Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đánh giá sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về vấn đề an toàn thực phẩm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về an toàn thực phẩm có chuyển biến tích cực; sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Không ít cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm… ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm.
An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc. Để bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, ngày 21/10/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Quyết định số 2910/QĐ-BCĐ ngày 10/8/2017 của Trưởng Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh về ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh; ngày 14/12/2023, Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 297/KH-BCĐ hoạt động của Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh năm 2024.
Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh năm 2024 nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là ATTP) được giao năm 2024; các Kế hoạch của UBND tỉnh: số 259/KH-UBND ngày 30/11/2021 thực hiện Kết luận số 624- KL/TU ngày 04/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; số 110/KH-UBND ngày 08/5/2023 thực hiện Quyết định số 426/QĐTTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 122-KH/TU ngày 20/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của cơ quan tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập để đáp ứng với yêu cầu của công tác bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.
Việc triển khai nhiệm vụ phải đáp ứng được yêu cầu các hoạt động về bảo đảm an ninh, ATTP phải được phân công cụ thể, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, triển khai thực hiện khách quan, nghiêm túc, tiết kiệm, đúng nội dung, tiến độ theo kế hoạch. Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan và các ủy viên Ban Chỉ đạo tỉnh chủ động triển khai công tác đảm bảo an ninh, ATTP trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý và đơn vị được phân công. Đa dạng hóa các hình thức hoạt động, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; bám sát vào nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai thực hiện.
Các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai năm 2024 gồm: Tiếp tục tham mưu ban hành và hoàn thiện các văn bản pháp luật, chương trình, đề án về bảo đảm an ninh, ATTP; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và nhân dân về bảo đảm an ninh, ATTP; Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn và xây dựng xã ATTP, xã ATTP nâng cao; Tăng cường hoạt động khuyến khích phát triển sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn; Đẩy mạnh đầu tư và thu hút các nguồn lực đầu tư vào công tác bảo đảm an ninh, ATTP; Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an ninh, ATTP.
Để đảm bảo các nhiệm vụ trong tâm, Ban chỉ đạo đã giao cho đơn vị chuyên môn thực hiện cụ thể tham mưu và thực hiện các nội dung như: Giao chỉ tiêu về ATTP cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; Rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thí điểm “Tuyến phố bảo đảm ATTP” giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024; Kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2024; Kế hoạch tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024; Tổ chức các phiên chợ giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn; Xây dựng Bản tin sản xuất, thị trường tiêu thụ nông sản tỉnh Thanh Hóa; Tổ chức các “Phiên chợ thực phẩm an toàn” trên địa bàn tỉnh; Tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP trên địa bàn tỉnh trong các đợt cao điểm về ATTP năm 2024; Kiểm tra công tác triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh giao; Kiểm tra công tác duy trì thực hiện tiêu chí xã, phường, thị trấn ATTP, ATTP nâng cao; Kế hoạch kiểm tra liên ngành về ATTP trên địa bàn tỉnh năm 2025; Kế hoạch thông tin tuyên truyền và đào tạo tập huấn về ATTP trên địa bàn tỉnh năm 2025; Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP tỉnh năm 2025; Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến về thực hiện công tác đảm bảo ATTP năm 2024; Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho các sản phẩm thực phẩm đặc thù của tỉnh.
Như vậy, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cùng các nội dung hoạt động cụ thể của Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và sự tham gia, vào cuộc và thực hiện đầy đủ, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cũng như của UBND các cấp thì công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh năm 2024 sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế của địa phương./.
Hoàng Thùy |
File đính kèm |