THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

Điểm sáng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ việc xây dựng mô hình điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  27/06/2024 10:37:05
Trong những năm qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã đạt được nhiều kết quả nổi bật cả về hình thức lẫn nội dung, góp phần quan trọng đưa chủ trương, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống. Nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về việc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật được nâng lên. Người dân được thông tin pháp luật, có ý thức tự chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

     Bên cạnh các hình thức Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) truyền thống, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức PBGDPL, nổi bật trong đó là “Mô hình phổ biến giáo dục pháp luật”. Đây được coi là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống, là cơ sở để xây dựng Nhà nước pháp quyền, góp phần tiết kiệm được nguồn lực, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, mang tính lan tỏa cao. Từ các hoạt động tuyên truyền pháp luật đã góp phần hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

       Xác định phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo, hướng dẫn về PBGDPL của Trung ương. Hiện nay các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về phổ biến giáo dục pháp luật như: Nâng cao chất lượng tuyên truyền, PBGDPL trên sóng và nền tảng số của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hoá (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hoá); Phổ biến, giáo dục pháp luật lâm nghiệp thân thiện gắn với đối thoại với người dân các xã vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Phiên tòa giả định thực hiện tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Tuyên truyền Pháp luật Học đường,  Tổ Tư vấn pháp luật Lao động - Công đoàn trong ngành Giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo).... Một số mô hình ở cấp huyện: Điểm dịch vụ công trực tuyến, Camera an ninh, 3/1 về tái hòa nhập cộng đồng, Cổng trường tự quản về trật tự, an toàn giao thông học đường, Câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, Ngày chủ nhật xanh, Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, Câu lạc bộ Hội Cựu Chiến binh tuyên truyền phổ biến pháp luật, Vững bước trên con đường hoàn lương, Làng quê an toàn cho Phụ nữ và Trẻ em, Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững nuôi dạy con tốt với tuyên truyền pháp luật”, Đường tranh bích họa, khu dân cư “Sáng – Xanh – Sạch –Đẹp – An Toàn, Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy, Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, “Cổng trường an toàn về ANTT, An toàn giao thông và vệ sinh môi trường....

Lễ ra mắt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật

        Khi xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về PBGDPL, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện luôn chú trọng đến các vấn đề như nhóm đối tượng hoạt động PBGDPL hướng đến, đặc trưng của nhóm đối tượng, những hoạt động chủ thể cần phải triển khai, cách thức triển khai các hoạt động đó. Các tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của mô hình PBGDPl như: Mô hình có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức pháp luật của đối tượng tác động; Việc triển khai mô hình ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; Mô hình có tính khả thi, đã và đang được triển khai tại địa phương, cơ sở, hướng tới các đối tượng cụ thể trong thực tiễn; Mô hình có tính bền vững, có khả năng duy trì, phát triển ổn định, lâu dài; Mô hình có thể được nhân rộng ở các địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, mô hình phải có tính lan tỏa. Đây là tiêu chí rất quan trọng, bởi lẽ một mô hình hiệu quả phải có khả năng tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các chủ thể, được nhiều người đón nhận. Sự lan tỏa thể hiện cụ thể bằng việc mọi người đều nhận thức đầy đủ về những vấn đề pháp lý một cách tự nhiên, từ đó tự học tập tìm hiểu pháp luật, tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật. 

Bộ phận “Một cửa” của UBND thành phố Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính 

        Từ thực tiễn hiện nay, nhiều mô hình PBGDPL đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, góp phần thay đổi nhận thức về pháp luật cho các đối tượng khác nhau, phù hợp với từng địa bàn. Điển hình như Mô hình “Tuyên truyền Pháp luật Học đường” của Sở Giáo dục và Đào tạo đã góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, an toàn trường học; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh ở các trường học của tỉnh góp phần củng cố, giữ vững nền nếp, kỷ cương trường học, tạo môi trường giáo dục lành mạnh; giảm tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh niên, thiếu niên; Mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” được xây dựng được xây dựng và phát triển tại các xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, huyện Hậu Lộc, huyện Quảng Xương, huyện Đông Sơn, huyện Yên Định....đã góp phần ngăn ngừa được bạo lực trong gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở địa phương; làm thay đổi nhận thức pháp luật của phụ nữ và trẻ em, giúp cho hội viên thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đã đóng góp tích cực vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương; góp phần quan trọng giữ vững tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phươn; Mô hình “Điểm dịch vụ công trực tuyến” được xây dựng tại UBND thành phố Thanh Hóa và UBND các phường, xã. Mô hình tác động tích cực đến quyền và trách nhiệm của công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và hướng tới xây dựng chính quyền số, tăng tỷ lệ thu nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Việc triển khai mô hình đã ảnh hưởng tích cực đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của người dân. Qua đó, góp phần quan trọng tạo chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, xây dựng nếp sống và ứng xử có văn hoá pháp lý, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội, phát triển kinh tế- xã hội. 

Tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên tại các Trường THPT trên địa bàn phường Trường Thi

         Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL nói chung và xây dựng mô hình điểm về PBGDPL nói riêng, qua thống kê đến 06 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 532/559 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 (30 thị trấn, 55 phường, 447 xã) đạt tỉ lệ 95.17%. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tính đến ngày 31/01/2024 có 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, không có xã, phường, thị trấn bị thu hồi hoặc hủy bỏ quyết định công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ kết quả đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm, chính quyền cấp xã đã có điều kiện nhận diện tổng thể, toàn diện, kịp thời những mặt được, mặt còn hạn chế, khó khăn trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ. Đây là cơ sở giúp chính quyền cấp xã có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời, phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong hoạt động của chính quyền cấp xã; thúc đẩy thực hiện dân chủ theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Về công tác hòa giải ở cơ sở: Toàn tỉnh hiện có 4.340 tổ hoà giải với 2767 hoà giải viên ở cơ sở; 06 tháng đầu năm 2024 các tổ hòa giải đã tiếp nhận 995 việc; thực hiện hòa giải thành được 832 việc; đạt tỷ lệ 83,6%.

       Với định hướng triển khai các mô hình PBGDPL hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xây dựng các mô hình PBGDPL hướng về cơ sở, hướng đến từng đối tượng cụ thể. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền pháp luật, tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả. Song song đó, phát huy các sáng kiến trong việc triển khai, xây dựng và phát triển các mô hình hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, nhằm tạo thành phong trào sâu rộng./.


Hoàng Anh
Nguồn tin: Phổ biến giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.