Với quan điểm chỉ đạo bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, quyết liệt, đồng bộ, thống nhất trong hành động, giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối chiến lược phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bảo vệ vững chắc an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc; Bám sát mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”; Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải phục vụ mục tiêu góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh trên cơ sở làm chủ công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường. Nâng cao năng lực sản xuất quốc gia, chú trọng những nhóm lĩnh vực mới, hiện đại, hàm lượng công nghệ cao... để tăng tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại; Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, ưu tiên của hội nhập quốc tế; hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế và phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, phương án, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước. Hội nhập kinh tế quốc tế phải góp phần ngày càng thúc đẩy hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong nước phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, phù hợp các cam kết, các thông lệ quốc tế và khu vực; chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới, tham gia vào các vòng đàm phán mới, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khu vực và đa phương tạo thuận lợi cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững kinh tế đất nước; Thực hiện đa dạng hình thức hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng hội nhập kinh tế số với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Chủ động dự báo sớm và xử lý hiệu quả, kịp thời các vấn đề, diễn biến phát sinh, giám sát chặt chẽ và quản lý hiệu quả các tác động của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; Các nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cần có tính toàn diện, sâu sát, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, có tính dự báo nhằm mang lại hiệu quả thực chất. Đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến mở rộng quan hệ kinh tế thương mại song phương, đa phương, thu hút đầu tư nước ngoài, ký kết các hiệp định, điều ước quốc tế song đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tính hiệu quả; tiếp tục chủ động trong công tác nghiên cứu, đàm phán và ký kết FTA với các đối tác bổ sung lợi ích để có thể mang lại hiệu quả về nhiều mặt; khai thác hiệu quả lợi ích các FTA mà Việt Nam đã ký kết làm động lực để phát triển xuất nhập khẩu cả về lượng và chất trên cơ sở đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Để thực hiện hiệu quả quan điểm đó, Ngày ngày 05/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 – 2030.
Để đảm bảo việc triển khai Nghị quyết số 93/NQ-CP của chính phủ, ngày 28 tháng 9 năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 – 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã xác định rõ mục đích thực hiện Kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, giám sát của HĐND tỉnh, sự quản lý và điều hành thống nhất của UBND tỉnh; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện có hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo dựng hình ảnh, vị thế của tỉnh Thanh Hoá ở trong nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ; gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành và các địa phương trong chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được giao.
Để đảm bảo mục đích đó, UBND tỉnh Thanh Hóa xác định rõ mục tiêu tổng quát cho quá trình thực hiện nhiệm vụ, đó là: Tiếp tục thực hiện công tác hội nhập trên nhiều lĩnh vực một cách toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm thu hút hơn nữa các nguồn lực trong và ngoài nước; tăng cường sự liên kết lợi ích với các đối tác nhằm nâng cao vị thế và uy tín của tỉnh. Phấn đấu đưa Thanh Hoá trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp sạch, du lịch, logistic, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá và thể thao. Đến năm 2025, Thanh Hoá nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời chỉ rõ các mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên; trong đó: giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11% trở lên; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,2% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP đến năm 2030: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 5,1%; công nghiệp - Xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%. GRDP bình quân theo đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2025 đạt 8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 16,7%/năm. Đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 15 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2026 - 2030 đạt 13,4%/năm; Phát triển công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu. Giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 16,4%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 12,1%/năm; Tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến từ 89% năm 2025 lên 93,6% vào năm 2030; giảm tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm thô; Thu ngân sách từ lĩnh vực xuất khẩu năm 2025 đạt từ 25.000 tỷ đồng trở lên; đến năm 2030 đạt từ 45.000 tỷ đồng trở lên. Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực Châu Âu lên 20%/tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; đảm bảo cán cân thương mại hợp lý trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng đưa ra những nhiệm vụ cụ thể cần triển khai như: Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế; Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Thực thi hiệu quả các FTA; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 và phát triển bền vững; Hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh quốc phòng.
Với yêu cầu đặt ra: Quá trình hội nhập phải đảm bảo sự thống nhất trong lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với tiến trình hội nhập, giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại và các quan hệ kinh tế quốc tế khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh, đảm bảo các lợi ích hài hoà giữa người dân, doanh nghiệp và đất nước; giữ vững quốc phòng an ninh, ổn định chính trị xã hội; Xem công tác xây dựng cán bộ, công chức, đảng viên mới có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, hiểu biết về công nghệ tiên tiến để vững vàng tiếp thu, đón đầu những vận hội, thời cơ, khắc phục, hạn chế những nguy cơ, thách thức mà quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đem lại là nhiệm vụ quan trọng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; Coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế; công tác hội nhập luôn đổi mới, sáng tạo gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động đối ngoại, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khai thác có hiệu quả lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do “FTA” mà Việt Nam đã ký kết để làm động lực mở rộng đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại cùng với nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm thúc đẩy phát triển xuất khẩu cả về lượng và chất.
Để đảm bảo hiệu quả việc triển khai nhiệm vụ, đáp ứng mục tiêu triển khai và đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 – 2030; UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện; phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cao Phong |
File đính kèm |