THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Kết quả thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2022

Ngày tạo:  03/03/2023 09:56:48
Ngày 02 tháng 3 năm 2023, Ủy Ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 2550/UBND-THKH chỉ đạo triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi vị trí công tác.

Năm 2022, việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức  trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực; việc xây dựng kế hoạch và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác trong năm đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng thực hiện; một số bộ, ngành Trung ương đã ban hành Danh mục và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn công tác trong ngành, lĩnh vực là cơ sở để các cơ quan, đơn vị rà soát, xác định các trường hợp phải chuyển đổi vị trí công tác. Kết quả thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đã góp phần tích cực trong phòng ngừa tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị. 

          Theo Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác năm 2022 của 60 đơn vị gửi về Sở Nội vụ tổng hợp, có 50/60 đơn vị đã xây dựng Kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác năm 2022. Nhìn chung Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của các cơ quan, đơn vị về cơ bản phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP về các nội dung: mục đích, yêu cầu, các vị trí phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, thời gian đảm nhiệm vị trí công tác phải thực hiện chuyển đổi; những trường hợp chưa hoặc không thực hiện chuyển đổi.

          Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của các cơ quan, đơn vị, năm 2022, toàn tỉnh có 944 trường hợp đã được luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác. Trong đó: Luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức quản lý: 189 trường hợp (gồm: cán bộ: 26; công chức: 34; viên chức: 129). Chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý; cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước và người lao động: 755 trường hợp (gồm: công chức: 344; viên chức: 400; cán bộ quản lý DNNN và người lao động: 11).

          Theo đánh giá của Sở nội vụ, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số đơn vị chưa phân biệt được đối tượng luân chuyển và đối tượng chuyển đổi vị trí công tác, dẫn tới việc chuyển đổi vị trí công tác không đúng đối tượng. Trong quá trình thực hiện một số đơn vị chưa chủ động gửi Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác hàng năm và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nội vụ theo hướng dẫn tại Công văn số 259/SNV-TT ngày 21/02/2020 của Sở Nội vụ nên việc tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chưa đảm bảo đầy đủ và kịp thời.

          Trong quá trình thực hiện chuyển đổi vị trí công tác còn gặp những khó khăn nên phần nào đã ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi vị trí công tác: 

          Về thể chế: 

          Việc quy định thời gian công tác 2 năm phải chuyển đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 không phù hợp với nhiều vị trí công tác, nhất là đối với những vị trí công tác, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, chuyên môn sâu. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, trong một số trường hợp cụ thể làm hạn chế tính chuyên nghiệp của công chức. 

          Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 “việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ”. Tuy nhiên, đối với công chức lãnh đạo, quản lý phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã đều thuộc diện quản lý của huyện, thị, thành ủy, việc điều động, luân chuyển đối với các đối tượng này thực hiện theo kế hoạch của cấp ủy cùng cấp. Do đó, việc UBND cấp huyện ban hành kế hoạch chuyển đổi VTCT đối với các đối tượng này theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 “Định kỳ hằng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ” là không phù hợp với thẩm quyền quản lý cán bộ của cấp ủy.

          Về thực tiễn triển khai: 

          Đối với các phòng chuyên môn thuộc sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, mỗi công chức được bố trí theo vị trí việc làm, phù hợp với chuyên ngành đào tạo, có những trường hợp đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm; việc chuyển đổi sẽ gây xáo trộn, không đảm bảo đúng chuyên ngành đào tạo hoặc không đáp ứng được khối lượng công việc phải đảm nhiệm, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung của cơ quan, đơn vị. 

          Việc chuyển đổi vị trí công tác,  đối với công chức cấp xã từ xã này sang xã khác trong phạm vi huyện khó khăn do không hiểu rõ đặc điểm, địa bàn công tác, không hiểu đặc điểm tình hình địa phương, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Mặt khác, việc chuyển đổi vị trí công tác,  đối với công chức cấp xã còn bất cập do ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trong nguồn quy hoạch của địa phương. 

          Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù như kế toán các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trực thuộc UBND cấp huyện, các trường Trung học phổ thông trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, các bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến huyện trực thuộc Sở Y tế và một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành khác, việc chuyển đổi VTCT rất khó thực hiện do nảy sinh những khó khăn về nơi ăn, ở, sinh hoạt, đi lại đối với công chức, viên chức thực hiện chuyển đổi không có cơ chế giải quyết, khắc phục.

          Trên cơ sở kết quả triển khai, những bất cập phát sinh cả về mặt thể chế cũng như thực tiễn, tại Báo cáo số 99/BC-SNV ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Sở Nội vụ về kết quả thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh năm 2022 theo Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, Sở Nội vụ đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ, Thông tư của Bộ, ngành liên quan và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị để thực hiện có hiệu quả việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ về Sở Nội vụ, gồm: Kế hoạch luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác hàng năm; báo cáo 6 tháng (trước ngày 25/6 hàng năm); báo cáo năm (trước ngày 25/12 hàng năm); báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan, cấp có thẩm quyền.

          Để đảm bảo hiệu quả triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi vị trí công tác, cũng như thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật thì ngày 02 tháng 3 năm 2023, Ủy Ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 2550/UBND-THKH chỉ đạo triển khai nhiệm vụ theo đó UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của Sở Nội vụ tại Báo cáo số 99/BC-SNV ngày 23/02/2023; giao Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ quy định của pháp luật, tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương và ý kiến của Sở Nội vụ tại văn bản nêu trên, tổ chức triển khai thực hiện những nội dung, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, đảm bảo theo đúng quy định; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ để tổng hợp) theo quy định./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.