THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Sở Tư pháp Thanh Hóa tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn huyện Thọ Xuân

Ngày tạo:  17/04/2023 15:41:25
Ngày 10 tháng 4 năm 2023, Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ Hòa giải viên trên địa bàn toàn huyện Thọ Xuân. Hội nghị có sự tham gia của hơn 350 đại biểu thuộc các thành phần được mời là Đại diện Lãnh đạo UBND huyện; Đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; Phòng Tư pháp huyện; Đại diện lãnh đạo UBND, Đại diện MTTQ và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch các xã, thị trấn trong huyện và các hòa giải viên (Tổ trưởng và các thành viên Tổ hòa giải).

          Nhằm thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Đảm bảo có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, bảo đảm sự kết nối, lồng ghép các hoạt động. Huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. 

          Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 03/2/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023; Sở Tư pháp Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-STP ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Sở Tư pháp về triển khai công tác hòa giải ở cơ sở năm 2023. Để thực hiện các nội dung theo Kế hoạch đề ra, ngày 10 tháng 4 năm 2023, Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ Hòa giải viên trên địa bàn toàn huyện Thọ Xuân.

          Hội nghị có sự tham gia của hơn 350 đại biểu thuộc các thành phần được mời là Đại diện Lãnh đạo UBND huyện; Đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; Phòng Tư pháp huyện; Đại diện lãnh đạo UBND, Đại diện MTTQ và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch các xã, thị trấn trong huyện và các hòa giải viên (Tổ trưởng và các thành viên Tổ hòa giải).

          Hội nghị được tổ chức tại Hội trường UBND huyện Thọ Xuân, để tập huấn cho các đại biểu về nội dung những quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; pháp luật về Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan.

          Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đã đánh giá công tác hòa giải trên địa bàn huyện trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hòa giải thành luôn cao hơn so với mặt bằng chung của cả tỉnh, công tác này đã góp phần giải quyết tranh chấp trong cộng đồng dân cư ngay chính từ cơ sở, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội đồng thời giúp các cơ quan giảm tải công việc, hạn chế khiếu khiện vượt cấp, góp phần đưa nhân dân chủ động trong quản lý nhà nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí cũng đánh giá công tác hòa giải hiện nay vẫn còn có một số hạn chế như: Một số xã chưa thực sự nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội, vì vậy có phần thiếu sự quan tâm lãnh đạo kịp thời, cơ sở vật chất cho công tác này chưa đáp ứng đủ; đội ngũ hòa giải viên còn thiếu phương pháp, kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật chuyên sâu; một số tổ hòa giải chưa thực hiện đúng quy trình về công tác hòa giải ở cơ sở, còn xem việc hòa giải là đơn giản, chỉ mời các bên tiến hành hòa giải miệng. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngày càng gia tăng và phức tạp hơn, đòi hỏi công tác hòa giải ở cơ sở cần phải đổi mới hơn nữa để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Vì vậy, đồng chí đánh giá việc Sở Tư pháp quan tâm tổ chức tập huấn cho Hòa giải viên trên địa bàn toàn huyện là hết sức cần thiết và đây là cơ hội để các đại biểu cập nhật kiến thức, nâng cao nghiệp vụ để đảm bảo công tác hòa giải trên địa bàn toàn huyện đạt được những kết quả cao hơn nữa, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng huyện Thọ Xuân trở thành huyện Nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới.

          Hội nghị đã được nghe đồng chí Phan Văn Đại - Trưởng phòng phổ biến, giáo dục pháp luật, Báo cáo viên pháp luật của Sở Tư pháp trình bày chuyên đề các quy định của pháp luật về Hòa giải ở cơ sở và kỹ năng thực hiện công tác hòa giải. Đối với chuyên đề này báo cáo viên đã đi sâu phân tích các quy định của pháp luật hòa giải cơ sở. Với ý nghĩa Là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn hiệu quả, hòa giải ở cơ sở đã góp phần giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

          Dưới góc độ phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội: Công tác hòa giải ở cơ sở thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân, xã hội trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Hòa giải viên là người hoạt động vì lợi ích cộng đồng, họ không hướng tới mục tiêu lợi nhuận; công việc của hòa giải viên là hàn gắn những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, dòng họ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau; để từ đó không cần đến sự can thiệp của Nhà nước đối với những công việc mà xã hội có thể tự làm được. Điều này thể hiện cao quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Hiến pháp năm 2013.

          Hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại vượt cấp, kéo dài: Kết quả hòa giải thành ở cơ sở phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, bởi nội dung thỏa thuận khi hòa giải thành là ý chí của các bên tranh chấp, các bên hài lòng với giải pháp đã thống nhất nên thường tự giác thi hành một cách nhanh chóng (đa số các trường hợp không cần tòa án công nhận). Vì thế, các mâu thuẫn được triệt tiêu hoàn toàn nên không có khiếu kiện (bao gồm cả khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài). Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

          Hoạt động hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân: Bằng việc vận dụng những quy định pháp luật để giải thích, phân tích, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, hòa giải viên đã giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để từ đó xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.

          Công tác hòa giải ở cơ sở giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để; ít tốn kém về thời gian, nhân lực: Hòa giải viên ở cơ sở là người sinh sống tại địa bàn dân cư nên họ có điều kiện phát hiện sớm và nắm bắt được nội dung vụ việc, tranh chấp. Ngay khi vụ việc vừa phát sinh, hòa giải viên ở cơ sở biết được sự việc, có mặt kịp thời để can ngăn sự việc tiến triển theo chiều hướng xấu, dàn xếp ngay, làm cho sự việc lắng xuống, các bên bình tĩnh lại và từ đó hướng dẫn, giúp đỡ các bên hóa giải mâu thuẫn một cách ổn thỏa. Khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải ở cơ sở, các bên không phải trả lệ phí, không mất nhiều thời gian tham gia vụ kiện, công việc không bị ảnh hưởng.

          Kết quả hòa giải thành ở cơ sở phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, góp phần giảm khiếu kiện của nhân dân: Khi hòa giải thành, nội dung thỏa thuận là ý chí của các bên tranh chấp, các bên hài lòng với giải pháp giải quyết do chính họ đưa ra nên thường là tự giác thi hành một cách nhanh chóng (đa số các trường hợp không cần tòa án công nhận, họ tự nguyện thực hiện theo các nội dung đã thỏa thuận).

          Hòa giải ở cơ sở tiết kiệm chi phí cho các bên: Khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải ở cơ sở, các bên tiết kiệm và giảm thiểu rất nhiều chi phí. Hiện nay, vụ việc hòa giải ở cơ sở không tính phí, hòa giải viên làm việc trên cơ sở tự nguyện, vì lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng.

          Ngoài ra báo cáo viên còn chỉ ra các quy định của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và những văn bản pháp luật có liên quan quy định những nguyên tắc, phạm vi thực hiện hòa giải…

          Đối với các nội dung về kỹ năng hòa giải, Báo cáo viên đã hướng dẫn các đại biểu về các kỹ năng thu thập thông tin, xử lý các nguồn thông tin, phân tích vụ việc, cũng như áp dụng các văn bản pháp luật liên quan, kỹ năng tổ chức buổi hòa giải, kỹ năng lập biên bản, kỹ năng nắm bắt tâm lý của các bên …. Đây là những kỹ năng quan trọng giúp cho hòa giải viên thực hiên tốt các nhiệm vụ trong hòa giải các vụ việc, ngoài ra báo cáo viên còn chỉ rõ các kỹ năng vận dung các giá trị đạo đức vào thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

          Về chuyên đề các văn bản pháp luật thực định, đồng chí Cao Văn Phương báo cáo viên thuộc Sở Tư pháp đã trình bày với hội nghị những quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các quy định của pháp luật về dân sự…đặc biệt đồng chí đã đi sâu phân tích các điểm mới trong quy định của Luật Phòng chống báo lực gia đình sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2023. Đây là những văn bản pháp lý sẽ thường xuyên được các đại biểu áp dụng trong công tác hòa giải ở cơ sở, những mâu thuẫn, tranh chấp pháp sinh trong những quan hệ về dân sự, hôn nhân gia đình sẽ thường xuyên, do đó báo cáo viên đã chỉ rõ từng nhóm mâu thuẫn cũng như cách thức áp dụng các loại văn bản này trong giải quyết tranh chấp về hòa giải.

          Hội nghị cũng đã dành thời gian để các đại biểu thảo luận, nhiều tình huống thực tiễn cũng đã được đưa ra và trao đổi, những khó khăn của cơ sở đã được giải đáp, đồng thời nhiều ý kiến đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện hòa giải, nhiều đại biểu thể hiện tâm huyết đối với công tác hòa giải, và đều cho rằng tuy tham gia công tác hòa giải không vì mục đích kinh tế nhưng các đại biểu nhận thấy đây là nhiệm vụ với cộng đồng và cần góp sức trong công cuộc xây dựng một cộng đồng dân cư bình yên và hạnh phúc.

          Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Dương Thị Hiền - Trưởng phòng Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Thọ Xuân đã đánh giá Hội nghị được tổ chức thành công tốt đẹp, các báo cáo viên đã truyền tải nhiều nội dung bổ ích tới các đại biểu, những nội dung chuyên sâu cũng như những kiến thức mới sẽ là hành trang để các hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn huyện Thọ Xuân tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vai trò của Hòa giải viên, đồng thời đồng chí đã cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Sở Tư pháp và các báo cáo viên đã tạo điều kiện nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên, đồng chí cũng yêu cầu, sau hội nghị các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục quan tâm tới công tác hòa giải, phát huy vai trò của đội ngũ hòa giải viên, và đội ngũ hòa giải viên với trách nhiệm vì cộng đồng tiếp tục cống hiến góp phần xây dựng quê hương Thọ Xuân ngày một phát triển, đảm bảo cho Nhân dân được sống trong môi trường bình an và xã hội hạnh phúc./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.


TIN KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC



Email không được để trống và đúng định dạng.