THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

THANH HÓA TỔ CHỨC QUÁN TRIỆT VÀ TRIỂN KHAI CÁC VĂN BẢN LUẬT MỚI ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XIV KỲ HỌP THỨ 10 THÔNG QUA

Ngày tạo:  21/07/2021 16:39:46
UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 20/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10

THANH HÓA TỔ CHỨC QUÁN TRIỆT VÀ TRIỂN KHAI CÁC VĂN BẢN LUẬT MỚI ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XIV 

KỲ HỌP THỨ 10 THÔNG QUA

     Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua nhiều văn bản Luật và Nghị quyết quan trọng như: Luật bảo vệ Môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật thỏa thuận quốc tế; Luật cư trú; Luật Biên phòng Việt Nam. Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13/11/2020 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; .....

      Nhằm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, có hiệu quả các văn bản Luật, Nghị quyết tới đội ngũ cán bộ và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 20/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10.

 

(Đ/c: Bùi Đình Sơn – Giám Đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Thường trực

Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Tỉnh phát biểu khai mặc Hội nghị)

    Để đảm bảo công tác triển khai các văn bản Luật được kịp thời, ngày 15 tháng 7 năm 2021, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị và lựa chọn một số văn bản luật để triển khai, quán triệt như: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) tới cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh. Các văn bản luật và Nghị quyết khác được UBND tỉnh giao cho các sở, ngành và UBND các cấp chủ động triển khai.

     Hội nghị được tổ chức với 28 điểm cầu cấp tỉnh và cấp huyện cùng các điểm cầu cấp xã, số đại biểu tham dự Hội nghị gần 3.700 cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp trên địa bàn. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến có chiều hướng phức tạp, việc tổ chức Hội nghị đã được lựa chọn bằng hình thức trực tuyến, điều này vừa đảm bảo công tác phòng dịch, vừa góp phần triển khai đầy đủ, có hiệu quả các văn bản đến đông đảo đội ngũ cán bộ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đồng chí Bùi Đình Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh được sự ủy quyền của đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã nêu rõ các văn bản Luật được lựa chọn triển khai tại Hội nghị có nhiều quy định mới quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trên các lĩnh vực. Vì vậy, qua Hội nghị các các cấp, các ngành sau khi được triển khai cần tập trung nghiên cứu, tìm hiểu để xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai kịp thời các văn bản pháp luật trên đến cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Đ/c: Lê Hữu Viên - Phó giám đốc Sở Tư pháp – Báo cáo viên pháp luật tỉnh

triển khai nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính)

Tại Hội nghị đồng chí Lê Hữu Viên - Phó giám đốc Sở Tư pháp đã triển khai nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính. Đồng chí đã nhấn mạnh xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây cũng là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến đời sống hàng ngày của nhân dân được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. Để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về thể chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và thi hành pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ và tương thích với điều ước quốc tế mà
Việt Nam là thành viên, ngày 13/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật đã bãi bỏ 03 điều, bổ sung mới 04 điều của Luật XLVPHC hiện hành, sửa kỹ thuật 11/142 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện) như: đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; tăng mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực như: Giao thông đường bộ; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Giáo dục…và bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực mới như: Tín ngưỡng; Đối ngoại; Cứu nạn, cứu hộ; In; An toàn thông tin mạng; Sở hữu trí tuệ…; Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt; Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như thay đổi thời hiệu xử phạt một số lĩnh vực; bổ sung trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính... Những thay đổi này so với Luật hiện hành đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam chung.

Đ/c: Lê Đình Tùng - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH – Báo cáo viên pháp luật tỉnh

triển khai Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng)

 

      Đồng chí Lê Đình Tùng - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng chí đã nêu bật việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được thực hiện từ hơn 30 năm qua và được thể chế hóa bằng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ năm 2006. Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành, trước thực tiễn tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân… đặt ra yêu cầu phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện một số quy định của Luật 2006. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng với 08 Chương và 74 điều, Luật có nhiều nội dung mới như: Mở rộng đối tượng áp dụng của Luật và bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bổ sung chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bổ sung thêm hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bổ sung nhiều hành vi bị cấm khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bổ sung quy định người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng; Nâng cao điều kiện hoạt động dịch vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...Luật đã góp phần quan trọng vào hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở nguyên tắc của thị trường.

(Đ/c: Nguyễn Bá Cẩn - Phó Giám đốc Sở Y tế - Báo cáo viên pháp luật tỉnh triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút  gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

 

     Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được đồng chí Nguyễn Bá Cẩn - Phó Giám đốc Sở Y tế triển khai. Theo đồng chí, để tiếp tục tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS góp phần giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số tử vong do AIDS, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 thì tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Luật sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 02 điều so với Luật hiện hành, với những điểm mới cụ thể như: Luật bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV, trong đó người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ chồng của người nhiễm HIV, nhằm đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng trên; mở rộng các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; luật hóa các biện pháp can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV; quy định rõ nguồn lực chi trả xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai. Theo Luật sửa đổi, bố sung lần này, độ tuổi của trẻ được quyền tự nguyện đề xuất xét nghiệm HIV giảm từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và sự gia tăng số trẻ em nhiễm HIV trong giai đoạn hiện nay. Với kết quả triển khai từ Hội nghị này, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ chủ động, tiếp tục quán triệt và triển khai nhằm các quy định của pháp luật đến với đội ngũ cán bộ và mọi tầng lớp Nhân dân, để các quy định của pháp luật sớm đi vào cuộc sống góp phần đảm bảo an ninh, xã hội và sự phát triển của tỉnh nhà./.

                                                                                                                                       

                                                                                                                                                                Phòng PBGDPL

 

 


Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.