Khái niệm Tảo hôn và Hôn nhân cận huyết thống:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (điểm a, khoản 1, điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định tuổi đủ kết hôn là: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên).
Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (khoản 18, điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm: cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện nay vẫn còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ điều kiện cư trú, kinh tế, tập tục lạc hậu; còn do trình độ dân trí của người dân còn thấp, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa hiểu hết những hệ lụy từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; một số nơi chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình; việc xử phạt các trường hợp tảo hôn chưa đủ sức răn đe… Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, chất lượng cuộc sống, là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo lạc hậu.
- Đối với bản thân người tảo hôn sinh sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ và con; Do tảo hôn sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt những trường hợp sinh con dưới 15 tuổi, nguy cơ tử vong cao hơn phụ nữ sinh con khi 20 tuổi; trẻ em do tảo hôn khi sinh ra thường còi cọc, ốm yếu hay mắc bệnh tật;
- Về tinh thần sinh con sớm không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, không được vui chơi, không có điều kiện để tham gia các hoạt động giải trí, văn hóa, văn nghệ;
- Tảo hôn thường dẫn đến bỏ học hạn chế phát triển nhân cách, tài năng và trí tuệ của trẻ em;
- Tảo hôn làm đời sống gia đình khó khăn, thiếu thốn, vì vợ chồng tảo hôn chưa có kinh tế vững vàng, con cái nheo nhóc, ốm đau bệnh tật, vợ chồng trẻ thiếu kinh nghiệm nuôi dậy con, có thể dẫn đến bất hòa, chất lượng cuộc sống kém;
- Tảo hôn là gánh nặng cho xã hội, dân số tăng nhanh, chất lượng dân số thấp, gây sức ép lên giáo dục và y tế. Tảo hôn là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo lạc hậu và gánh nặng cho cộng đồng, xã hội.
b) Hậu quả hôn nhân cận huyết thống gây ra:
Hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân dân đến các căn bệnh di truyền phổ biến như:
- Sớm bị khiếm thính, suy giảm thị lực;
- Dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền;
- Khuyết tật, chậm phát triển về trí tuệ;
- Chậm hoặc không phát triển thể chất;
- Có trường hợp bị động kinh, bị các bệnh lý rối loạn máu, tan máu bẩm sinh, bị di dạng về xương, thiểu năng trí tuệ, bệnh bạch tạng, bệnh vẩy nến…dẫn đến giảm tuổi thọ.
Hôn nhân cận huyết thống tác động xấu đến đạo đức, văn hóa truyền thống, các mối quan hệ dòng tộc, gia đình. Trẻ em sinh ra bị bệnh tật là gánh nặng cho gia đình, do phải chăm sóc, chữa bệnh cho con cái, kinh tế khó khăn, luôn tự ti mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng.
Hôn nhân cận huyết thống làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nhân lực và nòi giống, đây chính là rào cản cho sự triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kéo lùi sự tiến bộ xã hội.
3. Một số quy định Pháp luật xử lý đối với hành vi vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp Hợp tác xã. Trong đó có nội dung quy định về xử lý vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể:
Đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:
- Tại Điều 58, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
- Đối với hành vi tảo hôn mức độ vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử phạt hình sự về tội tổ chức tảo hôn hoặc tội giao cấu với trẻ em theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cụ thể:
Điều 183: Tội tổ chức tảo hôn quy định
Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Đối với hành vi vi phạm quy định về kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời:
Tại điểm a, khoản 2, Điều 59, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa ba đời cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Bên cạnh đó Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa dổi bổ sung năm 2017) cũng quy định xử lý đối với trường hợp. Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (Điều 184)./.
Cao Phong |
Nguồn tin: Tổng hợp |
File đính kèm |