THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023 - 2028 của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh.

Ngày tạo:  09/02/2023 08:01:41
Ngày 06 tháng 02 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023 - 2028, trên địa bàn tỉnh.

           Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2028 theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về quyền con người; đấu tranh phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch, cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí không ngừng xuyên tạc, bôi đen, hạ thấp thành tựu về quyền con người ở Việt Nam.

          Căn cứ Quyết định số 1079/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023 - 2028; Hướng dẫn số 5768/BTTTT-TTĐN ngày 28 tháng 11 năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; Ngày 06 tháng 02 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023 - 2028, trên địa bàn tỉnh.

           Kế hoạch đã xác định rõ truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 3 nội dung chính: Phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong tỉnh về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Nhà nước ta. Công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, cả trước mắt và lâu dài; là một trong những tiêu chí khách quan đánh giá hiệu quả công tác quyền con người của các cấp, các ngành. 

          Với mục đích rõ ràng, Kế hoạch đã đưa ra mục tiêu tổng quát: Truyền thông về quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của Nhân dân về các quyền con người; thông tin đầy đủ, kịp thời nhằm giúp Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; kiên quyết phê phán, vạch trần những luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở nước ta. 

          Về mục tiêu cụ thể, Kế hoạch xác định đến năm 2028:

          100% cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người theo quy định. 

          Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác quyền con người; 100% cán bộ làm công tác quản lý thông tin, truyền thông; 100% nhân sự tham gia công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan báo chí; 70% cán bộ chủ chốt cấp tỉnh được cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người và tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người. 

          Tổ chức và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các cuộc Triển lãm ảnh, tài liệu lưu trữ về quyền con người trên địa bàn tỉnh. 

          Đa dạng hóa hình thức các sản phẩm truyền thông; phấn đấu các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và sản phẩm truyền thông trên nền tảng số chiếm từ 15-20% tổng số sản phẩm truyền thông về quyền con người. 

          Phấn đấu 100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông về quyền con người được số hóa, kết nối và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn. Phát hiện, xử lý trên 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng. 

          Để thực hiện những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra những nội dung cần triển khai:

          Tuyên truyền Luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm tới 07 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên gồm: Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị; Công ước về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của Người khuyết tật; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. 

          Tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; kết quả triển khai thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên hoặc có kế hoạch gia nhập. 

          Tuyên truyền về những nỗ lực, thành tựu của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực, tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, đặc biệt vùng miền núi, dân tộc, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau; những đánh giá, nhận định tích cực của dư luận, truyền thông quốc tế về kết quả công tác bảo đảm và phát triển quyền con người của Việt Nam. Các thông tin tích cực, đề cao các giá trị đạo đức, hướng thiện, lối sống nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. 

          Thông tin, phản ánh về các vụ việc, các đối tượng trong nước và nước ngoài, các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, quyền con người để vi phạm pháp luật, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam. 

          Tuyên truyền về các ưu tiên trong đối ngoại về quyền con người của Việt Nam; về vị trí, vai trò, sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trong các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế. 

          Trong kế hoạch đã chỉ ra những nhiệm vụ cần thực hiện:

          Cung cấp thông tin, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người cho các lực lượng truyền thông 

          Tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về quyền con người và thông tin đối ngoại.

          Tổ chức hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người cho các đối tượng: Phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản; cán bộ thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh; cán bộ thành viên Ban Chỉ đạo về Nhân quyền; đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; tuyên truyền viên là cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. 

          Sản xuất, đăng phát các sản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài 

          Sản xuất, đăng phát các sản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, nhằm lan tỏa thông tin, mở rộng đối tượng tuyên truyền, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Liên kết xã hội hóa, huy động mời những nhân vật có uy tín, sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng mạng tham gia các chiến dịch truyền thông về quyền con người. 

          Sản xuất, phổ biến các xuất bản phẩm truyền thông đa phương tiện bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc; ưu tiên các sản phẩm có phong cách mới, cách nhìn mới để dễ tiếp cận và lan truyền trên mạng xã hội; sách điện tử có thể quét mã QR, tải lên các ứng dụng trực tuyến. 

          Xây dựng các sản phẩm truyền thông về quyền con người phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh để đăng phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài  truyền thanh cấp xã, bảng tin điện tử, cụm thông tin cơ sở và các loại hình thông tin cơ sở khác (phóng sự phát thanh, kịch truyền thanh, tiểu phẩm, video...). Tổ chức tuyên truyền lưu động thông qua hình thức triển lãm tranh, ảnh tư liệu, tranh cổ động về quyền con người. 

          Đẩy mạnh truyền thông về quyền con người trong các chương trình ngoại khóa, các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội và tuần sinh hoạt giáo dục công dân, sinh hoạt chính trị đầu khóa của học sinh, sinh viên, sinh hoạt của tổ chức công đoàn, hội phụ nữ, hội người cao tuổi ở các cấp. 

          Tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu về quyền con người, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người. 

          Hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại về quyền con người 

          Xây dựng kế hoạch truyền thông và thông tin cho báo chí trước, trong và sau các sự kiện đối ngoại về quyền con người phù hợp theo quy định. 

          Khai thác các nguồn hỗ trợ, tài trợ của nước ngoài theo quy định của pháp luật phục vụ hoạt động truyền thông về quyền con người. 

          Thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động truyền thông về quyền con người 

          Phát triển dữ liệu, tích hợp, chia sẻ với hệ thống số hóa các tư liệu, tài liệu, xuất bản phẩm đa phương tiện về quyền con người được cung cấp, đăng tải trên cơ sở dữ liệu dùng chung cấp quốc gia. 

          Ứng dụng công nghệ số trong giám sát thông tin trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, phân tích các luồng thông tin phục vụ công tác dự báo, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp ứng phó; truyền thông chủ động, đấu tranh chống nạn tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người ở Việt Nam. 

          Cập nhật thông tin về kết quả triển khai thực hiện quyền con người trên hệ thống trang/cổng thông tin điện tử của tỉnh.

          Để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao chiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành và UBND cấp huyện thực hiện.

          Sở Thông tin và Truyền thông 

          Chủ trì, tham mưu triển khai và thực hiện Kế hoạch và các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về quyền con người theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. 

          Hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng; các trang, cổng thông tin điện tử; dịch vụ viễn thông, internet và mạng xã hội. 

          Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông; thường xuyên theo dõi các thông tin trên internet và mạng xã hội để kịp thời nắm bắt, phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi sử dụng môi trường mạng xâm phạm đến quyền con người. 

          Phối hợp với Công an tỉnh nắm chắc tình hình, thông tin dư luận trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền; âm mưu, hoạt động mới của các thế lực thù địch lợi dụng nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của tỉnh. 

          Tổng hợp, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định. 

          Công an tỉnh 

          Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà quét, phát hiện, tổ chức triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng không gian mạng xuyên tạc tình hình, vi phạm pháp luật về quyền con người. 

          Cung cấp cho cơ quan truyền thông các thông tin, tài liệu về công tác đấu tranh, bảo vệ nhân quyền, đặc biệt trên lĩnh vực phòng, chống mua bán người và các vụ việc, đối tượng đã bị xử lý liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền phục vụ tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. 

          Chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến dân chủ, nhân quyền ngay từ cơ sở, không để nảy sinh các vấn đề phức tạp; hạn chế thấp nhất điều kiện, sơ hở để các thế lực thù địch, các đối tượng phản động lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. 

          Sở Ngoại vụ: Đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền con người trong hoạt động đối ngoại gắn với công tác người Việt Nam ở nước ngoài. 

          Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông trong các cơ sở giáo dục đào tạo nghề của tỉnh và trong hệ thống của ngành về: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về quyền trẻ em; quyền của trẻ em và quyền bình đẳng nam, nữ theo Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; Công ước về quyền của Người khuyết tật… 

          Sở Tư pháp: Chủ trì, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con  người thông qua các hình thức: Tổ chức tập huấn, biên soạn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật..; cung cấp nội dung thông tin Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. 

          Sở Tài chính: Thẩm định, tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí thực hiện các nội dung của Kế hoạch theo đúng quy định.

          Ban Dân tộc: Thực hiện nội dung tuyên truyền, sử dụng kết quả phát triển dữ liệu truyền thông Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, do Ủy ban Dân tộc xây dựng và cung cấp. 

          Sở Công Thương: Chủ trì, cung cấp nội dung thông tin, truyền thông về các cam kết liên quan đến quyền con người trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã hoặc có kế hoạch tham gia. 

          Sở Nội vụ: Chủ trì, cung cấp nội dung, truyền thông về đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các nhóm quyền khác theo chức năng, nhiệm vụ. 

          Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác truyền thông về quyền con người thông qua các hình thức sân khấu hóa, cổ động trực quan, hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ, góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết của Nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về quyền con người. 

          Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh:

          Thông tin, tuyên truyền sâu rộng về quyền con người đến hệ thống tuyên giáo các cấp và lực lượng hội viên, đoàn viên, các tầng lớp Nhân dân. 

          Lồng ghép truyền thông về quyền con người trong các chương trình hoạt động của lĩnh vực. 

          Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố 

          Triển khai và thực hiện hiệu quả Kế hoạch truyền thông về quyền con người; đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông, đảm bảo phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế tại địa phương.

          Cân đối và bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông về quyền con người theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

          Các cơ quan báo chí, xuất bản tỉnh Thanh Hóa 

          Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đưa tin, bài, phóng sự thông tin, tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền con người. Kịp thời thông tin các vụ việc vi phạm, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ quyền con người để góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của cộng đồng chung tay bảo vệ quyền con người. 

          Lan tỏa các sản phẩm báo chí, xuất bản về quyền con người trên các hạ tầng và nền tảng truyền thông, chú trọng lan tỏa trên không gian mạng. 

          Sản xuất, phổ biến các xuất bản phẩm truyền thông đa phương tiện bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc về quyền con người, ưu tiên các sản phẩm có phong cách mới, cách nhìn mới dễ tiếp cận và lan truyền trên mạng xã hội. 

          Trong Hiến pháp năm 2013, đã xác định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu (quy định ngay tại Chương II). Điều đó thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Nhà nước ta khẳng định nguyên tắc “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; và “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây là những nguyên tắc căn bản đề cao trách nhiệm của Nhà nước trước công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là cơ sở để người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

          Với việc ban hành Quyết định số 1079/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023 - 2028 đã xác định rõ các quy định về quyền con người ở Việt Nam đang được quan tâm thực hiện đầy đủ trên thực tế. 

          Bằng việc ban hành Kế hoạch triển khai, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện trách nhiệm trong công tác chỉ đạo việc thực hiện truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, đồng thời cùng với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh với những nhiệm vụ cụ thể và sự ủng hộ của nhân dân trong việc thi hành các quy định của pháp luật về quyền con người, thì chắc chắn các nội dung theo Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023 - 2028 của Chính phủ sẽ được thực hiện hiệu quả tại Thanh Hóa, qua đó tiếp tục nâng cao và mang lại những gia trị vật chất và tinh thần hơn nữa cho Nhân dân./.

 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.