THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Ngày tạo:  27/02/2023 17:56:32
Ngày 14 tháng 11 năm 2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quôc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 7 năm 2023. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, ngoài ra Luật này còn sửa đổi, bổ sung Điều 135 của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Bộ luật số 45/2019/QH14 và Luật số 59/2020/QH14 như sau:“Điều 135. Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 14 Điều 114 của Bộ luật này trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.

       I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)

       Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc cũng như sự nghiêm túc, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế đã tham gia.

       Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả tốt cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

       Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về bạo lực gia đình do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy những bức tranh hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 19.274 vụ trong năm 2015 và 4.967 vụ trong năm 2021. Trong khi đó, Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). So với số liệu của cuộc Điều tra được thực hiện năm 2009 thì số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam còn tăng lên.

        Nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và Giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào như đánh, đấm, đạp, tát… và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Đáng chú ý, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại. Cũng theo nghiên cứu này, bạo lực gia đình với người cao tuổi diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Các hành vi bạo lực với người cao tuổi như “bỏ mặc không quan tâm về tình cảm” chiếm 10,2%, “không quan tâm, chăm sóc ăn uống, thuốc men” chiếm 8,5% bên cạnh các hành vi khác như bị ép buộc lao động, bị tranh giành tài sản thừa kế, bị đập phá tài sản, tịch thu tiền, bị coi thường, sỉ nhục, quát mắng, dọa nạt.

        Bạo lực gia đình cũng được xem là một trong những tác nhân chính làm tan vỡ hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn).Báo cáo của ngành Tư pháp cho thấy chỉ riêng năm 2014 tiếp nhận hòa giải 31.528 vụ việc bạo lực gia đình, năm 2015 là 33.966 vụ.

        Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

         Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Từ những lý do nêu trên cho thấy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như sau:

    1. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước

      Nghị quyết Đại hội Đảng XII quy định: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng, làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

        Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII cũng đề ra các quan điểm, chủ trương, giải pháp cụ thể cho việc thực hiện các biện pháp phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả.

       Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tiếp tục xác định gia đình là yếu tố quyết định trong tiến trình xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện. Gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, giáo dục đạo đức, lối sống văn minh và trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp.

        Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới đã chỉ ra một trong những thách thức hiện nay là “chưa xử lý triệt để tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em;… ”. 

         Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều quy định quan trọng về xây dựng và phát triển gia đình như: “Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân”. Cụ thể hóa Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành các văn bản luật để bảo vệ quyền và lợi ích của công dân như: Bộ luật Hình sự (2015), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự (2015), Bộ luật Lao động (2019); Luật Hôn nhân và Gia đình (2014); Luật Trẻ em (2016); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (2019); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (2020); Luật Phòng, chống ma túy (2021) và một số luật khác có liên quan.

        2. Giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

        a) Về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ, bảo vệ trong phòng, chống bạo lực gia đình

  •           - Những bất cập của thuật ngữ, khái niệm

       + Trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, một số khái niệm chưa được làm rõ, dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong quá trình tổ chức thực hiện. Ví dụ, Luật hiện hành quy định “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Định nghĩa này chưa đề cập rõ vấn đề bạo lực tình dục. Hành vi bạo lực tình dục đã diễn ra ở nhiều khu vực, xuất hiện trong các tầng lớp xã hội tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Luật về phòng, chống bạo lực gia đình của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đều xác định bạo lực tình dục là một trong các dạng thức của bạo lực gia đình. Xã hội Việt Nam hiện nay đã xuất hiện một số dạng thức bạo lực gia đình mới mà Luật hiện hành chưa xác định, đề cập. Việc nhận diện chưa đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình khiến nhận thức về bạo lực gia đình ở các cấp, các ngành và người dân khác nhau. Từ đó dẫn đến những bất cập trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình và thu thập thông tin về bạo lực gia đình.

        + Bên cạnh đó, Luật hiện hành không có điều khoản riêng quy định về giải thích từ ngữ, do đó còn thiếu một số khái niệm quan trọng, một số khái niệm chưa được giải thích rõ như: bạo lực trên cơ sở giới, cấm tiếp xúc, phát tán thông tin đời tư về người bị bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình. Trong khi đó đa số các Luật của Việt Nam hiện nay đều có điều khoản riêng quy định về giải thích từ ngữ trong luật (Ví dụ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đều có Điều 2 Giải thích từ ngữ; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì vấn đề này được quy định ở Điều 3).

        - Những bất cập của các quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình

       + Luật hiện hành xác định rõ nguyên tắc lấy phòng để chống nhưng biện pháp phòng ngừa trong Luật hiện hành chưa chủ động, không bảo đảm tính liên tục. Việc phòng, chống bạo lực gia đình cần thực hiện trước khi xảy ra, khi đang xảy ra và khi kết thúc. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả không chỉ dừng hành vi bạo lực tức thời mà còn ngăn việc hành vi bạo lực gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Với vụ việc bạo lực gia đình đã kết thúc, ngoài xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật thì cũng cần có những biện pháp hỗ trợ để giúp người có hành vi bạo lực gia đình chuyển đổi hành vi bạo lực, nói cách khác là phòng ngừa vòng xoáy bạo lực gia đình tái diễn. Nhưng những quy định về phòng ngừa trong Luật hiện hành chưa thể hiện được điều này.

         + Bạo lực gia đình có nguyên nhân sâu xa từ bất bình đẳng giới trong gia đình.Các yếu tố lạm dụng rượu, bia và xử lý hành vi vi phạm không nghiêm minh là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ bạo lực gia đình ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng hơn và nhiều vụ việc không được xử lý thích đáng, hoặc bị lãng quên, bỏ mặc đằng sau cánh cửa gia đình. Việc hỗ trợ, giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình sau khi bị xử lý theo quy định của pháp luật để họ không tái diễn cũng là một biện pháp phòng ngừa bền vững songchưa được quy định trong Luật hiện hành.

         - Những bất cập của các quy định về hoà giải 

        + Hòa giải là biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình và phòng ngừa tái diễn bạo lực gia đình, không thay thế các biện pháp xử lý vụ việc bạo lực gia đình. Trong 15 năm thực hiện Luật cho thấy công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa phát huy được hiệu quả. Khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng hòa giải và khi nào thì cần các biện pháp khác chưa được quy định rõ trong Luật. Trong thực tiễn, việc hòa giải đôi khi còn dẫn đến tình trạng “bạo lực kép” do người thực hiện hòa giải thiếu những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, về giới và về quyền con người. Việc hòa giải được coi như biện pháp xử lý vụ việc bạo lực gia đình đã dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình kéo dài năm này qua năm khác. Luật cũng thiếu các quy định về tiêu chí (trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức) của hòa giải viên, tổ hòa giải...

        - Những bất cập của các quy định về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

       + Các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình trong Luật hiện hành còn khá phức tạp. Nhiều nạn nhân bạo lực gia đình ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào và bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo.

      + Luật hiện hành quy định khi áp dụng biện pháp cấm tiếp tục thì phải có đơn đề nghị. Việc quy định viết đơn trong áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là thủ tục hành chính không cần thiết gây khó khăn cho chính người bị bạo lực cũng như các cơ quan chức năng.

      + Luật hiện hành không quy định rõ ai là người phải ra khỏi nhà khi xảy ra bạo lực gia đình, trong khi đó, hầu hết các vụ bạo lực gia đình, người phải ra khỏi nhà lại là người bị bạo lực.

      + Luật cũng thiếu các quy định cụ thể về việc cứu người trong trường hợp cấp thiết, đặc biệt với các nạn nhân là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ cũng như các nhóm dễ bị tổn thương, yếu thế khác.

      + Luật hiện hành quy định các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra. Tuy nhiên, các biện pháp này thiếu khả thi trong thực tiễn, đặc biệt là các biện pháp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19. Nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định cụ thể về việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình hoặc cử công an viên đến nhà để làm việc với người gây bạo lực gia đình. Nội dung này vừa giúp ngăn chặn vụ việc bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình, vừa có tính răn đe, giáo dục người gây bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức, thái độ của cộng đồng.

      + Việc phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình quy định tại Điều 18 Luật hiện hành cũng chưa làm rõ nội dung về trách nhiệm xác minh, xử lý tin báo về vụ việc bạo lực gia đình. Thực tiễn cho thấy đây là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng tới tính kịp thời và hiệu quả của việc ngăn chặn, xử lý vụ việc bạo lực gia đình.

       + Luật hiện hành chưa có các quy định cụ thể để bảo vệ và hỗ trợ các nhóm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình (đặc biệt là người trực tiếp ngăn chặn, xử lý vụ việc bạo lực gia đình).

       - Những bất cập của các quy định về xử lý hành vi bạo lực gia đình và vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình

     + Chương V của Luật hiện hành quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực và khiếu nại, tố cáo. Chương này thiếu những quy định để xử lý trường hợp hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

      + Biện pháp phạt tiền trong xử phạt hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình chưa phát huy hiệu quả. Nhiều trường hợp, người bị bạo lực gia đình là người đứng ra nộp phạt và số tiền nộp phạt lấy từ tài sản chung của gia đình. Điều này khiến cho người bị bạo lực gia đình không muốn tố cáo hành vi bạo lực gia đình trong lần tiếp theo và cũng không giúp cho việc răn đe, giáo dục đối với người gây bạo lực. Vì vậy, ngoài phạt tiền thì cần có các biện pháp mang tính bền vững hơn như giáo dục kiểm soát hành vi, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, hỗ trợ người gây bạo lực tham gia các khóa học về kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực, chủ động cai nghiện rượu, bia, cờ bạc, nghiện game bạo lực, ma túy, các chất gây nghiện để hạn chế bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Luật hiện hành chưa có quy định về vấn đề này.

       + Luật hiện hành cũng chưa có quy định về việc hỗ trợ, động viên, giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình sau khi bị xử lý theo quy định của pháp luật để họ không tái diễn hành vi bạo lực gia đình.

       + Luật hiện hành chưa quy định rõ về thẩm quyền và trách nhiệm của công an cấp xã trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, xác minh và xử lý hành vi bạo lực gia đình.

      b) Về công tác phối hợp liên ngành và điều kiện đảm bảo để thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình

      - Công tác phòng, chống bạo lực gia đình có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức. Luật hiện hành cũng dành 12 điều để quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các cơ quan, tổ chức chưa được đề cập dẫn đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn thiếu đồng bộ. Hiện nay, tại cấp tỉnh, huyện, xã có ban chỉ đạo công tác gia đình, trong đó có thực hiện việc phòng, chống bạo lực gia đình nhưng ở trung ương lại chưa có ban chỉ đạo, khiến các địa phương thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo theo ngành dọc từ trung ương. Luật hiện hành cũng chưa quy định rõ vai trò điều phối về phòng, chống bạo lực gia đình của cơ quan quản lý nhà nước.

      - Điều kiện bảo đảm là vấn đề then chốt quyết định đến việc triển khai và thi hành pháp luật. Điều 6 của Luật hiện hành còn quy định khá chung chung về kinh phí cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Kinh phí dành cho các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay được bố trí lồng ghép, nhiều địa phương không có mục chi về phòng, chống bạo lực gia đình. Do đó, nhiều nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình không thực hiện được. Hiện nay, kinh phí chi cho công tác gia đình trong đó có nội dung phòng, chống bạo lực gia đình chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng kinh phí chi cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

       - Luật hiện hành chưa quy định cụ thể về trách nhiệm cũng như biện pháp xử lý đối với người đứng đầu trong phòng, chống bạo lực gia đình. Thực tế cho thấy lực lượng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình cần phải thiết lập ở cộng đồng dân cư để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa. Luật chưa có giải pháp cụ thể về mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.

       c) Về công tác xã hội hoá trong phòng, chống bạo lực gia đình

       - Khoản 5 Điều 6 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định “Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng, nếu bị thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên quy định này rất khó thực hiện do việc khen thưởng đối với người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được thực hiện trong bình xét thi đua công tác năm. Những tập thể, cá nhân khác tham gia phòng, chống bạo lực gia đình chỉ được khen thưởng vào những dịp tổng kết chương trình, đề án, dự án nhưng số lượng khen thưởng cũng hạn chế.

       - Bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng thì việc hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình bị tổn hại về sức khỏe, thiệt hại về tài sản cũng chưa được thực hiện. Thời gian qua, một số trường hợp khi chứng kiến hành vi bạo lực gia đình đã can ngăn và bị người có hành vi bạo lực gia đình gây thương tích, thậm chí có trường hợp bị tử vong nhưng việc áp dụng chính sách để hỗ trợ cho những trường hợp này gặp khó khăn.

       - Trong những năm qua, đã có một số cá nhân, tổ chức xã hội tham gia đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Việc khuyến khích sự tham gia của cá nhân, tổ chức này sẽ bổ sung nguồn lực rất lớn cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình nhưng Luật hiện hành chưa có quy định khuyến khích, hỗ trợ để sự tham gia này có hệ thống và bền vững.

       3. Bảo đảm phù hợp với các Điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và bài học kinh nghiệm quốc tế

       Việt Nam đã tham gia các cam kết quốc tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quyền con người, vấn đề bạo lực gia đình. Đáng chú ý là Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các khuyến nghị của Ủy ban các Công ước Nhân quyền. Công ước CEDAW có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 19/3/1982. Ngay sau khi tham gia các cam kết quốc tế liên quan đến bạo lực gia đình, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng để cụ thể hóa về mặt pháp lý như ban hành Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Hôn nhân và Gia đình (2014).

        Ở khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia chủ động đưa ra nhiều sáng kiến và tham gia các tuyên bố chung liên quan đến bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình. Tương tự như nhiều quốc gia khác, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam dựa trên tiếp cận đa ngành và toàn diện nhằm giải quyết bạo lực gia đình. 

        Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới khi giải quyết vấn đề bạo lực gia đình như: tại Úc khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì người có hành vi bạo lực gia đình là người phải ra khỏi nhà trong trường hợp người bị bạo lực gia đình lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của nước ta hiện nay chưa quy định rõ điều này dẫn đến quá trình thực thi luật, người phải ra khỏi nhà lại chính là người bị bạo lực gia đình. Việc áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình cũng được New Zealand thực hiện. Theo đó, quốc gia này trao cho cảnh sát quyền được ban hành lệnh an toàn nếu thấy cần thiết để bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Trong trường hợp vì sự an toàn cho người bị bạo lực gia đình, cảnh sát có thể ban hành lệnh an toàn mà không cần sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình. Mặt khác, cảnh sát New Zealand có thể tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình không quá 2 giờ để phục vụ xác minh, điều tra sự việc nếu người có hành vi bạo lực không tuân thủ thì có thể bị cảnh sát bắt mà không cần đến quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tại Hàn Quốc, sau khi cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo, tố giác về hành vi bạo lực, cán bộ điều tra sẽ lập tức đến hiện trường vụ việc bạo lực gia đình. Trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc cán bộ điều tra có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết, bao gồm tách người bị bạo lực gia đình, người cung cấp tin báo, tố giác, nhân chứng, v.v. khỏi đối tượng có hành vi bạo lực vì mục đích điều tra để họ có thể thoải mái cung cấp lời khai. Luật của Hàn Quốc cũng quy định không ai được phép từ chối hợp tác với cán bộ điều tra được phái cử đến hiện trường vụ bạo lực gia đình hoặc can thiệp vào các hoạt động của cán bộ điều tra này mà không có lý do chính đáng. Tại Anh, cảnh sát cấp cao đưa ra thông báo cảnh cáo người có hành vi bạo lực gia đình để làm cơ sở cho xử lý nếu tái phạm hành vi bạo lực. Theo đó, người có hành vi bạo lực gia đình sau khi đã nhận được thông báo của cảnh sát nếu tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình thì sẽ bị bắt giữ mà không cần có lệnh bắt. Tại Malaysia, nhân viên phúc lợi xã hội ban hành lệnh bảo vệ khẩn cấp sẽ gửi một bản sao của lệnh cho sĩ quan cảnh sát quận, huyện nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú hoặc bất kỳ cảnh sát nào khác dưới quyền chỉ huy của người đó. Cảnh sát có trách nhiệm thi hành ngay quyết định này.

         Tại Thụy Điển, Chính phủ coi bạo lực gia đình là trở ngại cấp bách nhất đối với bình đẳng giới. Việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình được coi là một trong những giải pháp thực hiện bình đẳng giới. Thụy Điển đã phát triển mạng lưới hỗ trợ người bị bạo lực gia đình thông qua địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, thực hiện giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình hay sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng, hoạt động thể thao để tuyên truyền vận động cho phòng, chống bạo lực gia đình.

        Từ các nội dung nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) là rất cần thiết nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

       II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)

        1. Quan điểm xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

         Một là, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về gia đình, trực tiếp là Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII cũng đề ra các quan điểm, chủ trương, giải pháp cụ thể cho việc thực hiện các biện pháp phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả.

          Hai là, bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng gia đình Việt Nam và phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình; bảo đảm thiết lập các nguyên tắc và biện pháp phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

          Ba là, tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam.

        Bốn là, kế thừa đầy đủ các chế định cơ bản của Luật hiện hành còn phù hợp, có điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những vướng mắc, bất cập và bổ sung những vấn đề mới phát sinh.

       2. Mục tiêu xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

         Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

        III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN 

        Nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được     Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm:

       Chính sách 1: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;

      Chính sách 2: Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình;

      Chính sách 3: Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

      Bố cục và nội dung cơ bản

     Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 56 Điều. gồm: Chương 1, về  nội dung những quy định chung có 12 điều (từ điều 1 đến điều 12); Chương 2. Quy định nội dung về phòng ngừa bạo lực gia đình, gồm 6 điều (từ điều 13 đến điều 19);  Chương 3. Quy định nội dung về việc bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình. Với 33 điều (từ điều 19 đến điều 41) được quy định tại 4 mục; Chương 4, quy định điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình, có 4 điều (từ điều 42 đến điều 45),  Chương 5, quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng, chống bạo lực gia đình, gồm 9 điều (từ điều 46 đến điều 54),  Chương 6, quy định về điều khoản thi hành

        Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổiquy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Trên cơ sở nguyên tắc: Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sócthực hiện bình đẳng giới. Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình. Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng. Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.