Để triển khai có hiệu quả việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, ngay sau khi Quyết định 14/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật có hiệu lực, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 26/11/2020 về việc tăng cường công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, để triển khai công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong đó chú trọng việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật phù hợp với yêu cầu của từng địa bàn và nhu cầu khai thác sách, tài liệu pháp luật của người dân. Tại các huyện, thị xã, thành phố: Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương đã ban hành đầy đủ Kế hoạch triển khai; ban hành các công văn đôn đốc, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách, đảm bảo đây là nơi lưu giữ, quản lý sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận thông tin pháp luật, hòa giải ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại cơ sở.
Việc xây dựng Tủ sách pháp luật được kế thừa và duy trì từ các Tủ sách pháp luật theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 21/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Hiện nay, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện rà soát tủ sách pháp luật. Các Tủ sách pháp luật được xây dựng tại UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi Tủ sách pháp luật còn hoạt động hiệu quả (trong đó có 114 Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, 200 tủ sách pháp luật tiếp tục duy trì và thực hiện xã hội hóa việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật theo hướng tự quản cộng đồng) hoặc được sáp nhập với Thư viện, Điểm Bưu điện văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng (293 tủ sách pháp luật đã được sáp nhập); Tủ sách pháp luật tại các trường học, các cơ quan, đơn vị như Công an, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng.
Đối với những huyện miền núi có xã đặc biệt có khó khăn, Tủ sách pháp luật vẫn phát huy vai trò là công cụ phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của người đọc, góp phần đưa pháp luật đến với đời sống hàng ngày của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn. Nhờ có tủ sách pháp luật, cán bộ, chính quyền, đoàn thể cơ sở có điều kiện tập hợp, tìm hiểu, tra cứu, vận dụng đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào việc điều hành, giải quyết các công việc hàng ngày tại địa phương. Nhiều quyền lợi, nghĩa vụ của người dân được đảm bảo kịp thời do vậy giúp cho nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật và giảm bớt tình trạng khiếu kiện gây lãng phí thời gian và tiền của của công dân và cơ quan Nhà nước. Với ý nghĩa đó, việc xây dựng, quản ý, khai thác Tủ sách pháp luật là rất cần thiết, được cán bộ, Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ, từ đó việc khai thác và sử dụng Tủ sách ngày càng có hiệu quả hơn, giải quyết tốt hơn những mâu thuẫn phát sinh trong Nhân dân, nâng cao dân trí, giúp tránh được những tranh chấp và những khiếu kiện không đáng có ở địa phương. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn vì vậy đã ảnh hưởng đến việc đầu tư kinh phí cho công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật.
Để phát huy tối đa vai trò của Tủ sách pháp luật cần quan tâm, bố trí kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách, rà soát từng địa phương để đánh giá thực trạng xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật. Qua đó rút ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền đến từng đối tượng, từng lứa tuổi về tác dụng của việc đọc sách. Cụ thể:
Đối với tủ sách pháp luật cấp xã không thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo lựa chọn tiếp tục duy trì và thực hiện xã hội hóa việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật theo hướng tự quản cộng đồng: không bổ sung thêm đầu sách mới, tiếp tục khai thác sử dụng những đầu sách cũ đến khi hết hiệu lực.
Đối với tủ sách pháp luật cấp xã thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn: cần đảm bảo kinh phí theo đúng quy định tại Quyết định 14/2019/QĐ-TTg; Thường xuyên cập nhật các loại sách, tài liệu pháp luật; Tổ chức rà soát chất lượng các loại sách, tài liệu pháp luật, qua đó duy trì bảo đảm tốt việc thực hiện cập nhật, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật của các đơn vị và địa phương. Qua đó góp phần nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân vùng đồng bao dân tộc miền múi, vùng bãi ngang…
Đối với tủ sách pháp luật tại các thôn, bản, khu phố, tiểu khu, khu: nên tiếp tục duy trì tủ sách pháp luật, xây dựng văn hóa đọc sách cho người dân.
Ngoài ra, cần đổi mới trong quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật để đây thực sự trở thành một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giúp người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Thường xuyên vận động, giới thiệu cho cán bộ, công chức và Nhân dân đến nghiên cứu, đọc, mượn sách, báo, tài liệu pháp luật; tăng cường tuyên truyền hướng dẫn khai thác trên hệ thống pháp luật điện tử, tra cứu trên các website của các cơ quan, đơn vị, địa phương ; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật.. Phổ biến trên phương tiện, loa truyền thanh, truyền hình giúp nhân dân và cán bộ hiểu thêm tác dụng của tủ sách pháp luật trong việc quản lý xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
Những năm qua không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của tủ sách pháp luật đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay thì việc tra cứu các văn bản pháp luật trên môi trưởng mạng rất nhanh chóng, thuận lợi, thậm chí đạt hiệu quả tối ưu, vì vậy rất ít người dân, cán bộ, công chức lựa chọn cách tra cứu thông tin pháp luật tại Tủ sách pháp luật hoặc bộ phận sách, tài liệu pháp luật của Điểm Bưu điện - Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng. Vì vậy nên tăng cường tuyên truyền hướng dẫn khai thác trên hệ thống pháp luật điện tử, tra cứu trên các website của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đưa pháp luật đến gần với người dân nhờ công nghệ, đồng thời kiến nghị Bộ Tư pháp sớm đưa vào vận hành, khai thác Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, tạo điều kiện cho người dân tra cứu thông tin pháp luật nhanh nhất, các thông tin thuộc nhiều lĩnh vực khác, tạo thói quen đọc sách và nâng cao tính chủ động trong việc tìm hiểu pháp luật của Nhân dân./.
Hoàng Anh |
Nguồn tin: Phổ biến giáo dục pháp luật; tusachphapluat.com |
File đính kèm |