THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TƯ PHÁP
   

NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Ngày tạo:  31/05/2022 17:43:11
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chínhđược Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2022 (sau đây gọi là Luật số 67/2020/QH14). Luật số 67/2020/QH14 được thông qua đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chínhđược Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2022 (sau đây gọi là Luật số 67/2020/QH14). Luật số 67/2020/QH14 được thông qua đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

          I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

          Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Sau quá trình triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể:

          Một là, đối với quy định chung tại Phần thứ nhất của Luật XLVPHC, những khó khăn, vướng mắc tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Quy định về giải thích từ ngữ “tái phạm” vẫn còn có những cách hiểu khác nhau; sự không thống nhất giữa quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 và điểm b khoản 1 Điều 10 về việc xử lý đối với trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”; tại Điều 12 Luật XLVPHC quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên, trên thực tế, còn một số hành vi vi phạm thường xảy ra trong quá trình áp dụng pháp luật nhưng chưa được Luật XLVPHC quy định là hành vi bị nghiêm cấm...

          Hai là, đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính, những khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; sự thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến thay đổi về thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền dẫn đến tình trạng dồn quá nhiều vụ việc lên cơ quan cấp trên; thiếu quy định về việc cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; các quy định về thời hạn, thời hiệu thực hiện các công việc chưa phù hợp thực tế; thủ tục thực hiện một số công việc (như lập biên bản vi phạm hành chính, giải trình...) chưa cụ thể; quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính cũng gặp một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng do phạm vi lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ còn hạn hẹp, chưa có quy định cụ thể về quy trình “chuyển hóa” kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị do các cá nhân, tổ chức cung cấp thành chứng cứ để xác định vi phạm hành chính; thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn nhiều bất cập; chưa có quy định về việc hoãn thi hành quyết định phạt, giảm, miễn tiền phạt cho đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức, chưa có quy định về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính...

          Ba là, đối với việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: Việc quy định điều kiện, đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Luật XLVPHC hiện hành khiến cho việc triển khai công tác này trên thực tế rất hạn chế (đặc biệt là quy định thực hiện hành vi vi phạm “02 lần trở lên trong 06 tháng”); quy định về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với đối tượng nhiều lần thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong một số trường hợp không có sự thống nhất với quy định của BLHS; thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị kéo dài không cần thiết do đối tượng phải trải qua biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất; một số quy định thiếu tính khả thi; thiếu quy định về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy...

          Bốn là, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật hiện hành cũng gặp nhiều vướng mắc, bất cập, cụ thể là: Việc quy định những trường hợp được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính quá hạn hẹp; chưa có quy định cụ thể việc thẩm quyền tạm giữ của một chức danh có bị giới hạn bởi thẩm quyền tịch thu của chức danh đó không (trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ có được vượt quá thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện không); thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn rườm rà, chưa tạo điều kiện cho người có thẩm quyền thực thi nhiệm vụ trên thực tế...

          Năm là, đối với công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, khó khăn, vướng mắc chủ yếu phát sinh trong công tác báo cáo định kỳ: Việc quy định chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng thực tế đã và đang gây nhiều khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo do quy định mật độ báo cáo định kỳ như vậy là quá dày, trong khi nội dung, yêu cầu báo cáo nhiều, phức tạp. Bên cạnh đó, thời gian qua, một số Bộ luật, Luật mới được ban hành như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) - BLHS; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Quản lý ngoại thương năm 2017; Luật Dược năm 2016; Luật Thú y năm 2015; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Cạnh tranh năm 2018; Luật Quản lý thuế năm 2019; Luật Chứng khoán năm 2019... đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của Luật XLVPHC hiện hành để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. Xuất phát từ những lý do trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

          II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG LUẬT

          1. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật

          1.1. Tiếp tục thể chế hóa các chủ tương chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng như thể chế hóa những chủ trương mới của Đảng nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, 6, 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

          1.2. Sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan trực tiếp đến những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

          1.3. Tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả và bảo đảm dân chủ trong quy định về thủ tục xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là người chưa thành niên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành, áp dụng pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong thực tiễn.

          1.4. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, trọng tâm là pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với pháp luật về phòng, chống ma túy, pháp luật hình sự; bảo đảm tính tương thích của các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đặc biệt là một số công ước quốc tế về quyền con người.

          2. Mục đích

          Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC), góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

          III. BỐ CỤC CỦA LUẬT

          Luật số 67/2020/QH14 bố cục thành 03 điều, cụ thể:

          - Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có 75 khoản);

          - Điều 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14).

          - Điều 3: Hiệu lực thi hành.

          IV. NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT

          Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật XLVPHC hiện hành, với những nội dung mới cơ bản sau đây:

          1. Về những quy định chung

          Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số quy định chung tại Phần thứ nhất của Luật XLVPHC bao gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm tái phạm (khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC); nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính nhiều lần (điểm d khoản 1 Điều 3 của Luật XLVPHC); thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (Điều 6 Luật XLVPHC); thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (Điều 4 Luật XLVPHC); hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12 Luật XLVPHC), cụ thể:

          1.1. Về thuật ngữ tái phạm

          Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC về giải thích từ ngữ “tái phạm”, theo đó, tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.

          1.2. Về xử lý hành vi vi phạm hành chính nhiều lần Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC quy định cụ thể về nguyên tắc xử phạt đối với từng hành vi trong trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”. Theo đó, một người thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.

          Quy định này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 và điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC hiện hành do chưa có sự thống nhất trong áp dụng pháp luật trên thực tiễn đối với các trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, cụ thể: Điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC quy định một người “vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”, trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC lại quy định: “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng – là tình tiết được người có thẩm quyền xem xét khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tức là chỉ xử phạt đối với 01 hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính để tăng mức phạt trong khung quy định).

          1.3. Về thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Điều 4 Luật XLVPHC, cụ thể: Bổ sung quy định Chính phủ được giao quy định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; đối tượng bị xử phạt; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước bên cạnh thẩm quyền được giao quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Quy định này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

          Bên cạnh đó, Luật cũng làm rõ hơn quy định về việc sử dụng biểu mẫu trong trong xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, biểu mẫu được sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

          Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định tại Điều 4 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo hướng giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, căn cứ quy định của Luật này để quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

          1.4. Về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính Liên quan đến thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, theo đó:

          (i) Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn lên 02 năm, đồng thời, quy định rõ vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (theo Luật XLVPHC hiện hành, lĩnh vực thủ tục thuế có thời hiệu xử phạt là 02 năm).

          (ii) Sửa đổi quy định về thời hiệu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với những nội dung được sửa đổi, bổ sung về các biện pháp xử lý hành chính.

          (iii) Bổ sung quy định về việc tính thời hiệu trong trường hợp cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo hướng thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

          1.5. Về những hành vi bị nghiêm cấm

          Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật XLVPHC, có thể thấy một số sai phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thường xảy ra trong quá trình áp dụng pháp luật nhưng chưa được Luật XLVPHC quy định là hành vi bị nghiêm cấm. Chính vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xử lý vi phạm hành chính, Luật số 67/2020/QH14 bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính tại Điều 12 Luật XLVPHC như: Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

          2. Về xử phạt vi phạm hành chính

          2.1. Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực

          Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định từ năm 2012 (thời điểm ban hành Luật XLVPHC). Tại thời điểm hiện nay, mức phạt tiền này đối với một số lĩnh vực quá thấp so với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sau gần 08 năm (tính từ thời điểm ban hành Luật XLVPHC), một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại kinh tế, thậm chí làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân nhưng mức phạt tối đa áp dụng đối với hành vi vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, thiếu tính răn đe và không đủ sức phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính mới. Bên cạnh đó, việc bổ sung mức tiền phạt tối đa tại Điều 24 của Luật XLVPHC đối với một số lĩnh vực mới đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý làm căn cứ pháp lý để Chính phủ quy định mức phạt tiền cụ thể trong quá trình thi hành Luật XLVPHC những năm qua cũng rất cần thiết.

          Thêm nữa, tên gọi một số lĩnh vực quy định tại Điều 24 của Luật cũng có sự thay đổi trong các luật được thông qua sau khi Luật XLVPHC được ban hành nên cũng cần chỉnh sửa cho thống nhất.

          Để bảo đảm sự phù hợp, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 24 Luật XLVPHC theo hướng (i) tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực; (ii) bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 Luật XLVPHC; (iii) chỉnh sửa tên gọi một số lĩnh vực cho phù hợp với các Luật hiện hành ban hành sau Luật XLVPHC, cụ thể:

          (i) Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như:

          - Giao thông đường bộ: từ 40 triệu lên 75 triệu

          - Phòng, chống tệ nạn xã hội: từ 40 triệu lên 75 triệu

          - Cơ yếu: từ 50 triệu lên 75 triệu

          - Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia: từ 50 triệu lên 75 triệu

          - Giáo dục: từ 50 triệu lên 75 triệu

          - Điện lực: từ 50 triệu lên 100 triệu

          - Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ 100 triệu lên 200 triệu

          - Thủy lợi: từ 100 triệu lên 250 triệu

          - Báo chí:từ 100 triệu lên 250 triệu

          - Kinh doanh bất động sản: từ 150 triệu lên 500 triệu

          (ii) Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 08 lĩnh vực, như: Đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng; bảo hiểm thất nghiệp; in.

          (iii) Sửa đổi tên của một số lĩnh vực như: Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng thành trồng trọt; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi thành chăn nuôi; dạy nghề thành giáo dục nghề nghiệp; quản lý rừng, lâm sản thành lâm nghiệp; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác thành hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; hạn chế cạnh tranh thành cạnh tranh; quản lý công trình thủy lợi; bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành thủy sản.

          2.2. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

          Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với từng lĩnh vực đã được quy định tương đối đầy đủ tại Chương II Luật XLVPHC và được cụ thể hóa tại các nghị định xử phạt trong từng lĩnh vực; việc quy định những chức danh này là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng lực lượng cụ thể. Tuy nhiên, sau quá trình triển khai thi hành, một số quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã nảy sinh những vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật XLVPHC liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh là một trong những yêu cầu cần thiết được đặt ra khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Theo đó, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như sau:

          Một là, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung tên gọi/ bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc, hiện nay, một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chính vì vậy, cơ cấu, tổ chức, tên gọi của một số cơ quan, đơn vị cũng như các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã có sự thay đổi, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số chức danh mới có thẩm quyền xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như bãi bỏ một số chức danh đã được quy định trong Luật nhưng hiện nay không còn thẩm quyền xử phạt. Theo đó, Luật đã bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt theo Luật XLVPHC hiện hành như: Tổng cục trưởng Tổng cục Dữ trữ nhà nước; Cục trưởng Cục Dự trữ khu vực, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Trưởng ban thi đua khen thưởng Trung ương (Điều 46), một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân (Điều 39) do thay đổi cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ...; đồng thời bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt như Kiểm ngư viên, Trạm trưởng trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Điều 43a), Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Điều 45a), Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng (Điều 48a), một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân (Điều 39), Bộ đội biên phòng (Điều 40) và Quản lý thị trường (Điều 45).

          Ngoài ra, Luật cũng đã bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thi hành án dân sự. Khoản 5 Điều 49 của Luật XLVPHC quy định thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, tuy nhiên Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14) không quy định thẩm quyền xử phạt của chức danh này nên chưa bảo đảm tính thống nhất. Thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thời gian qua cho thấy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự vẫn thực hiện thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật XLVPHC. Do vậy, để bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn thi hành, Luật XLVPHC đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự vào khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự (Điều 2 Luật số 67/2020/QH14).

          Hai là, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của một số chức danh theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

          (i) Tăng thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (điểm b khoản 2 Điều 38) và Giám đốc Công an cấp tỉnh (điểm b khoản 5 Điều 39) từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng.

          (ii) Bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cho một số chức danh thuộc Bộ đội Biên phòng (Điều 40) để bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo đó, ngoài thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 40 Luật XLVPHC thì Luật số 67/QH14 bổ sung Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu “quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC.

          (iii) Sửa đổi thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh từ Điều 38 đến Điều 49 Luật XLVPHC theo hướng:

          Bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật XLVPHC hiện hành quy định, Luật sửa đổi quy định các chức danh (tại điểm d khoản 2 Điều 38, điểm d khoản 5 Điều 39, điểm c khoản 4 Điều 44, điểm c khoản 3 Điều 45, điểm d khoản 2 Điều 47, điểm c khoản 4 Điều 49) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền (các chức danh tại điểm c khoản 1 Điều 38, điểm c khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 39, điểm c khoản 4 và điểm c khoản 5 Điều 41, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 43, điểm c khoản 3 Điều 44, điểm c khoản 2 Điều 45, điểm c khoản 1, điểm d khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 46, điểm c khoản 1 Điều 47, điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 48, điểm c khoản 2 Điều 49).

          Quy định này nhằm khắc phục vướng mắc liên quan đến cách quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền của Luật XLVPHC hiện hành. Theo đó, Luật XLVPHC quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh chỉ giới hạn đối với tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá mức tiền phạt. Quy định này của Luật XLVPHC bộc lộ nhiều bất cập, làm phát sinh quá nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới và bị dồn lên cơ quan cấp trên do trong hầu hết các vụ vi phạm, giá trị của các tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đều vượt quá mức phạt tiền thuộc thẩm quyền xử phạt quy định đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở.

          Ba là, Điều 53 Luật XLVPHC hiện hành quy định về vấn đề liên quan đến việc thay đổi tên gọi của chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật này có sự thay đổi về tên gọi thì chức danh đó có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, Luật XLVPHC chưa quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một chức danh trong một số trường hợp như: có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Vì vậy, Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 53 quy định cụ thể về những trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật này có sự thay đổi về tên gọi nhưng không có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó được giữ nguyên.

          Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

          Bốn là, liên quan đến vấn đề giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, Luật XLVPHC đã quy định vấn đề giao quyền xử phạt cho cấp phó tại Điều 54 (giao quyền xử phạt); khoản 2 Điều 87 (giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính); khoản 2 Điều 123 (giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính). Tuy nhiên, Luật XLVPHC chưa có quy định cụ thể về việc giao cho cấp phó có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính cũng như các quyết định khác trong xử lý vi phạm hành chính. Đây là vấn đề tương đối phức tạp và áp dụng nhiều trong thực tiễn. Trong quá trình triển khai, áp dụng quy định của Luật XLVPHC về vấn đề này, đã có những cách hiểu và áp dụng khác nhau, ví dụ: Có quan điểm cho rằng, Luật XLVPHC chỉ quy định về việc giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền trong 03 trường hợp nêu trên, vì vậy, ngoài 03 trường hợp này thì cấp trưởng không được giao quyền cho cấp phó. Tuy nhiên, có quan điểm lại cho rằng, cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền của mình trong tất cả các quyết định liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính, riêng trường hợp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (khoản 2 Điều 87 Luật XLVPHC) và tạm giữ người theo thủ tục hành chính (khoản 2 Điều 123 Luật XLVPHC) là những trường hợp đặc biệt, bởi vì, đây là những biện pháp trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tự do thân thể, quyền tài sản của tổ chức cá nhân, cho nên Luật quy định chặt chẽ hơn theo hướng chỉ cho phép cấp trưởng giao quyền cho cấp phó “khi cấp trưởng vắng mặt”.

          Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 54 theo hướng quy định về việc cấp trưởng giao quyền cho cấp phó áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính tại các khoản 2, 3,4, 5, 6 và 7 Điều 119 của Luật XLVPHC; đồng thời, Luật cũng quy định rõ văn bản giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định.

          2.3. Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính Có thể thấy, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật XLVPHC đã có những điểm mới, tiến bộ, dân chủ (như việc quy định quyền, thủ tục giải trình của đối tượng vi phạm tại Điều 61; nguyên tắc người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính tại điểm đ khoản 1 Điều 3...). Điều này đã đáp ứng được yêu cầu phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với mọi hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính cũng đã nảy sinh, điển hình là những khó khăn, vướng mắc lớn sau đây, đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC. Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng khi sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục xử phạt để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật XLVPHC thời gian qua:

          Một là, Luật XLVPHC quy định thời gian tiến hành một số công việc quá ngắn, chưa phù hợp thực tế, không bảo đảm tính khả thi; thủ tục thực hiện một số công việc cũng chưa cụ thể dẫn đến sự lúng túng trong quá trình áp dụng pháp luật (thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giải trình...)... Do vậy, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập kể trên, cụ thể là:

          - Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 58 Luật XLVPHC)theo hướng quy định nguyên tắc “phải kịp thời lập biên bản” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn lập biên bản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm phù hợp với từng lĩnh vực quản lý nhà nước; đồng thời, quy định cụ thể về địa điểm lập biên bản, nội dung biên bản và bổ sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này; đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định liên quan đến trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Ngoài ra, một trong những điểm mới nổi bật liên quan đến việc lập biên bản vi phạm hành chính là Luật quy định về việc gửi biên bản vi phạm hành chính, theo đó, biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

          - Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục giải trình tại Điều 61 Luật XLVPHC nhằm bảo đảm tính khả thi trên thực tế, đồng thời, bảo đảm nâng cao hơn nữa quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm. Theo đó, đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Về thời hạn giải trình, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ “trong thời hạn không quá 05 ngày” thành “trong thời hạn 05 ngày làm việc”, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời, Luật quy định rõ việc gia hạn của người có thẩm quyền xử phạt phải bằng văn bản. Đối với trường hợp giải trình trực tiếp, Luật sửa quy định về việc người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp từ “trong thời hạn 05 ngày” thành “trong thời hạn 05 ngày làm việc”, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.

          Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật đã bổ sung 01 khoản quy định về trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không yêu cầu giải trình nhưng trước khi hết thời hạn lại có yêu cầu giải trình thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm.

          - Về thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC quy định đối với những tang vật phải thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị thì thời gian quy định là 24 giờ kể từ thời điểm ra Quyết định tạm giữ tang vật, nếu cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không được quá 24 giờ (tổng cộng tối đa là 48 giờ). Có thể thấy thời gian này là không phù hợp vì việc thành lập Hội đồng định giá, việc tổ chức định giá đối với những vụ vi phạm mà tang vật là hàng hóa nhập lậu có giá trị, đặc biệt ở các khu vực biên giới, biển, đảo rất khó khăn. Hơn nữa, có nhiều vụ vi phạm tang vật là nhiều chủng loại hàng hóa, hàng hóa phức tạp, khó xác minh trị giá..., việc xác định giá trị trong khoảng thời gian 24 giờ sẽ không đảm bảo tính chính xác. Do vậy, để tháo gỡ vướng mắc này, Luật đã sửa đổi thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC từ 24 giờ lên 48 giờ.

- Về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Điều 66 Luật XLVPHC quy định: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày. Quá trình thực hiện quy định nêu trên, các bộ, ngành, địa phương cho rằng, quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 1 Điều 66 là tương đối ngắn, đặc biệt là khi vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt. Chính vì vậy, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 66 Luật XLVPHC theo hướng: Đối với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này;

          Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

          Hai là, sửa đổi, bổ sung Điều 64 Luật XLVPHC theo hướng mở rộng lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Theo đó, Luật đã bổ sung các lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia bên cạnh lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. Đối với các lĩnh vực khác sẽ do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, Luật quy định rõ ràng hơn về điều kiện, yêu cầu trong quản lý, sử dụng, quy định danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; điều kiện, yêu cầu trong sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; đồng thời, giao Chính phủ quy định

quy trình chuyển hóa kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị do các cá nhân, tổ chức cung cấp thành chứng cứ để xác định vi phạm hành chính.

          Ba là, về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến vấn đề này nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn như việc xác minh chủ sở hữu phương tiện, việc xử lý đối với các phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị rất khó khăn, mất nhiều thời gian; việc xử lý đối với tang vật, phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ mà không xác định được chủ sở hữu/ người vi phạm hoặc chủ sở hữu/ người vi phạm không đến nhận; việc xử lý đối với tang vật, phương tiện do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu, cụ thể như sau:

          - Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khoản 4 Điều 126 đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc thông báo, niêm yết công khai về tang vật, phương tiện bị tạm giữ (số lần thông báo, thời hạn thông báo, xử lý tài sản sau khi hết thời hạn thông báo, niêm yết công khai...). Đồng thời, Luật số 67/2020/QH14 cũng quy định về việc xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Theo đó, đối với trường hợp này thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

          - Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật số 67/2020/QH14 quy định theo hướng viện dẫn: “Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công” (bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 81 Luật XLVPHC), đồng thời, bãi bỏ Điều 82 Luật XLVPHC.

          2.2.4. Về việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 

          Trong thời gian qua, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định pháp luật và cả những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực thi các quy định pháp luật như chưa có quy định cụ thể về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; chưa quy định hoãn thi hành; giảm, miễn tiền phạt đối với tổ chức nên không kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất

ngờ... Để cơ bản giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung về vấn đề này như sau:

          Một là, Luật số 67/2020/QH14 quy định rõ hơn trường hợp không ra quyết xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định thì không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính rõ ràng hơn khi áp dụng pháp luật tại Điều 65 Luật XLVPHC, cụ thể:

          (i) Người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 Luật XLVPHC, nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

          (ii) Đối với trường hợp hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC) thì không thi hành quyết định đó nữa, nhưng vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nếu quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả.

          (iii) Đối với trường hợp hết thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế (quy định tại khoản 2a Điều 88 Luật XLVPHC) thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, nhưng vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

          Hai là, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, giảm, miễn tiền phạt tại Điều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC theo hướng:

          (i) Việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

          - Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên.

          - Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể, cá nhân, tổ chức phải có xác nhận của các cơ quan, tổ chức sau: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên; Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

          (ii) Việc giảm một phần tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi:

          - Cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.

          - Tổ chức tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

          Ngoài ra, một trong những điểm mới liên quan đến quy định về hoãn, miễn giảm tiền phạt đó là việc Luật đã bổ sung quy định tổ chức cũng được miễn phần tiền phạt còn lại và miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt bên cạnh quy định miễn tiền phạt cho cá nhân như Luật XLVPHC hiện hành. Theo đó, để được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện, bao gồm:

          (i) Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này.

          (ii) Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt.

          (iii) Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

          Bên cạnh đó, tổ chức cũng được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyếtđịnh xử phạt khi đáp ứng đủ các điều kiện:

          (i) Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật này.

          (ii) Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt.

          (iii) Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

          Ba là, Luật XLVPHC chưa có quy định về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, tại Điều 88 Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung quy định cụ thể về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

          3. Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

          3.1. Về đối tượng, điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại các Điều 90, 92, 94 và 96 Luật XLVPHC để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với BLHS; quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính... bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, cụ thể:

          - Quy định cụ thể các hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

          - Làm rõ hơn quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng”, thống nhất trong cách áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

          - Bỏ quy định về việc đối tượng phải vi phạm “02 lần trong 06 tháng” là điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc để tránh kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp này;

          - Bổ sung quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy (Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy);

          - Sửa đổi quy định về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật; bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định;

          - Bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 02 trường hợp: (i) người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép mà không phải là tội phạm; (ii) người từ đủ 18 tuổi trở lên đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình mà không phải là tội phạm.

          3.2. Về thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

          Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc; sửa đổi các quy định tại khoản 1 Điều 98, khoản 3 Điều 99, khoản 3 Điều 101 và khoản 3 Điều 103 của Luật hiện hành liên quan đến thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo hướng:

          (i) Không quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập;

          (ii) Không quy định thẩm quyền kiểm tra tính pháp lý của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thay vào đó, Luật quy định rõ, cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ. Bởi vì, thực tế cho thấy quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập không thật sự cần thiết, làm kéo dài thời gian xem xét, áp dụng.

          3.3. Về việc quản lý đối tượng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 131 Luật XLVPHC theo hướng:

          Đối với người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ quyết định (i) giao cho trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc (ii) giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vi phạm cư trú hoặc có hành vi vi phạm tổ chức quản lý trong trường hợp bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Quy định nêu trên nhằm tháo gỡ vướng mắc của Điều 131 Luật XLVPHC hiện hành do quy định này hầu như không thể triển khai trong một thời gian dài.

          4. Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

          4.1. Về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính Điều 122 Luật XLVPHC quy định chỉ được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên, việc quy định những trường hợp được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính như Luật hiện hành là tương đối hẹp, gây khó khăn cho việc thi hành Luật XLVPHC. Do vậy, để bảo đảm tính đầy đủ, khắc phục bất cập trong thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật, Luật đã bổ sung vào khoản 1 Điều 122 Luật XLVPHC một số trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy bên cạnh các trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác và cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

          4.2. Về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề

          Một là, Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung vào khoản 3 Điều 125 Luật XLVPHC quy định cụ thể: thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

          Hai là, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại các khoản 4 và 9 Điều 125 Luật XLVPHC theo hướng: (i) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; sau đó, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ; (ii) Bỏ quy định về việc người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải ký vào biên bản tạm giữ.

          5. Về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

          Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung vào khoản 1 Điều 140 Luật XLVPHC đối tượng để quản lý tại gia đình đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy bên cạnh các đối tượng tại khoản 3, khoản 4 Điều 90 Luật XLVPHC.

          Bên cạnh đó, một trong những điểm mới của Luật số 67/2020/QH14 so với Luật XLVPHC hiện hành là việc bổ sung biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng là một trong các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên (Điều 140a) nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Theo đó, giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật hình sự có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục. Căn cứ vào quy định này, Tòa án nhân dân quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

          Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

          6. Về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính Luật số 67/2020/QH14 đã bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC nhằm giảm bớt thủ tục và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo.



File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.