) là nạn nhân hoặc quen biết với nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Các thủ đoạn chiếm quyền sở hữu (hack) tài khoản mạng xã hội mà các đối tượng thường sử dụng có thể kể đến như: gửi một đường link qua ứng dụng như Messenger khi người dùng đăng nhập, thông tin về tài khoản và mật khẩu sẽ được gửi về cho đối tượng; thủ đoạn lừa khôi phục hoặc lấy lại tài khoản mạng xã hội đã bị khóa hoặc bị hack; thủ đoạn dò đoán mật khẩu. Sau khi đã chiếm được quyền sở hữu tài khoản, đối tượng sẽ thay đổi các thông tin đăng nhập như mật khẩu, email, số điện thoại. Sau đó, đối tượng sử dụng tài khoản  này để thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin cho những tài khoản trong danh sách bạn bè để hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền.

    Giả danh cơ quan pháp luật: Đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản với vỏ bọc để xác minh, điều tra. Hoặc giả danh cán bộ xử lý vi phạm giao thông,  thông báo nạn nhân từ vi phạm lỗi giao thông và liên quan đến đường dây tội phạm, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra.

     Giả danh nhân viên ngân hàng: Đối tượng lừa đảo thuê người lập trình trang web giống trang web ngân hàng, đào tạo "nhân sự" gọi điện cho bị hại rồi từng bước lừa họ đăng nhập vào trang web đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

     Giả danh nhân viên các sàn thương mại điện tử: Các đối tượng giả danh nhân viên các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada, sendo, các trung tâm điện máy, sản phẩm tiêu dùng… để thực hiện làm nhiệm vụ mua bán đơn hàng để được ăn hoa hồng chiết khấu. Các đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân phải nạp tiền để mua đơn hàng, sau đó sẽ được chiết khấu hoa hồng cao, những đơn hàng đầu tiền với mức giá mua 300 nghìn đồng hay 500 nghìn đồng sẽ nhận được tiền chuyển về, về sau các đơn hàng với giá tiền càng cao, người dân với tâm lý tin tưởng đã chuyển tiền hết đơn hàng này đến đơn hàng khác với mục đích lấy lại được số tiền đã chuyển. Thực tế, đã có rất nhiều người bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là vài tỷ đồng…

     Khóa thuê bao điện thoại: Cuộc gọi lừa đảo thông báo khóa thuê bao điện thoại không phải là chiêu trò mới nhưng tái diễn ở thời điểm này, giữa lúc thuê bao điện thoại di động cần cập nhật, chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Người dùng sẽ nhận được một cuộc gọi thông báo họ sắp bị khóa thuê bao và yêu cầu thực hiện theo các bước. Lúc này, các đối tượng lừa đảo tự nhận là nhân viên nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa. Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng đưa ra nhiều lời đe dọa sẽ khóa thuê bao di động và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Nếu thực hiện theo sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ tiến hành chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...

     Lừa đảo trúng thưởng: Đối tượng lừa đảo gọi điện thoại thông báo trúng thưởng xe, điện thoại, xổ số hoặc sản phẩm có giá trị cao, yêu cầu đóng phí để nhận thưởng rồi chiếm đoạt tiền hoặc chuyển tiền trước để đóng thuế mới được nhận thưởng

    Tuyển cộng tác viên bán hàng: Đối tượng lừa đảo với hình thức cho người bị hại đặt mua đơn hàng trên mạng, nhân tiền chiết khấu ở 1-2 lần đầu, đến đơn hàng lớn hơn sẽ bị lừa mất tiền chuyển mua hàng.

      Nếu phát hiện bị lừa đảo, nạn nhân cần nhanh chóng làm đơn tố giác, gửi kèm toàn bộ tài liệu, chứng cứ tới cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, lấy lại tiền đã mất.   

      Như vậy, có rất nhiều các phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng , hy vọng với chế tài được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam  như hiện nay sẽ giúp giảm thiểu tình trạng lừa đảo trong thời đại công nghệ đang phát triển mạnh mẽ./. 

 


Hoàng Anh
Nguồn tin: Phổ biến Giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.